Sự kiện

Người “cầm lái” trên dòng Sê San

Thứ ba, 22/6/2010 | 14:35 GMT+7

Để đăng ký làm việc với Giám đốc Công ty Thủy điện Ialy, ông Tạ Văn Luận không hề dễ. Điện thoại của ông thường ngoài vùng phủ sóng hoặc luôn báo bận. Thực ra, nếu biết công việc của ông Luận, ai cũng dễ cảm thông. Ông thường phải vào nhà máy, ra công trường hoặc xử lý, quyết định những vấn đề hệ trọng từng ngày, thậm chí là từng phút.

Nói là hệ trọng, thực sự, không quá chút nào vì chỉ một sự cố nhỏ của máy móc, nếu không có quyết định sử lý đúng sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường cho cả một nhà máy thủy điện lớn như Ialy, thậm chí còn có thể lớn hơn nữa là tính an toàn của hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Công việc của người cầm lái

Đấy cũng chỉ là một ví dụ, chứ trong thực tế, công việc của Giám đốc công ty còn nặng nề hơn nhiều vì không chỉ điều hành, quản lý Nhà máy Thủy điện Ialy có công suất 720 MW, mà còn quản lý điều hành Nhà máy Thủy điện Plei krông công suất 100 MW,  Sê San 3 công suất 260MW.

Đối với nhà máy thủy điện Sê San 3, dù đã đưa vào vận hành sản xuất điện hơn 3 năm nhưng nhiều hệ thống, công nghệ vẫn chưa được lắp đặt hoàn thiện, bên thi công chưa bàn giao cho bên chủ đầu tư. Nhưng vì lợi ích quốc gia lúc đang cần điện, ông Luận đã cùng tập thể kỹ sư, công nhân Công ty Thủy điện Ialy quyết tâm săn tay áo lên vào cuộc, không những tránh được nhiều thiệt hại mà còn làm lợi rất lớn về kinh tế, vì lẽ nhà máy đã được vận hành sớm hơn dự kiến và thậm chí phải bỏ qua những nguyên tắc, đồng thời phải chịu trách nhiệm rất lớn.
 

Ông Tạ Văn Luận- Giám đốc Công ty Thủy điện Ialy
Với công trình thủy điện Plei Krông thì Công ty thủy điện Ialy là đơn vị tư vấn giám sát lắp đặt thiết bị và sau đó nhận bàn giao quản lý vận hành. Trong quá trình tham gia tư vấn giám sát này, Công ty thủy điện Ialy đã cùng các đơn vị thi công, quản lý khắc phục nhiều khiếm khuyết thiết bị nên khi nhận bàn giao, nhà máy vận hành ổn định ngay từ đầu…

…Nhiều người cứ nghĩ rằng Công ty Thủy điện Ia Ly chỉ có nhiệm vụ  là quản lý, vận hành các nhà máy thủy điện trên tuyến Sê San, nhưng thực tế không phải vậy. Ngoài nhiệm vụ chính này ra, Công ty Thủy điện Ia Ly  còn thực hiện kinh doanh đa ngành, nhưng chú trọng nhất đến dịch vụ chuyên sâu trong lĩnh vực thủy điện, chẳng hạn: thực hiện nhiều hợp đồng đào tạo các chức danh quản lý, vận hành, sửa chữa thiết bị cho các công trình thủy điện như: A Vương,  Sơn La, XeKaman(Lào)… và là nơi hướng dẫn thực tập cho nhiều sinh viên của trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, trường Cao đẳng kỹ thuật điện Hội An; thực hiện các hợp đồng sửa chữa, thí nghiệm điện, hóa cho các nhà máy thủy điện như Sê San 3A, Hàm Thuận - Đa Mi, Na Hang (Tuyên Quang).  Nói một cách ngắn gọn là "việc chồng lên việc với khối lượng là rất lớn".

Như vậy, đương nhiên người đứng đầu quản lý, điều hành chung cho mọi công việc vẫn cứ đâu vào đấy, không ai khác là Giám đốc Công ty Thủy điện Ialy. Ông Tạ Văn Luận cho biết: Thực tế từ đội ngũ cán bộ, kỹ sư đến công nhân kỹ thuật của Công ty Thủy điện Ialy rất vững vàng cả về trình độ quản lý đến nghiệp vụ chuyên ngành. Ngay bên cạnh giám đốc là 3 phó giám đốc: 1 là phụ trách vận hành, 1 là phụ trách sửa chữa, 1 phụ trách kinh doanh  được phân cấp, phân quyền rõ ràng. Họ đều là những người có trình độ quản lý, trình độ chuyên ngành cao và đầy kinh nghiệm, bản lĩnh bởi được đào tạo bài bản cộng với thử thách thực tiễn nhiều năm trong công tác quản lý điều hành Nhà máy Thủy điện Ialy.


Các bộ phận sản xuất cũng được giao quyền quản lý, tổ chức sản xuất phù hợp với năng lực của mỗi người và đương nhiên họ cũng có tinh thần trách nhiệm rất cao trong công việc, ý thức rõ ràng với từng cương vị đang đảm nhận. Kết quả trong những năm qua, Công ty thủy điện Ialy hoàn thành rất tốt mọi nhiệm vụ của EVN giao, cụ thể hơn đó là sản lượng của các nhà máy Ialy, Sê San 3, Plei Krông đã đạt trên 5 tỷ kWh điện, vượt kế hoạch hằng năm được giao trong điều kiện tình hình thủy văn không thuận lợi, lượng nước về hồ rất thất thường.

Để khắc phục những hạn chế như vậy thì điều cơ bản nhất là chủ động về máy móc, luôn trong trạng thái sẵn sàng vận hành và vận hành an toàn. Chỉ tiêu về suất sự cố mà EVN giao cho Nhà máy Thủy điện Ialy là 0,5 nhưng đạt 0,1, tức là tính ổn định của tổ máy khi hoạt động rất cao. Điều này không chỉ liên quan trực tiếp đến việc hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng, khả năng cung cấp điện mà còn góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống truyền tải điện. Hệ số điện tự dùng cũng giảm so với yêu cầu (giao 0,9%, đạt 0,55%).

Ông Luận khẳng định, có được kết quả này là do công sức của 452 cán bộ, kỹ sư, công nhân của Công ty Thủy điện Ialy đã rất vất vả trong mười năm trời.

Gian nan thử sức

Vẫn biết là thế, nhưng không thể không nói đến vai trò của mỗi cá nhân mà quan trọng nhất là người đứng đầu trong quản lý, điều hành. Trong bao nhiêu yếu tố cần và đủ thì không thể thiếu những yếu tố cơ bản, quan trọng ở người cầm lái này là tố chất và bản lĩnh. Và điều này chỉ có được khi mỗi cá nhân vừa được trang bị kiến thức vừa được rèn luyện từ thực tiễn.
Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng cũng là lúc ông Luận thi đậu vào khoa điện, ngành hệ thống của trường Đại học Bách khoa Sài Gòn, khóa đầu tiên. Lúc ra trường, trở về quê hương Bình Định, thời gian đầu ông không gặp may. Suốt từ năm 1980 đến 1990, do là người có trình độ đại học (lúc đó đại học ở Bình Định chỉ đếm trên đầu ngón tay) nên được phân công đảm trách các chức vụ quan trọng, nhưng khổ nỗi trái nghề. Thực tế lúc đấy ở thành phố Quy Nhơn cũng như Bình Định lấy đâu ra nhà máy điện ngoài mấy cụm phát điện diesel nên khó bố trí đúng người, đúng việc. Mãi đến năm 1991, khi Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn được xây dựng thì kỹ sư Tạ Văn Luận mới được thử sức thực sự, đảm nhận chức vụ Phó Ban chuẩn bị sản xuất của Vĩnh Sơn. Tất nhiên, lúc bấy giờ, ngay cả ở Việt Nam cũng chỉ có vài nhà máy thủy điện được xây dựng nên mọi kinh nghiệm cũng chỉ là ban đầu, mỗi cá nhân chỉ vận dụng khả năng của mình là chính để cống hiến cho đất nước.

Lăn lộn với công trường, đến khi xây dựng xong nhà máy thủy điện này vào năm 1995, thì Tạ Văn Luận được phân công đảm nhận chức vụ Phó giám đốc nhà máy. Thời điểm này mới thực sự là lúc ông được cọ xát giữa lý thuyết được học với thực tiễn. Công việc đang có chiều hướng thuận lợi thì năm 1998, Tạ Văn Luận cầm quyết định lên Tây Nguyên để tham gia xây dựng Công trình Thủy điện Ialy. Lại một lần nữa Tạ Văn Luận được giao chức vụ Phó Ban chuẩn bị sản xuất cho Ialy, rồi Phó giám đốc Nhà máy Thủy điện Ialy. Trọng trách là điều hành công việc, nhưng nơi làm việc chủ yếu là ở dưới tầng hầm, trong lòng đất- nơi thiếu không khí nhưng thừa bụi và dầu mỡ để giám sát việc lắp đặt thiết bị.

Như ông Luận nói, thực ra là mình phải đi rình, chuyên gia nước ngoài họ giấu kín những gì họ làm thuộc về lĩnh vực kỹ thuật. Nhưng không phải rình chỉ để học mà còn phải biết những điểm yếu của họ. Việc nghiệm thu, lắp đặt thiết bị của Ialy xảy ra tranh cãi nhiều nhất giữa những kỹ sư của Việt Nam và chuyên gia nước ngoài. Ngay cả những người cộng sự cũng đặt cho ông Luận cái tên là Tạ Văn Sỏi, nghĩa là quá rắn trong giải quyết những vấn đề. Song cũng vì thế, khi Ialy có những sự cố phức tạp về máy móc, thiết bị thì những kỹ sư, công nhân của Ialy đã đủ điều kiện xử lý mà không phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài. Những nỗi vất vả hôm qua là thành quả của hôm nay, những kỹ sư, công nhân Công ty Thủy điện Ialy đã làm chủ kỹ thuật, quản lý, vận hành nhà máy với độ tin cậy, an toàn cao.

Năm 2006, ông Tạ Văn Luận được phân công đảm nhận chức vụ Giám đốc Công ty Thủy điện Ialy. Người giám đốc này quyết tâm cùng mọi người trong doanh nghiệp xây dựng một thương hiệu cho Ialy. Thương hiệu ấy chính là hiệu quả công việc, là uy tín với các đơn vị khác, đó là chất lượng đào tạo, chất lượng trong công tác tư vấn giám sát… mà cốt lõi được xây dựng từ con người. Ngoài việc mỗi người ở Ialy được rèn luyện ý thức trách nhiệm, tác phong công nghiệp trong công việc, bản lĩnh nghề nghiệp từ những khó khăn… thì giám đốc công ty là người phát động, tạo ra một phong trào học tập nâng cao thêm nữa kiến thức mọi mặt cho tất cả mọi người.

Mỗi năm, công ty bỏ ra khoản tiền không nhỏ để hỗ trợ cho người đi học. Giám đốc là người gương mẫu đã theo học xong chương trình thạc sỹ, bảo vệ thành công luận án bằng tiếng Anh. Hiện tại, Thủy điện Ialy đã có 8 cán bộ có trình độ thạc sỹ chuyên ngành quản trị kinh doanh, điện, tài chính-kế toán, 114 kỹ sư, 26 cao đẳng, hơn 200 công nhân kỹ thuật. Đây được coi là tài sản vô giá của doanh nghiệp, tạo ra uy tín, thương hiệu cho Ialy.

Ông Tạ Văn Luận cho biết thêm rằng, xuất phát từ uy tín mà hiện nay, một năm, Công ty Thủy điện Ialy đã có doanh thu 20 tỷ đồng từ các dịch vụ chuyên ngành: đào tạo, tư vấn, giám sát… và mục tiêu mỗi năm sẽ tăng trưởng 15% giá trị từ dịch vụ này. Cũng chỉ trong nay, mai, Công ty Thủy điện Ialy sẽ hình thành một trung tâm có chức năng kinh doanh, mở rộng phạm vi dịch vụ chuyên ngành không chỉ ở khu vực Tây Nguyên mà là cả nước, thậm chí là ra tới nước ngoài. Điều này có những căn cứ, đó là nội lực của doanh nghiệp và nhu cầu rất lớn hiện nay…

Dòng sông Sê San dài 270 km nay đã trở thành trung tâm năng lượng của quốc gia, bởi theo quy hoạch của EVN thì đến năm 2012 sẽ kết thúc việc xây dựng 6 công trình thủy điện với tổng công suất lên đến 1.800 MW và mỗi năm có thể sản xuất trên 8,5 tỷ kWh điện, góp phần không nhỏ cho công cuộc xây dựng đất nước. Ngay lúc này cũng đang ghi nhận sự đóng góp của mỗi cá nhân, chẳng hạn như “người cầm lái”, Giám đốc Tạ Văn Luận cũng là một ví dụ đang chèo lái con thuyền vượt qua nhiều ghềnh thác của dòng Sê San, giữ vững nguồn điện cho đất nước trong giai đoạn điện có giá trị …như vàng.

Theo: CôngThương