Sự kiện

Kỹ sư Trịnh Quang Dũng, Viện Vật lý TP.HCM: Nên khai thác điện mặt trời ở nhiều vùng

Thứ sáu, 18/4/2008 | 08:54 GMT+7

Nhiều người dân đã chủ động trang bị các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời trong bối cảnh thiếu điện mùa khô. Ngoài ra, có nhiều nơi lưới điện không thể vào được. Kỹ sư Trịnh Quang Dũng, trưởng phòng phát triển công nghệ điện mặt trời, viện Vật lý TP.HCM chia sẻ với bạn đọc về giải pháp năng lượng điện mặt trời

Kỹ sư Trịnh Quang Dũng, trưởng phòng Phát triển công nghệ điện mặt trời (viện Vật lý TP.HCM)

Về chiến lược, để giảm bớt thiếu hụt điện, đến năm 2020 sẽ có 5% được thay thế bằng nguồn năng lượng mới: mặt trời, gió, rác... Trong đó, năng lượng mặt trời được quan tâm nhiều hơn vì không ảnh hưởng đến môi trường, khí hậu so với những nguồn khác. Qua tính toán của chúng tôi, từ miền Trung trở vào, bức xạ mặt trời có công suất 5Kwh/m2/ngày. Nguồn năng lượng này chỉ thua các vùng sa mạc. Chúng ta có kho báu như thế nhưng chưa biết khai thác. Qua làm việc với các địa phương, từ nay đến năm 2015 có những vùng chưa thể có điện như: Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), riêng tỉnh Quảng Bình hiện đang có 11 xã không có khả năng điện lưới vào được...

Nhiều địa phương khác cũng có những vùng rất khó có điện lưới chỉ vì mức đầu tư cao mà hiệu suất sử dụng thấp. Để tiết giảm đầu tư nhưng vẫn có điện cho người dân dùng chỉ còn cách duy nhất là xây dựng và khai thác điện từ năng lượng mặt trời.

Năng lượng mặt trời dường như mới chỉ phục vụ cho sinh hoạt gia đình đơn lẻ, còn ít dự án quy mô?

Cần có chiến lược trước mắt và lâu dài nhưng tôi khẳng định rằng, việc chọn lựa nguồn năng lượng mới, cụ thể là năng lượng mặt trời là hướng đi hoàn toàn đúng. Từ nhiều năm nay, tập thể chuyên gia kỹ thuật của chúng tôi đã làm nhiều công trình về năng lượng mặt trời nhưng chỉ làm những dự án từ nước ngoài như từ Đức, Thuỵ Điển. Gần đây chúng tôi làm việc với Tây Ban Nha (quốc gia này đã tài trợ một dự án năng lượng mặt trời có công suất 17,5Kwp cho bốn tỉnh: Ninh Thuận, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam). Những dự án này đã đem lại nguồn ánh sáng cho người dân vùng sâu vùng xa.

Có nhiều doanh nghiệp chuẩn bị khai thác nguồn tài nguyên này hay không?

Trên thị trường đã có một vài sản phẩm dùng năng lượng mặt trời như máy tắm nước nóng nhưng đối tượng sử dụng chưa nhiều nên nguồn năng lượng tiết kiệm từ những thiết bị này chưa đáng kể. Dù chưa nhiều nhưng tại TP.HCM đã có một vài doanh nghiệp quan tâm đến nguồn tài nguyên này như liên kết giữa trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM với công ty Mặt Trời Đỏ trong việc xây dựng nhà máy sản xuất pin mặt trời (đặt tại cụm công nghiệp Đức Hoà - Long An). Solarlab tư vấn cho công ty Tân Hiệp Phúc chuẩn bị đề án xây dựng nhà máy sản xuất pin mặt trời. Về phía chính phủ đang hoàn chỉnh một số quy định về nguồn năng lượng mới. Không xa nữa, hy vọng nguồn năng lượng mới sẽ được các cơ quan chức năng và các nhà quản lý đánh giá đúng, còn người dân ủng hộ sử dụng nguồn năng lượng này.

Theo SGTT