Sự kiện

Trên mặt trận chống tổn thất điện năng khi 3 mũi đã giáp công!

Thứ năm, 24/4/2008 | 10:46 GMT+7

Trong sản xuất và kinh doanh điện năng, lượng điện dùng để truyền tải và phân phối điện luôn tỷ lệ nghịch với hiệu quả kinh doanh và là mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý. Chỉ khi nào lưới điện đạt đến mức “siêu dẫn” thì “mặt trận” giảm tổn thất điện năng mới không còn nóng bỏng. Nhưng để lưới điện đạt đến mức “siêu dẫn” chỉ có thể thực hiện trong phòng thí nghiệm. Còn trên thực tế, lượng điện thất thoát trong kinh doanh không chỉ là vấn đề dây dẫn, lưới điện, phương thức vận hành, đó là thất thoát kỹ thuật, mà còn là gian lận trong sử dụng điện. Trong Luật Hình sự đã chỉ rõ tội danh: “ăn cắp điện” - lượng điện thất thoát này không nhỏ và có cái tên “dịu dàng” hơn: Tổn thất thương mại.

Điện lực Bình Định chống tổn thất điện năng

Sẽ “không ngoa” khi nói rằng, công tác chống tổn thất điện năng trong ngành Điện như là một “mặt trận”. Bởi ở đây luôn có sự giằng co quyết liệt, có thắng có thua và không kém phần gay go phức tạp. Đó là chưa kể tới việc đầu tư tiền của và công sức cho mục tiêu giảm tổn thất điện năng.

Từ công tác giảm tổn thất điện năng ở Điện lực Bình Định, có thể thấy được cái nhìn tổng thể trong toàn ngành Điện và cảm nhận hết những nỗi gian truân, nhọc nhằn của những người làm điện đang vào cuộc “trường chinh” trên mặt trận  này.

Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng Dự án cải tạo lưới điện thành phố Quy Nhơn (SIDA1-2), huyện An Nhơn (SIDA3), do Tổ chức phát triển Quốc tế Thuỵ Điển (SIDA) tài trợ vào những năm 1993-2000. Chỉ tiêu tổn thất điện năng của Điện lực Bình Định từ 2 con số, đã giảm xuống còn một con số: Từ 30% (năm 1998), xuống còn dưới 6% (năm 2007). Đạt được thành công này là sự trả giá không chỉ hàng chục tỷ đồng ngân sách đối ứng, mà còn tốn nhiều công sức xây lắp cải tạo lưới điện để có một hệ thống lưới điện “chuẩn” về kỹ thuật, đồng bộ về thiết bị và khang trang bề thế như hiện nay.

Năm 2007, Điện lực Bình Định được Công ty Điện lực 3 giao kế hoạch điện thương phẩm là 712 triệu kWh, tăng gần 15% so với năm 2006. Điều đó cũng dễ hiểu bởi mức phát triển phụ tải ở Bình Định sau khi khu kinh tế Nhơn Hội, khu Công nghiệp Phú Tài, Long Mỹ và hàng loạt cụm công nghiệp -TTCN ở 11 huyện - thành phố cùng đi vào hoạt động. Nhưng “lo nhất” vẫn là chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng được giao 5,6%. Đây thực sự là vấn đề nan giải ở thời điểm khi mà tổn thất điện năng ở Bình Định khó có thể giảm xuống được nữa.

Cái khó ở đây không chỉ là quy mô lưới điện trải dài qua nhiều địa hình, phức tạp: Đồi núi, ven biển, đồng bằng với  trên 1.686 km đường dây trung áp và trên 570 km đường dây hạ thế, mà trong năm 2007, trước nhu cầu sử dụng điện tăng, hợp đồng sử dụng điện đã lên tới gần 90.000 hộ, trong tình trạng thiếu nguồn buộc phải tiết giảm công suất tại nhiều nơi cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tổn thất điện năng.

Cùng với Nghị quyết Đại hội CNVC đầu năm 2007, Lãnh đạo và tập thể CBCNV đã đề xuất những biện pháp hợp lý. Trong đó, biện pháp hạ chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng năm 2007 xuống dưới 5,6% được đánh giá là khả thi và đồng bộ nhất, vì nó tổng hợp được khối lượng công việc và chi tiết ra 3 nhóm giải pháp, đó là giải pháp kinh doanh, giải  pháp kỹ thuật và giải pháp vận hành.

Ở nhóm biện pháp kinh doanh: Thắng lợi đầu tiên là công tác quản lý khách hàng và kiểm tra sử dụng điện. Tổ kiểm tra sử dụng điện của Điện lực phối hợp với 7 chi nhánh điện tăng cường “chăm sóc” khách hàng, thực hiện kiểm tra kỹ hệ thống đo đếm, sơ đồ đấu dây, thông số cài đặt…”, đặc biệt đối với những khách hàng có sản lượng tiêu thụ điện lớn và có khả năng gian lận trong sử dụng điện, đồng thời tăng cường phúc tra chỉ số công tơ, triển khai lắp đặt công tơ 3 giá, kiểm tra định kỳ 9.216 công tơ 1 pha, 1.092 công tơ 3 pha, bảo đảm không còn công tơ “quá đát” trên lưới điện trong phạm vi quản lý. Trong năm đã thực hiện được 3.410 lượt kiểm tra, phát hiện 6 vụ vi phạm quả tang, truy thu 57.189 kWh, tương đương 42.884.809 đồng. Có thể nói, ở “mũi chiến đấu” này, thắng lợi không dễ dàng, nhưng hiệu quả giảm tổn thất điện năng có thể thấy ngay. Điều này có tác dụng động viên khuyến khích CBCNV trong việc phổ biến kinh nghiệm, phát hiện, đối phó với những trường hợp lấy cắp điện ngày càng tinh vi  hơn.

“Mũi giáp công” thứ 2 được xác định là nhóm giải pháp kỹ thuật. Bao công sức, mồ hôi đã đổ ra để phát quang hành lang tuyến, giải quyết tình trạng va quệt vào đường dây, hiện tượng phóng điện bề mặt sứ, mối nối quá nhiệt gây sự cố đứt dây. Từng đơn vị đã kết hợp với chương trình giảm suất sự cố, tập trung vào công tác xử lý tiếp địa cột. Điều đáng ghi nhận ở mỗi đơn vị đăng ký thi đua là, nội dung khối lượng công việc liên quan đến các biện pháp kỹ thuật và sửa chữa lớn-XDCB lưới điện để chống tổn thất điện năng đã được trình lãnh đạo phê duyệt từ đầu quý. Cứ như thế, đơn vị chủ động tiến hành sửa chữa lưới điện thường xuyên, kịp thời khắc phục các điểm quá tải, move… không phải đợi đến đợt sửa chữa lớn. Phòng Kỹ thuật Điện lực Bình Định là đơn vị chủ công trong việc kiểm tra công tác quản lý kỹ thuật đã thường xuyên tác nghiệp với các đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm tra định kỳ, thí nghiệm định kỳ và xử lý dứt điểm các tồn tại sau thí nghiệm định kỳ, đồng thời phối hợp với các chi nhánh điện làm tốt công tác quy hoạch lưới điện toàn Tỉnh, đảm bảo cơ cấu lưới hợp lý, góp phần giảm tổn thất điện năng trong quá trình truyền tải và phân phối điện.

Sẽ là thiếu sót, nếu không đề cập đến “mũi giáp công” thứ 3: Đó là nhóm giải pháp vận hành lưới điện. Năm 2007, công tác vận hành lưới điện ở Bình Định được lựa chọn một cách hợp lý, vừa đảm bảo yêu cầu cung cấp điện, vừa giảm được tổn thất điện năng. Việc thực hiện kiểm tra đồng vị pha và đóng vòng cho 2 khu vực thành phố Quy nhơn và huyện An Nhơn đã đem lại hiệu quả đáng kể. Chi nhánh điện Phú Phong đi đầu trong công tác hoán chuyển các máy biến áp không phù hợp với phụ tải thực tế. Toàn Điện lực đã hoán chuyển được 9 máy biến áp, sắp xếp lại hợp lý các trạm trung gian và cân pha cho các trạm biến áp phát hiện có tình trạng lệch pha.

Đối với các cụm tụ bù hạ áp của khách hàng sử dụng điện lớn, cán bộ kỹ thuật của Điện lực tiến hành kiểm tra tình trạng hoạt động của các bộ phận điều khiển tự động, để bảo đảm không phát thừa công suất phản kháng vào lưới điện trong giờ thấp điểm. Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng điện áp trên lưới, các TBA phân phối cũng được đặt nấc phân áp phù hợp với từng khu vực. Nhờ áp dụng các giải pháp đồng bộ, năm 2007 Điện lực Bình Định, giảm đựơc 0,36% chỉ tiêu tổn thất điện năng đựơc giao, tương ứng với 256.397 kWh điện thương phẩm có trị giá gần 2 tỷ đồng. Con số ấy thực ra còn chưa nói hết hiệu quả của phong trào thi đua giảm tổn thất điện năng ở Điện lực Bình Định. Bởi hiệu ứng của sự nỗ lực trên ”3 mũi giáp công” ấy còn tạo ra ý thức tự giác cao cho toàn thể CBCNV Điện lực trong thực hiện tiết kiệm điện hiện nay, qua đó khẳng định niềm tin về khả năng giảm được chỉ tiêu tổn thất điện năng xuống ngang bằng chỉ tiêu tổn thất điện năng của toàn ngành Điện. 

Theo KTQL số tháng 4-2008 (trang 47)