Sự kiện

Phát triển thị trường phát điện cạnh tranh: Có hấp dẫn nhà đầu tư?

Thứ sáu, 25/4/2008 | 10:14 GMT+7

Theo lộ trình, cuối năm 2009 thị trường phát điện cạnh tranh (TTPĐCT) tại Việt Nam sẽ đi vào hoạt động. Các chuyên gia kinh tế nhận định: Cuộc đua cạnh tranh giữa các nhà sản xuất điện sẽ căng thẳng; đồng thời, đây sẽ là một thị trường tiềm năng hấp dẫn các nhà đầu tư.

Cạnh tranh công bằng

Để đảm bảo TTPĐCT đi vào hoạt động công bằng, minh bạch, đúng lộ trình; từ 1/7/2005, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai thí điểm nội bộ với 8 đơn vị phát điện tham gia. Đó là các nhà máy nhiệt điện: Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình, Các nhà máy thủy điện: Thác Bà, Thác Mơ, Hàm Thuận-Đa Mi, Bà Rịa, Vĩnh Sơn-Sông Hinh. Trong đó, Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia (A0) là đơn vị vận hành, EVN làm đơn vị quản lý thị trường điện nội bộ. Tư vấn Campbel Carr (Anh) cho rằng: “Khi Việt Nam tham gia thị trường hoàn toàn thì việc canh tranh về giá sẽ căng thẳng, nhưng rất công bằng”. Theo đó, người tiêu dùng sẽ không bị rơi vào tình trạng cắt điện luân phiên nhằm mục đích giảm tải như hiện nay.

Thời điểm này, giá năng lượng trên thế giới đang ở mức rất cao. Nhà nước vẫn phải ‘trợ giá” cho hoạt động của EVN, để kiềm chế lạm phát, ổn định sản xuất. Ông Đặng Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) không dấu lo ngại: Khi TTPĐCT đi vào hoạt động, đương nhiên giá bán sẽ hòa nhập với thế giới, liệu khách hàng Việt Nam có chịu được mức giá ấy không?

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó giám đốc Công ty Cổ phần mua bán điện (EVN) cho biết:  “So với thế giới, giá điện của Việt Nam hiện vẫn rẻ hơn vì tới thời điểm này Chính phủ vẫn chưa có quyết định tăng giá điện đến 6/2008. Nhưng nếu giá điện có tăng thì vẫn ở mức người tiêu dùng chấp nhận được”.

Theo lộ trình phát triển chung của TTPĐCT sẽ là cạnh tranh điện tự do. Mức chi phí cuối cùng từ than, dầu sản xuất qua truyền tải, chi phí điện sẽ đẩy hết chi khách hàng. Điều đó đồng nghĩa là khách hàng rút túi trả cho năng lượng tiêu thụ, và họ sẽ chỉ lựa chọn nhà cung cấp tốt nhất, rẻ nhất.

Do đó, để tham gia TTPĐCT, những nhà máy điện có thiết bị công nghệ lạc hậu sẽ phải tìm mọi cách tăng hiệu suất, giảm chi phí nhiên liệu bằng cách đại tu lại hệ thống thiết bị kỹ thuật hoặc tìm nguồn nguyên liệu hợp lý hay chuyển đổi công nghệ.

Sẽ hấp dẫn nhà đầu tư?

Việc đẩy mạnh đầu tư vào ngành điện sẽ thúc đẩy phát triển TTPĐCT, qua đó cải thiện tình hình cung ứng điện, nhất là trong giai đoạn nhu cầu điện đang nóng bỏng ở Việt Nam. Trao đổi về vấn đề này với báo Đấu Thầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào nhận định: “Nếu thị trường điện không thu hút được đầu tư, việc thiếu điện sẽ chắc chắn còn tiếp diễn.

Theo ông Đỗ Hữu Hào, một trong những vướng mắc khiến nhà đầu tư lùi bước khi đầu tư vào ngành điện hiện nay là thương thảo giá bán. Chẳng hạn như dự án điện Nghi Sơn 1 đã có 30-40 nhà thầu tham dự, thế nhưng khi đàm phán về giá thì nhiều nhà thầu đã tự “rút quân”. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhà đầu tư lớn tiếp tục vào cuộc như: Dự án thủy điện La Trọng đầu nguồn sông Gianh được DN đầu tư 700 tỷ đồng, dự án nhiệt điện của công ty Australia đầu tư 4 tỷ USD hứa hẹn cung ứng  3600 MW …

Các chuyên gia cho rằng: Muốn thu hút đầu tư phải hấp dẫn, đảm bảo cho nhà đầu tư thu hồi vốn và có lãi. Ông Hùng cho biết: “Việt Nam đang cố gắng tạo ra môi trường đầu tư bằng luật lệ, quy định, … ngày càng thông thoáng hơn”. Mặc dù vậy, việc đảm bảo thu hồi vốn cho nhà đầu tư cần lộ trình khá dài. Cũng theo ông Hùng: “Vấn đề là tái cơ cấu lại tổ chức trong ngành điện thế nào để hoạt động có hiệu quả trong một thị trường cạnh tranh công bằng, hợp lý”.

Trên thực tế, EVN đã huy động trái phiếu để đầu tư vào 24 công ty sản xuất điện và nắm cổ phần chi phối. Rõ ràng, đầu tư vào sản xuất điện đã, đang và sẽ vẫn là ngành kinh doanh hấp dẫn. Dự báo về sự phát triển của thị trường phát điện giai đoạn tới, theo ông Tuấn: “Đương nhiên, khi tham gia thị trường này thì sẽ xuất hiện nơi giá thấp mua vào trước, giá cao ế. Do đó, tình trạng các nhà máy sản xuất điện có hiệu suất thấp, chi phí hoạt động cao không hiệu quả sẽ phải đóng cửa. Đây cũng là cơ chế chung của thị trường”.

Còn hơn một năm nữa để dự án thiết kế TTPĐCT hoàn thiện và đi vào hoạt động. Các chuyên gia EVN nhân định: xác định cơ chế về giá là đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc “làm ăn” của từng nhà máy điện. Mặt khác, những cơ chế hấp dẫn về giá sẽ hấp dẫn thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vào thị trường này. 

Theo báo Đầu tư