Sự kiện

Hối hả Cửa Ðạt

Thứ ba, 22/1/2008 | 11:00 GMT+7

Sau trận lũ lớn đầu tháng 10-2007 tàn phá đoạn đập chính, nhịp độ thi công trên công trình hồ chứa nước Cửa Ðạt càng khẩn trương và gấp gáp hơn, bất kể thời tiết tốt xấu.

 

                       

                          Thi công đập tràn hồ chứa nước Cửa Đạt

Chúng tôi đến công trình hồ chứa Cửa Ðạt (Thanh Hóa) vào những ngày đầu tháng chạp. Dấu tích của trận lũ lớn hồi đầu tháng 10-2007 tàn phá đoạn đập chính làm tràn tạm không còn nữa. Tuyến đập chính dài 98 m bằng đá đổ đầm nệm đã trở lại hình hài của nó như trước khi bị lũ phá hỏng, với tổng khối lượng đã đắp 4,2 triệu m3 đá. Phía bờ phải đập chính đã đắp tới cao trình 117 m, hàng trăm công nhân đang buộc cốt thép ở phần mái thượng lưu cao 70 m để chuẩn bị đổ bê-tông bản mặt.

Anh Nguyễn Vinh Quang, Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 3 cho biết: Ðể đạt được tiến độ này là do sự cố gắng, nỗ lực cao của các đơn vị thi công, tư vấn và Ðoàn công tác vào công trường kiểm tra, xác định nguyên nhân sự cố và sớm đề ra giải pháp khắc phục.

Sau khi lũ rút, hai nhà thầu là Tổng Công ty Xây dựng thủy lợi 4, Tổng Công ty Xây dựng - cơ điện Nông nghiệp và Thủy lợi đã khẩn trương đắp lại đê quây thượng lưu. Toàn bộ hiện trạng xói lở và mặt bằng đập chính ở cả thượng, hạ lưu đã được đo vẽ lại cụ thể, chi tiết để đưa ra giải pháp xử lý kỹ thuật hợp lý, chính xác. Theo tính toán, trận lũ lớn đầu tháng 10 đã làm trôi khoảng 300 nghìn m3 đá ở đoạn đập làm tràn tạm. Nhưng sau khi kiểm tra về dung trọng và cấp phối ở đoạn đập bị vỡ, phải bóc thêm khoảng gần 200 nghìn m3 đá, phần đập còn lại mới bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Như vậy, khối lượng khắc phục sự cố lũ tới gần nửa triệu m3 đá phải đắp lại, trong khi yêu cầu chống lũ của năm nay là đến ngày 15-7, đập chính phải đắp lên cao trình + 100 m và đổ xong bê-tông bản mặt mái thượng lưu, để thoát lũ qua đập tràn ở cao trình +85 m. Tính ra, từ nay đến 15-7, mỗi ngày đập chính phải đắp được 13 nghìn m3 đá. Ðây là yêu cầu rất căng thẳng đối với các đơn vị thi công, nhưng không còn giải pháp nào ngoài quyết tâm bảo đảm tiến độ và chất lượng thi công hạng mục này. 

Ðêm xuống, anh Trịnh Hữu Long, Trưởng ban Chỉ huy công trường của Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4 dẫn chúng tôi ra công trường, hàng trăm xe máy, thiết bị thi công hối hả làm việc. Ðèn chiếu sáng chăng khắp mái đập phía thượng lưu để hàng trăm thợ đổ và đầm nệm lớp vữa bao mái đập, buộc cốt thép chuẩn bị cho đổ bê-tông bản mặt. Làm việc trên mái dốc của đập cao hàng vài chục mét thật khó khăn, nguy hiểm. Mỗi người đều phải cột bên lưng một giây an toàn, lúc nào cũng trong tư thế khom lưng, chùng chân mới đứng được trên mái dốc trơn, phẳng. Anh Long cho biết, khi đổ bê-tông bản mặt phải cần khoảng hơn một nghìn công nhân làm việc như vậy. Ðể bảo đảm yêu cầu tiến độ thi công chống lũ năm nay, Tổng Công ty Xây dựng thủy lợi 4, Tổng Công ty Xây dựng - Cơ điện nông nghiệp và thủy lợi phải tăng thêm 30% số máy móc, thiết bị thi công và ô-tô vận tải nặng vào công trường. Cả hai đơn vị hiện có 200 ô-tô vận tải 18-40 tấn, 30 máy đào có dung tích gầu 1,8-4,3 m3, 12 máy đầm loại 35 tấn, bốn cẩu lớn, bốn trạm trộn bê-tông cùng 12 ô-tô chuyên dụng chở bê-tông và gần hai nghìn cán bộ, công nhân đang thi công ba ca liên tục trong ngày. Ðây là công trình hồ chứa đập đá đổ bê-tông bản mặt lớn nhất nước ta, cho nên hai đơn vị ngay từ khi đảm nhiệm thi công đập chính đã đặt ra bốn yêu cầu: Chất lượng, tiến độ, an toàn lao động và hiệu quả kinh tế. Hai tổng công ty thực hiện nghiêm túc tiêu chuẩn kỹ thuật do tư vấn đề ra riêng cho hồ Cửa Ðạt. Việc lấy mẫu về cấp phối đá, dung trọng đầm nệm để kiểm tra chất lượng thi công cho đúng yêu cầu của tư vấn, thậm chí số mẫu lấy để kiểm tra, thí nghiệm còn nhiều gấp ba lần yêu cầu của tiêu chuẩn kỹ thuật. Từng giai đoạn được nghiệm thu khối lượng, chất lượng rất chặt chẽ do Hội đồng nghiệm thu cơ sở của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội đồng nghiệm thu Nhà nước thực hiện. Vật tư, vật liệu như đá, cát, sỏi, xi-măng, sắt thép đều được kiểm tra trước khi thi công hoặc nhập kho. Trước khi trộn bê-tông, cán bộ tư vấn thiết kế đều kiểm tra vật liệu và lấy mẫu bê-tông thí nghiệm ngay từ trạm trộn và mẫu ngoài hiện trường.

Từ ngày khởi công đến nay, hai tổng công ty đảm nhiệm thi công đập chính luôn bảo đảm tiến độ đề ra, mỗi năm sử dụng hàng nghìn tấn thuốc nổ khai thác đá, vận chuyển hàng triệu m3 đá, nhưng vẫn giữ được an toàn lao động. Từ nay đến mùa lũ 2008, tiến độ thi công căng thẳng hơn, điều kiện thi công bê-tông bản mặt khó khăn hơn, nguy hiểm hơn và phải sử dụng nhiều lao động thủ công, cho nên công tác bảo đảm an toàn lao động được đặt lên hàng đầu. Các đơn vị thi công sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế an toàn lao động, để mỗi hạng mục của công trình được xây dựng phải là niềm vui, hạnh phúc của mọi người lao động. Anh Long cho biết, Tết này, toàn bộ lực lượng lao động thi công đập chính sẽ ăn Tết tại công trường. Có lẽ anh em chỉ được nghỉ một đến hai ngày để giảm bớt sức căng về tiến độ.

Trên đập tràn, hạng mục do Tổng Công ty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam đảm nhiệm thi công, anh Ðặng Văn Tính, Phó Giám đốc Ban điều hành dự án hồ chứa nước Cửa Ðạt đang trực tiếp chỉ đạo việc làm cốt thép, đổ bê-tông các trụ biên và trụ giữa các khoang tràn. Ðây là hạng mục khá đồ sộ nằm ở độ cao trên dưới 100 m. Ðập tràn rộng 70 m, gồm 5 cửa xả lũ, mỗi cửa rộng 11 m, cao 17 m. Nếu tính cả dốc nước và mũi phun thì toàn bộ kết cấu bê-tông cốt thép của đập tràn dài tới 332 m. Theo thiết kế, ngưỡng tràn ở cao trình +97 m, được lắp đặt cửa van cung bằng thép, đóng mở bằng hệ thống pít-tông thủy lực. Ðập được tính toán thoát lũ với tần suất 1%, tương đương lưu lượng 9.000 m3/giây và có khả năng xả với mức lũ kiểm tra là 12.000 m3/giây.

Anh Tính cho biết, tính đến nay đơn vị đã đào hơn tám triệu m3 đất đá, đổ 50 nghìn m3 bê-tông cốt thép trên tổng số 150 nghìn m3 theo thiết kế. Từ nay đến 30-4 phải thi công xong dốc nước, mũi phun và phần bê-tông cốt thép ở đập tràn đến cao trình +85 m để bê-tông đủ thời gian ngưng kết, bảo đảm cường độ chịu lực khi xả lũ. Như vậy, từ nay đến ngày 30-4, đơn vị phải đổ thêm 30.000 m3 bê-tông. Yêu cầu tiến độ khá căng, lại phải thi công trên địa hình dốc, hẹp, cho nên các đơn vị cũng phải làm ba ca liên tục. Tổng Công ty phải điều động năm công ty thành viên và hai đơn vị phục vụ tham gia thi công hạng mục này. Theo kế hoạch, đến tháng 2-2009, toàn bộ khối lượng xây đúc phần đập tràn phải hoàn thành để lắp đặt hệ thống cửa van và thiết bị đóng mở, bảo đảm hoàn thành toàn bộ công trình theo đúng kế hoạch đề ra.

Sau trận lũ lớn, nhịp độ thi công trên công trình hồ chứa nước Cửa Ðạt càng khẩn trương và gấp gáp hơn. Hơn ba nghìn cán bộ, công nhân trên công trường đều phải làm việc hối hả ngày đêm. Tiến độ thi công được tính đến từng ngày bất kể thời tiết tốt xấu. Bởi đập chính phải đắp tới cao trình vượt lũ và đập tràn phải làm nhiệm vụ xả lũ đúng theo chức năng của nó. Xe, máy ầm ì suốt đêm để mỗi ngày phải đắp vào đập 13-14 nghìn m3 đá, đổ 300-400 m3 bê-tông. Ðơn vị thi công nào cũng đều quyết tâm và tin rằng sẽ thực hiện tốt yêu cầu tiến độ đề ra.

Theo Nhân dân