Sự kiện

Mùa khô 2008: Sẽ nắng nóng và thiếu điện

Thứ tư, 23/4/2008 | 10:24 GMT+7

Cùng với những dự báo về diễn biến thời tiết mùa hè năm nay có khả năng nắng nóng kéo dài, EVN dự báo, tình hình cung ứng điện từ nay đến hết tháng 5 cũng sẽ tiếp tục căng thẳng, nhất là khu vực miền Bắc. Bởi hầu hết các hồ thủy điện đều ở mức thấp, trong khi hệ thống không có công suất dự phòng.

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (Ao) dự tính, sản lượng điện trong các tháng mùa khô (từ 1/1 đến 31/5) khoảng 31,7 tỷ kWh, tăng 4,8 tỷ kWh so với mùa khô 2007, tương đương giai đoạn này tốc độ tăng trưởng đạt 18,11%. Nếu lũ tiểu mãn không về hoặc về muộn vào giữa tháng 6 thì tình hình cung ứng điện sẽ cực kỳ căng thẳng, nhất là khu vực miền Bắc do miền Bắc đã nắng ấm và phụ tải còn tiếp tục tăng cao, dự kiến khoảng 78,7 triệu kWh một ngày trong tháng 4 (tăng 21,38%) và 83 triệu kWh một ngày trong tháng 5 (tăng 17,57%).

3 tháng đầu năm vừa qua, tình  hình  vận  hành  nguồn điện có nhiều diễn biến bất lợi hơn nhiều so với dự liệu: Nhiệt điện Cà Mau 1 chỉ cung cấp được khoảng 42% sản lượng so với kế hoạch; Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở  rộng 1 do Lilama làm tổng thầu EPC vận hành không ổn định; sự cố tổ máy số 1 Thủy điện Tuyên Quang phải  dừng  dài  ngày  từ 5-2 đến 14-3; các nguồn khí Cửu Long và Nam Côn Sơn cung cấp cho sản xuất điện không ổn định, làm giảm sản lượng các nhà máy tua-bin khí; Nhà máy điện Cà Mau 2 và Nhơn Trạch 1 có khả năng chậm tiến độ, khó có thể vận hành trước cuối tháng 5-2008, đồng nghĩa với “đứng ngoài cuộc” trong việc cung cấp điện mùa khô. Các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đã phải thực hiện 3 đợt xả nước để phục vụ sản xuất đổ ải cho vụ Đông Xuân khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Tổng lưu lượng xả hai hồ Hòa Bình và Thác Bà khoảng 2,2 tỷ m3 nước, tương đương 430 triệu kWh điện.

Cùng với những bất lợi liên tiếp xảy ra như trên, nhu cầu điện 3 tháng qua cũng tăng rất cao. Thời gian này, EVN phải sản xuất và mua điện từ các nhà máy bên ngoài khoảng 17,05 tỷ kWh, tăng 18,41% so với cùng kỳ năm 2007, trong đó điện mua từ các nhà máy bên ngoài EVN tăng 30,39%. Ðiện thương phẩm đạt 15,02 tỷ kWh, tăng 19,09% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện cung cấp cho công nghiệp tăng 20,95%.

Trước tình hình đó, để bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, EVN đã lập kế hoạch huy động cao tất cả các nguồn thủy điện, nhiệt điện than, khí, dầu và tăng lượng điện mua ngoài giá cao của các nhà máy điện BOT, IPP và mua điện từ Trung Quốc. Năm 2008 dự kiến điện EVN sản xuất và mua từ các nhà máy ngoài EVN là 77,2 tỷ kW giờ (tăng 15,62% so với năm 2007)

Hiện EVN đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp khắc phục khó khăn nhằm bảo đảm cung ứng điện phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân: Hoàn thành sửa chữa, bảo dưỡng các tổ máy nhiệt điện than, tua-bin khí, diezen để bảo đảm sẵn sàng huy động cao. Ðàm phán với Công ty Ðiện lực Vân Nam để tăng lượng điện mua của Trung Quốc. Ðưa vào vận hành công trình thủy điện Ðại Ninh, Quảng Trị, tổ máy số 1 Thủy điện Tuyên Quang. Ðôn đốc Lilama khắc phục sự cố nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1. Phối hợp với Công ty Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 xử lý sự cố, khôi phục công suất toàn bộ hai nhà máy. Phối hợp với PetroVietnam và Lilama đẩy tiến độ vận hành Nhà máy Cà Mau 1. Ðồng thời, tăng cường tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố, các khách hàng sử dụng điện lớn ký cam kết về  tiết kiệm điện. Từ tháng 3-2008, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường các biện pháp đồng bộ như tuyên truyền, phối hợp, tư vấn cho khách hàng nhằm nâng chỉ tiêu tiết kiệm điện lên mức 1,5% điện thương phẩm; tăng lượng huy động nguồn ngoài EVN có giá cao, mặc dù điều đó ảnh hưởng lớn đến cân đối tài chính của EVN (Theo tính toán, với 24,11 tỷ kWh mua của các nguồn BOT&IPP, EVN phải bù lỗ hơn 6.100 tỷ đồng, trong đó của riêng nhà máy điện Cà Mau là trên 2.100 tỷ đồng.) Khuyến khích lắp đặt đồng hồ điện tử ba giá, đây là một trong những biện pháp nhằm sử dụng điện hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt, giảm công suất giờ cao điểm của hệ thống, tiết kiệm tối đa nguồn chi phí cho đơn vị, cho cơ quan và cho cả gia đình, đồng thời tiết kiệm năng lượng quốc gia.

Phải nói rằng, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, cộng thêm các yếu tố khách quan như giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu đầu vào tăng cao làm ảnh hưởng đến chi phí đầu tư và sản xuất, kinh doanh, song thời gian qua EVN đã hết sức cố gắng để bảo đảm cung cấp điện an toàn và ổn định. Trong các tình huống phải tiết giảm phụ tải, EVN luôn nỗ lực bảo đảm  đến mức cao nhất cung cấp điện cho sản xuất, cho các phụ tải quan trọng và các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của nhân dân. 

Bảo Ngọc