Hoàn thiện thiết kế thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh tại Việt Nam

Thứ sáu, 4/4/2008 | 08:23 GMT+7

Đó là chủ đề của Hội thảo do Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương)  tổ chức sáng 3/4 tại Hà Nội. Hội thảo được Tư vấn quốc tế Campbell Carr-Vương quốc Anh hỗ trợ thực hiện trong khuôn khổ dự án "Giải quyết các vấn đề tồn tại trong thiết kế thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh" do Cơ quan hỗ trợ phát triển hạ tầng (PPIAF) tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới (WB).

Thực hiện lộ trình phát triển thị trường điện, Bộ Công Thương đã giao cho Cục Điều tiết điện lực chủ trì triển khai dự án Thiết kế thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm 2009. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn một số vấn đề trong cấu trúc thị trường đề xuất chưa cụ thể, cần phải xem xét thêm các giải pháp để bảo đảm đáp ứng đúng mục tiêu đặt ra cho phát triển thị trường điện và phù hợp với thực tế Việt Nam.

Tại hội thảo, các chuyên gia tư vấn đã tập trung giải quyết một số vấn đề tồn tại chính của thiết kế thị trường phát điện cạnh tranh như cơ chế xác định giá thị trường, giá trần và giá sàn cho các bản chào của các nhà máy điện; cấu trúc thị trường điện năng; cơ chế xác định giá công suất cho các nhà máy điện và vấn đề khác như cơ chế dịch vụ phụ, tối ưu thuỷ điện.... Đây là những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng lớn đến mô hình và sự vận hành của thị trường phát điện cạnh tranh. Yêu cầu đặt ra là các cơ chế được thiết lập phải bảo đảm đáp ứng được mục tiêu của thị trường điện, đó là thu hút được đầu tư trong và ngoài nước vào ngành điện, nhất là đầu tư phát triển nguồn điện; giá điện phản ánh đúng chi phí; khuyến khích cạnh tranh nâng cao hiệu quả hoạt động, kinh doanh trong ngành điện.

Theo Tư vấn Campbell Carr, việc áp dụng cơ chế thiết lập giá trần đối với mỗi loại nhà máy sẽ giúp tránh được nguy cơ các nhà máy thao túng thị trường, tăng giá chào để đẩy giá thị trường lên cao. Không những thế, do các ràng buộc trong hợp đồng bao tiêu, các nhà máy điện BOT sẽ không tham gia thị trường phát điện mà Công ty Mua bán điện sẽ đóng vai trò chào giá thay cho các nhà máy loại này. Công ty Mua bán điện thao túng thị trường thông qua việc chào giá thấp cho các nhà máy BOT, một mức giá sàn sẽ được áp dụng chung cho toàn hệ thống.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khẳng định, sau hội thảo này, các ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, các đơn vị tham gia hoạt động điện lực, các tổ chức quốc tế có liên quan  sẽ giúp Cục Điều tiết điện lực và tư vấn quốc tế sớm hoàn thiện bản thiết kế cấu trúc thị trường phát điện, làm cơ sở triển khai lập thiết kế chi tiết cho thị trường, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai nhằm đưa ngành điện vào hoạt động thực sự theo cơ chế thị trường cạnh tranh theo đúng lộ trình đã được duyệt./.       

Mai Phương