Sự kiện

Doanh nghiệp công nghiệp cần chia sẻ tình trạng thiếu điện

Thứ năm, 24/6/2010 | 09:28 GMT+7

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN), mực nước hồ Hòa Bình hiện chỉ nhỉnh hơn 81m, cách mực nước chết khoảng 1,5m, các hồ Tuyên Quang, Thác Bà cũng đang cận kề mực nước chết trong khi lũ tiểu mãn đã không về như dự tính.


 
Mực nước hồ Hòa Bình hiện chỉ nhỉnh hơn 81m, cách mực nước chết khoảng 1,5m.


Ngày 21/6, mực nước về hồ Hòa Bình chỉ đạt 1.500m3/s, tại hồ Tuyên Quang khoảng 600m3/s, hồ Thác Bà gần 100m3/s.
Các nhà máy thủy điện vẫn phát điện cầm chừng

Do nước về hồ quá thấp nên các nhà máy thủy điện phía Bắc phải vận hành cầm chừng để không bị rơi vào mực nước chết. Nghĩa là nước về hồ đến đâu phát điện đến đó. Hậu quả là, mặc dù nguồn thủy điện chiếm trên 34% nguồn cung ứng điện cả nước nhưng công suất thực tế lại chỉ phát chưa được 1/3 khiến cho tình trạng thiếu điện càng thêm trầm trọng. Hiện nay, công suất huy động từ các nguồn thủy điện chỉ còn ở mức 40-45 triệu kWh/ngày, thấp hơn mức khống chế ban đầu của EVN là 5 triệu kWh/ngày. Riêng thủy điện Hòa Bình chiếm tới 12% sản lượng điện cả nước cũng đang phải hoạt động cầm cự với sản lượng điện phát ra thấp hơn gần 1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các chuyên gia, chỉ khi nào lưu lượng nước về hồ Hòa Bình đạt tới 5.000- 6.000 m3/s thì các nhà máy thủy điện mới chạy hết công suất.

Để “cứu nguy” cho các nhà máy thủy điện, hiện nay các nhà máy nhiệt điện đã vận hành hết công suất. Tuy nhiên, do nhiều dự án vẫn vào chậm tiến độ, nhiều tổ máy phải hoạt động quá yêu cầu cho phép về thời gian sửa chữa, bảo trì nên những nguy cơ xảy ra sự cố luôn đe dọa. Mặt khác, EVN cũng đã tăng cường mua điện từ Trung Quốc (mỗi ngày đã mua tới 14,5 triệu kWh) nhưng do nhu cầu phụ tải quá cao nên vẫn không thể đáp ứng nhu cầu. Các đơn vị điện lực địa phương vẫn phải thực hiện cắt điện luân phiên trên cơ sở sản lượng điện được phân bổ.

Huy động tối đa nguồn nhiệt điện

Nhằm khắc phục những khó khăn về cung ứng điện trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu tiêu thụ điện trong nước đang ở mức rất cao, tình hình thủy văn vẫn chưa được cải thiện, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-BCT về việc thực hiện các biện pháp nâng cao cung ứng điện phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Theo đó, EVN tập trung lực lượng, huy động phát tối đa (trong điều kiện kỹ thuật cho phép) các nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia để nâng khả năng cung ứng điện cho sản xuất và đời sống nhân dân. Theo dõi sát tình hình thủy văn để kịp thời điều chỉnh và có chế độ vận hành linh hoạt các nhà máy thủy điện theo nguyên tắc nước về tới đâu phát điện ngay tới đó, giữ không để mực nước các hồ xuống  mức nước chết, đảm bảo cung ứng điện ở mức cao nhất có thể. Tập trung khắc phục các sự cố của Nhà máy điện Quảng Ninh 1 và Hải Phòng 1 để sớm đưa vào hoạt động trở lại. Chỉ đạo các đơn vị phát điện trực thuộc tăng cường ứng trực để kịp thời và trong thời gian ngắn nhất sửa chữa khắc phục sự cố các nhà máy điện nếu xảy ra; các công ty điện lực phải chủ động trao đổi, làm việc với các đơn vị sản xuất kinh doanh có các nguồn điện diesel dự phòng, nhất là các hộ tiêu thụ điện lớn để huy động phát điện các nguồn này nhằm hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho ngành điện. Ngành điện cần thực hiện nghiêm túc theo đúng các quy định hiện hành và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Công Thương, đồng thời tuyên truyền đến khách hàng sử dụng thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện.

Bộ Công Thương cũng chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm việc với nhà thầu Talisman về các biện pháp, giải pháp nhằm rút ngắn thời gian bảo dưỡng và sửa chữa giàn cung cấp khí PM3-CAA. Duy trì việc cung cấp khí để đảm bảo huy động đủ cho công suất và sản lượng phát điện của các cụm điện khí ở khu vực Phú Mỹ và Nhơn Trạch, phối hợp với EVN xác định sản lượng điện phát của Nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2 để chuẩn bị đủ dầu DO cho phát điện theo yêu cầu cung ứng điện trong giai đoạn sửa chữa giàn cung cấp khí PM3-CAA.

Các đơn vị phát điện trực thuộc Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV) đảm bảo phát điện tối đa các nguồn điện hiện có trong hệ thống điện quốc gia, tăng cường ứng trực và thực hiện các biện pháp để sớm đưa vào vận hành trở lại các tổ máy phát điện đang bị sự cố tại nhà máy điện Sơn Động và Cẩm Phả 1.

Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, cơ quan, doanh nghiệp trong ngành Công Thương cần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/CT-BCT về việc tăng cường công tác tiết kiệm điện năm 2010, có nguồn điện dự phòng nhằm hỗ trợ giảm bớt các khó khăn trong cung ứng điện hiện nay.

Hiện Bộ Công Thương cũng đang tính toán, xem xét lại hướng tiết giảm điện và có thể tới đây, nhóm khách hàng doanh nghiệp công nghiệp sẽ phải tăng cường mức chia sẻ thiếu điện nhiều hơn.

Theo: CôngThương