Sự kiện

Giải quyết vấn đề điện từ trường hành lang lưới điện truyền tải:Cần đánh giá toàn diện và hoàn thiện cơ chế

Thứ tư, 2/1/2008 | 09:01 GMT+7

Sau khi Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo quốc gia “ảnh hưởng của điện từ trường lưới điện truyền tải điện đối với môi sinh - Thực trạng và giải pháp phòng tránh” vào đầu tháng 10/2007 với sự tham dự của đông đảo đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học, đại diện các địa phương và các cơ quan báo chí, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp quan trọng.

                                                                      

Trong đó, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ chức năng như Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiên cứu đánh giá toàn diện vấn đề ảnh hưởng của điện từ trường và có kết luận khách quan. Điều này sẽ tạo sự yên tâm trong nhân dân và thuận lợi cho các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Bộ Công Thương cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông và báo chí khi đưa tin cần đảm bảo tính chính xác, khách quan, sát với các quy định hiện hành của pháp luật, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề an toàn điện, môi trường và có ý thức trách nhiệm trong thực thi các quy định của pháp luật. Bộ Công Thương còn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi quy định về đền bù hỗ trợ cho các hộ dân có đất, công trình nhà cửa nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Mặt khác, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xem xét giải quyết dứt điểm các tồn tại vướng mắc liên quan đến khiếu kiện của các hộ dân sống dọc hành lang tuyến đường dây 500 kV và trong hành lang bảo vệ an toàn các đường dây 220 kV, trong đó có đường dây 220 kV Hà Giang-Tuyên Quang-Thái Nguyên. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xem xét, bổ sung và hoàn chỉnh các quy định kỹ thuật về thiết kế và xây dựng đường dây để giảm thiểu các ảnh hưởng của đường dây truyền tải điện tới môi trường xung quanh.

Bộ Công Thương cũng đã báo cáo trực tiếp với Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về vấn đề này và tham gia đoàn công tác của Uỷ ban khảo sát tại chỗ một số hộ dân và làm việc với chính quyền huyện Đại Từ (Thái Nguyên) ngày 1/11/2007. Cùng tham gia đoàn công tác của Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội còn có đại diện Đoàn Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan liên quan. Trong quá trình khảo sát và trao đổi với lãnh đạo UBND huyện Đại Từ, một số vấn đề liên quan đến công tác đền bù, cơ chế phối hợp giữa chủ đầu tư, chính quyền địa phương,... đã được các bên quan tâm trao đổi để thống nhất giải quyết. Trong đó, vấn đề được quan tâm, tranh luận nhiều nhất là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng...

Trong một diễn biến khác, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 4979/VPCP-V.II ngày 5/9/2007 gửi Bộ Tài Nguyên và Môi trường truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng về việc giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Văn phòng Chính Phủ thành lập Tổ công tác để kiểm tra, xác minh mức độ nguy hiểm tác động đến sức khoẻ người dân và kiến nghị biện pháp xử lý. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác theo Quyết định số 1660/QĐ-BTNMT ngày 26/10/2007 với thời hạn làm việc là 20 ngày. Sau khi hoàn thành công tác kiểm tra, Tổ công tác đã báo cáo kết quả kiểm tra tới Thủ tướng Chính Phủ, các bộ ngành liên quan và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên. Các số liệu cho thấy giá trị cường độ điện từ trường và khoảng cách an toàn tại các vị trí đo không sai khác với các giá trị đo đạc trước đây của Bộ Công Thương.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương - Vũ Huy Hoàng, riêng với vướng mắc tại hành lang lưới điện đường dây 220 kV qua Thái Nguyên, EVN cần tiếp tục tập trung giải quyết với những nhiệm vụ: Kiểm tra lại công tác đền bù, giải quyết dứt điểm các trường hợp hộ dân còn thắc mắc. Một số phương án đền bù thiệt hại hoa màu do thi công chưa được duyệt cần báo cáo và đốc thúc Ban giải phóng mặt bằng (GPMB) địa phương duyệt để sớm chi trả cho các hộ dân. Với một số thắc mắc, bức xúc của các hộ dân với lý do đơn giá đền bù thấp, không đúng..., EVN cần trao đổi với Ban GPMB và báo cáo UBND tỉnh quyết định. Một số công trình nhà cửa không đảm bảo điều kiện chống cháy đã được đền bù để dỡ bỏ, EVN cần vận động các hộ dân thực hiện nghiêm túc; cùng UBND huyện xem xét những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt để có chính sách hỗ trợ riêng nhưng không làm xáo trộn mặt bằng chung và phải do Ban GPMB đề xuất và UBND tỉnh duyệt. Mặt khác, tổ chức nối đất các kết cấu kim loại, công trình nhà cửa theo đúng quy định. Thực tế, vừa qua một số hộ dân có phản ứng tiêu cực, cản trở tiến hành nối đất hoặc nối xong lại tự ý gỡ bỏ... Về vấn đề này, EVN đã báo cáo chính quyền địa phương và đề nghị hỗ trợ can thiệp. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng yêu cầu EVN tổng hợp các vấn đề còn tồn tại mà bản thân EVN không tự quyết định được để báo cáo Bộ Công Thương cùng UBND tỉnh giải quyết theo thẩm quyền. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, ngày 7/11/2007, lãnh đạo EVN đã cùng một số nhà khoa học làm việc với Báo Thái Nguyên để làm rõ sự thiếu chính xác, khách quan của các thông tin báo đã đăng thời gian qua. Hai bên đã thống nhất chương trình phối hợp tuyên tryền trong thời gian tới để người dân hiểu đúng về điện từ trường. Cụ thể đã thống nhất đến trước tháng 1/2008 sẽ tổ chức 1 buổi đối thoại giữa một số nhà khoa học với nhân dân khu vực các xã thuộc huyện Đại Từ có đường dây điện đi qua.

Được biết, ngày 27/11/2007, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có Công văn số 6319/CV-EVN-KTAT gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc định hướng tuyên truyền về ảnh hưởng điện từ trường lưới truyền tải điện. Theo văn bản này, EVN mong muốn Đảng và Nhà nước có văn bản chỉ đạo định hướng công tác truyền thông trong lĩnh vực này, tạo điều kiện để toàn xã hội nhận thức đúng đắn, từ đó ngăn ngừa những ảnh hưởng tiêu cực do thông tin thiếu chính xác, thiếu khách quan, thậm trí trái chiều nhau của các cơ quan báo chí, truyền thông như thời gian qua. Bên cạnh đó, EVN còn đang xây dựng đề án truyền thông về điện từ trường với mục tiêu nâng cao nhận thức và việc tuân thủ các quy định của Pháp luật về lĩnh vực này cho toàn xã hội. Mới đây, EVN đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình “Giờ Cao Điểm” về vấn đề điện từ trường. Chương trình đã thu hút sự tham gia của đại diện Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp (Bộ Công Thương), Ban Kỹ thuật an toàn EVN, một số nhà khoa học và người dân đến từ huyện Đại Từ (Thái Nguyên)... Nội dung chương trình xoay quanh những thắc mắc, kiến nghị của người dân về hiện tượng nhiễm điện từ trường và giải thích của các nhà khoa học về vấn đề này.

Trọng Lân