Sự kiện

Hợp tác quốc tế EVN: Một năm nhìn lại

Thứ tư, 16/4/2008 | 10:38 GMT+7

Năm 2007 là một năm đầy khó khăn, thách thức và cũng là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện các cam kết về gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đòi hỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải không ngừng nỗ lực, tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực bên ngoài cùng với nội lực bên trong để tập trung đầu tư xây dựng, hiện đại hoá hệ thống điện, từng bước phát triển bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu điện năng ngày một tăng nhanh của đất nước.

 

Tích cực tham gia các diễn đàn hợp tác quốc tế, nâng cao vị trí của EVN

Nỗ lực đảm bảo nguồn vốn đầu tư

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, EVN đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hàng loạt công trình nguồn và lưới điện, trong bối cảnh nguồn tài chính của EVN rất hạn hẹp, vốn vay trong nước không đủ, việc tăng cường hợp tác, tìm kiếm các nguồn vốn vay từ các tổ chức kinh tế, tài chính, thương mại quốc tế luôn được Tập đoàn xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, mở rộng các mối quan hệ đối ngoại, thiết lập các hoạt động hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia và các tổ chức tài chính quốc tế, giúp EVN thu hút được khối lượng vốn hỗ trợ phát triển khá lớn. Hàng nghìn tỷ đồng từ các dự án ODA của Ngân hàng phát triển châu á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) và một số quốc gia… được EVN sử dụng hiệu quả, thực hiện xây dựng hàng loạt nhà máy điện có hiệu suất cao, góp phần tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường. Các cụm tuốc bin khí chu trình hỗn hợp kịp thời phát triển để sử dụng nguồn khí thiên nhiên và khí đồng hành ở khu vực phía Nam rất hiệu quả. Các nhà máy điện xây dựng mới cũng như đang vận hành được trang bị hệ thống điều khiển, điều tốc hiện đại nâng cao hiệu quả phát điện. Lưới điện truyền tải và phân phối đã được đầu tư, mở rộng, hiện đại hóa, đặc biệt hệ thống bảo vệ tự động điều khiển đã góp phần giảm đáng kể những sự cố lưới điện trong thời gian gần đây, mặc dù chế độ vận hành hệ thống ngày càng đòi hỏi khắt khe do nhu cầu phụ tải tăng cao.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng ban HTQT - EVN, năm 2007 thực sự là dấu mốc quan trọng trong hoạt động hợp tác đối ngoại của Tập đoàn, bên cạnh việc củng cố, duy trì tốt mối quan hệ truyền thống với các tổ chức tài chính lớn, các nước như WB, ADB, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc… EVN cũng từng bước thiết lập và triển khai nhiều hoạt động hợp tác cụ thể với nhiều quốc gia, tổ chức tài chính, tập đoàn công nghiệp lớn trên thế giới. Mặt khác, để tạo môi trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính cho vay, ngành Điện luôn tích cực đổi mới và hoàn thiện mình, thể hiện qua việc phân cấp đầu tư, xây dựng đề án mô hình Tập đoàn Điện lực với mục đích tăng cường tính hiệu quả của EVN. Bằng việc làm cụ thể này, EVN đã giữ được lòng tin của các tổ chức hỗ trợ ODA như WB, ADB, JBIC… Các tổ chức này hiện đang cam kết tài trợ cho hàng loạt dự án mới với những khoản vay rất lớn, góp phần giảm gánh nặng về vốn đầu tư đối với EVN trong những năm tới. Nhờ đó, uy tín, vị thế của Tập đoàn đã không ngừng được nâng cao, giúp EVN tiếp cận và thu hút được nhiều nguồn vốn vay lớn cho các dự án như: Dự án Truyền tải điện miền Bắc và Truyền tải Điện miền Bắc mở rộng (530 triệu USD), Nhiệt điện Mông Dương (930 triệu USD), Thuỷ điện Sông Bung 4, đã thống nhất với ADB về khoản vay hơn 8 tỉ USD cho 10 dự án gồm cảng Vĩnh Tân, 01 dự án Truyền tải điện và các dự án nhiệt điện than ở miền Trung và miền Nam, dự án Nhà máy điện Nghi Sơn và Nhà máy điện Ô Môn cùng đường dây đồng bộ (20,943 triệu Yên), tăng vốn từ 100 triệu USD lên 150 triệu USD cho dự án Lưới điện phân phối nông thôn... Đồng thời, EVN cũng tiếp tục triển khai tốt các dự án đã ký như: Dự án 3680 (SEIER), 4000 (RE2), 4107 (TD2), tập trung giải quyết các thủ tục điều chuyển danh mục dự án, gia hạn các tín dụng 3680 (SEIER) và 4107 (TD2) để tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi này một cách tối đa; triển khai thực hiện tuyển chọn tư vấn trong khuôn khổ hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án Trình diễn quản lý chất PCB sử dụng khoản viện trợ không hoàn lại từ Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), hoàn thiện các tài liệu RAP, EIA cho dự án thuỷ điện Trung Sơn (220 MW) sử dụng khoản viện trợ không hoàn lại từ Quỹ Phát triển nguồn nhân lực của Chính phủ Nhật Bản, đàm phán với WB để tài trợ cho công tác tư vấn nghiên cứu đấu nối lưới điện giữa Việt Nam và Trung Quốc qua đường dây 500 kV…

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và khu vực

Bên cạnh đó, EVN còn tham gia tích cực vào các sinh hoạt, hoạt động với các nước trong khu vực ASEAN, nhất là các quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia, Trung Quốc. Đặc biệt, trong khuôn khổ hợp tác những người đứng đầu ngành Điện các nước ASEAN (Hapua), EVN đã đăng cai tổ chức thành công cuộc họp của Hội đồng HAPUA 23 tại Đà Nẵng. Cũng tại đây, EVN đã phối hợp với Ngân hàng phát triển châu á (ADB) tổ chức diễn đàn sinh hoạt trong khuôn khổ Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), APEC. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành để thu xếp khoản tín dụng 100 triệu USD cho dự án viễn thông nông thôn và hiện đang trao đổi với CSG để cùng khai thác hệ thống cáp quang OPGW trên các đường dây 220 kV qua Lào Cai và Hà Giang, nhằm tiếp tục tăng cường và mở rộng các cổng thông tin quốc tế của EVN. Tại Lào và Campuchia đã xúc tiến đầu tư xây dựng các nhà máy thuỷ điện Sê San 1 (90 MW), Hạ Sê San 2 (420 MW), chuẩn bị chương trình hội thảo báo cáo EIA sông Sêrêpok trên lãnh thổ Campuchia, đẩy mạnh hợp tác với Liên Bang Nga và Ucraina để cung cấp thiết bị cho các dự án Sê San 3, Pleikrông, A Vương, Buôn Kuốp...

Năm 2008, một trong những nhiệm vụ của EVN là triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến 2025 (Quy hoạch điện VI) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt - là Quy hoạch điện có quy mô lớn nhất trong số các quy hoạch điện đã được phê duyệt từ trước đến nay, nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng phụ tải. Tuy nhiên, để đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện, nhiều khó khăn trở ngại nhất là về vốn cùng các vấn để nảy sinh khác. Từ đó đòi hỏi Tập đoàn phải nỗ lực cao độ cũng như sớm có những giải pháp cấp bách cụ thể nhằm thu hút vốn và sự giúp đỡ về kỹ thuật, công nghệ. Để từng bước tháo gỡ những khó khăn này, trước mắt EVN cần tập trung thực hiện tốt các thoả thuận hợp tác đã ký với các quốc gia, tổ chức quốc tế và xúc tiến các chương trình hợp tác mới thông qua hỗ trợ của các tổ chức JICA, METI, JETRO, JEPIC; xúc tiến việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, chuẩn bị tiến tới đàm phán các điều khoản mua bán than, cụ thể với các đối tác úc, Indonexia cũng như các đối tác chiến lược về nhập khẩu than và liên hệ với các đối tác về khả năng cung cấp than từ các nguồn Lào, Nga, Nam Phi; đôn đốc thực hiện các dự án song phương với Châu Âu, tìm kiếm các nguồn vốn ODA song phương phù hợp cho các dự án đòi hỏi thiết bị công nghệ cao mà các nhà sản xuất trong nước không thể đáp ứng được; đẩy mạnh hợp tác giữa EVN và các doanh nghiệp LB Nga, Ucraina và các doanh nghiệp các nước trong khối Đông Âu trong lĩnh vực điện, triển khai các hoạt động hợp tác với HAPUA, Trung Quốc qua các công trình và hợp tác cụ thể, thiết thực như mua  bán điện cấp 220 kV, nghiên cứu đấu nối với cấp 500 kV và các công trình nguồn điện khác... duy trì và đẩy mạnh hơn nữa các hợp tác với Lào và Campuchia; Tham gia các hoạt động tuyên truyền về dự án điện nguyên tử, giao lưu với các đối tác quốc tế về cải tổ ngành điện, về hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong bối cảnh mới. 

Theo TCĐL số 3/2008