Sự kiện

Tiết kiệm điện - Không chỉ là khẩu hiệu

Thứ năm, 17/4/2008 | 09:10 GMT+7

Cùng với dự báo từ nay đến những tháng cao điểm nóng của năm 2008, phụ tải tiếp tục tăng mạnh, trong khi khả năng các nguồn phát nhiệt điện dễ bị gặp sự cố vì luôn phải  vận hành ở mức cao, lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp,… thì tình trạng thiếu điện dẫn đến phải cắt điện luân phiên để giữ an toàn cho hệ thống điện quốc gia là không thể tránh khỏi.

Trước tình trạng cân đối cung  cầu điện căng thẳng, một giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược là: Tiết kiệm điện. Nếu như đầu năm 2007, đích thân Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và các Phó tổng giám đốc EVN trực tiếp đến các tỉnh thành trên cả nước ký kết biên bản phối hợp thực hiện tiết kiệm điện, thì từ đầu năm 2008, rất nhiều hoạt động tuyên truyền, thực hiện tiết kiệm điện cũng đã được khởi động trên cả nước. Cùng với sự chủ động của EVN, các Trung tâm tiết kiệm năng lượng, các địa phương trên cả nước cũng đã vào cuộc tích cực. Những hoạt động tuyên truyền cũng đã được đổi mới, thiết thực và hiệu quả hơn. Bởi lẽ, nếu tuyên truyền chưa đầy đủ sẽ gây ra sự ngộ nhận trong ý thức tiết kiệm điện của nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Họ cho rằng, tiết kiệm chỉ đơn thuần là hạn chế tới mức thấp nhất việc sử dụng điện trong giờ cao điểm vì giá điện cao. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp, những vấn đề như: Cải tiến công nghệ, đầu tư cuốn chiếu thiết bị lạc hậu bằng những công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng; tận thu nhiệt thải để tái sử dụng, sắp xếp dây chuyền sản xuất hợp lý, giảm thiểu năng lượng cần tiêu hao lại chưa được tuyên truyền và thực hiện đúng.

Thực tế, trong thời gian qua, việc tuyên truyền và thực hiện tiết kiệm điện trong khối doanh nghiệp không gặp nhiều khó khăn so với khối các đơn vị hành chính thụ hưởng ngân sách Nhà nước. Bởi trước tiên, chi phí tiền điện được tính vào chi phí đầu vào, nếu doanh nghiệp không thực hiện tiết kiệm điện thì chi phí đầu vào cao, kéo theo sản phẩm không có tính cạnh tranh, ảnh hưởng tới doanh thu của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp, việc tiết kiệm năng lượng lại là “lực bất tòng tâm”. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp đầu tư, sử dụng những loại máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu. Khi mua sắm các loại máy móc, điều đầu tiên doanh nghiệp quan tâm là giá cả có phù hợp với túi tiền không, sau đó là công năng sử dụng, cuối cùng mới đến hiệu quả sử dụng nhiên liệu. Thường những loại máy mới, hiện đại sẽ tiết kiệm năng lượng hơn, nhưng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn liếng hạn chế, thì việc lựa chọn máy móc cho phù hợp, ít tiền mà lại tiết kiệm năng lượng là rất khó. Hiện, nhiều doanh nghiệp ngành May đang sử dụng hệ thống máy móc già nua, nên nếu muốn tiết kiệm điện, tăng công suất thì các doanh nghiệp này phải trang bị lại, chi phí rất lớn. Không thay đổi được công nghệ lạc hậu, nên không chỉ các doanh nghiệp mất đi tính cạnh tranh mà nền công nghiệp nói chung cũng chịu một sức ì rất lớn, trong đó hậu quả nhãn tiền là sự tiêu phí quá lớn về năng lượng.

Một yếu tố nữa khiến việc tiết kiệm năng lượng tại các doanh nghiệp chưa triệt để là các doanh nghiệp chưa biết cách tiết kiệm, sử dụng hợp lý. Hiện nay, hầu hết các nhà máy sản xuất đều không có hệ thống quản lý năng lượng và giải pháp phù hợp, đặc biệt là chưa đào tạo được cán bộ quản lý tiết kiệm năng lượng. Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra một số tư vấn và được nhiều doanh nghiệp sản xuất áp dụng thành công như: Vệ sinh bảo trì máy định kỳ, quản lý vận hành hợp lý. Theo tính toán của Trung tâm, nếu các doanh nghiệp thực hiện các phương án tiết kiệm năng lượng, thì có thể tiết kiệm tới 30% chi phí năng lượng, một con số không nhỏ đối với doanh nghiệp.

Với một khả năng tiết kiệm điện cao như vậy trong khối các doanh nghiệp, Chính phủ và Bộ Công thương đã hết sức chú trọng, chỉ đạo và tạo điều kiện để con số trên được hiện thực hóa. Trong đó, phải kể đến dự án Quản lý nhu cầu điện và TKNL trong 4 năm (2004-2008) với tổng quỹ đầu tư là 7,32 triệu USD do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ. Chương trình Tiết kiệm năng lượng thương mại thí điểm (viết tắt là CEEP) là hợp phần thứ hai của dự án trên. Trọng tâm của chương trình là hỗ trợ các nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ TKNL nhằm nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi kinh doanh của họ đối với những đơn vị sử dụng năng lượng theo những mô hình kinh doanh phù hợp nền kinh tế thị trường Việt Nam.

Bà Nguyễn Ngọc Kiều Linh - Phụ trách dự án CEEP tại Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (TKNL) TP Hồ Chí Minh cho biết: Tham gia vào CEEP, doanh nghiệp có cơ hội tiết kiệm được chi phí sản xuất nhờ cắt giảm từ 15%-40% chi phí sử dụng điện, nhất là những doanh nghiệp thuộc các ngành như gạch ngói, gốm sứ, dệt may, chế biến thực phẩm, giấy. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ cả về mặt kỹ thuật và tài chính. Doanh nghiệp sẽ được Trung tâm TKNL - TP Hồ Chí Minh hỗ trợ thực hiện đánh giá sơ bộ tiềm năng của doanh nghiệp để nắm tình hình sử dụng điện của doanh nghiệp; kiểm toán năng lượng chi tiết nhằm xác định những lĩnh vực sử dụng điện lãng phí và tìm ra những giải pháp TKNL phù hợp nhất; báo cáo nghiên cứu khả thi về hiệu quả sử dụng năng lượng; báo cáo nghiên cứu đầu tư để được phê duyệt tham gia dự án với các chính sách và các mức hỗ trợ khác nhau.

Ngoài ra, hàng loạt dự án, chương trình tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng, những giải pháp tiết kiệm và sử dụng năng lượng hợp lý cũng đã được các cơ quan chức năng triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực. Bản thân các doanh nghiệp cũng chủ động phối hợp với nhau trong việc chia sẻ thông tin, thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện. Đơn cử như Công ty cổ phần Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông đã phối hợp với Công ty Dệt may Hà Nội thay thế 14.000 bộ đèn huỳnh quang cũ bằng bộ đèn T8 và ballat tổn hao thấp, giảm 17% điện tiêu thụ, tăng 20% độ rọi trên bàn máy, tiết kiệm 720.000 kWh điện/năm  tương đương số tiền 800 triệu đồng.

Từ lâu, đối với khối doanh nghiệp, tiết kiệm điện đã không còn là khẩu hiệu. Sự phối hợp chung tay của EVN, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương sẽ tạo nhiều điều kiện hơn để khối các doanh nghiệp đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả của việc tiết kiệm điện. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ thiếu điện mà còn là một bước đi cần thiết của các doanh nghiệp Việt Nam trên con đường hội nhập kinh tế thế giới.

Hà Nội: 1.500 băng rôn tuyên truyền tiết kiệm điện

Công ty Điện lực Hà Nội vừa phối hợp với Công ty Cổ phần Quảng cáo Vương Gia (đơn vị được UBND Thành phố chỉ định) thực hiện Chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện bằng hình thức Quảng cáo trên băng rôn treo dọc các tuyến phố chính của Hà Nội. Chương trình này được thực hiện từ ngày 10/3 đến ngày 15/ 5 /2008. Sau gần 10 ngày triển khai, Công ty Vương Gia đã căng, treo được 1.300 băng rôn có kích cỡ 0,80m x 2m với các nội dung: “Hạn chế dùng bóng đèn dây tóc trong chiếu sáng”, Tiết kiệm điện bảo vệ môi trường”, Hãy tắt tất cả các thiết bị điện khi không sử dụng”. Trên các tuyến phố, băng rôn tuyên truyền tiết kiệm điện được treo trên hàng cột đèn đường dọc dải phân cách hoặc hai bên đường với vị trí thoáng đãng nhất nên người tham gia giao thông rất dễ nhận biết như tuyến đường Bà Triệu, Cầu Giấy, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng… Ông Dương Quốc Tuân - Trưởng phòng Thi đua Tuyên truyền - Công ty Điện lực Hà Nội cho biết:  Chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện bằng hình thức quảng cáo trên pa nô, băng rôn của Công ty Điện lực Hà Nội trước đây đã được thực hiện tốt trong nhiều thời điểm khác nhau, nay lại phối hợp với Công ty Quảng cáo Vương Gia để tuyên truyền là một hình thức mới. Sự kết hợp tuyên truyền với quảng cáo đã tạo nên hiệu quả tốt. Kinh phí thực hiện đều do Công ty Quảng cáo Vương Gia chịu trách nhiệm. Trên băng rôn, ngoài phần lớn nội dung tuyên truyền tiết kiệm điện còn in lôgô, quảng cáo một số đơn vị tài trợ cho chiến dịch tuyên truyền tiết kiệm điện của Công ty Điện lực Hà Nội.

Theo bà Lê Hà Phương và một số hộ buôn bán thuộc phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) thì hình thức tuyên truyền này đã thu hút người đi trên đường, vì một tuyến phố có rất nhiều băng rôn với nội dung được lặp đi lặp lại nên chúng tôi để ý và rất dễ nhớ.

Có thể nói, Chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện bằng hình thức pa nô, biển bướm treo dọc các tuyến đường phố của Công ty Điện lực Hà Nội bước đầu đã đạt kết quả tốt. Đây là hình thức trực quan nên dễ “thấm” vào mỗi người để giúp họ thực hiện tốt công tác tiết kiệm điện theo tinh thần chỉ thị số 19/CT 2005 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.  

Điện lực Quảng Trị ra quân tuyên truyền tiết kiệm điện 

Ngày 12/02/2008, Điện lực Quảng Trị đã tổ chức Lễ ra quân tuyên truyền tiết kiệm điện. Sau buổi Lễ, xe lưu động tuyên truyền tiết kiệm điện đã đi dọc các tuyến đường chính của Thị xã Đông Hà, phát những nội dung về dự báo nguồn điện sẽ bị thiếu hụt vào mùa khô năm nay và các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào giờ cao điểm. Qua đó giúp khách hàng sử dụng điện nhận thức được vấn đề tiết kiệm là ích nước, lợi nhà. Sau Lễ ra quân, công tác tuyên truyền, vận động TKĐ được Điện lực Quảng Trị tiếp tục triển khai mạnh trên các địa bàn huyện, thị trong Tỉnh có tình hình phụ tải tăng cao.

Năm 2007, toàn tỉnh Quảng Trị đã tiết kiệm trên 2,64 triệu kWh, góp phần cùng cả nước tiết kiệm hơn 582 triệu kWh, đạt giá trị trên 500 tỷ đồng. 

Theo TCĐL số 3/2008