Sự kiện

Dự án Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng hoạt động chậm trễ, vì sao?

Thứ hai, 14/4/2008 | 11:12 GMT+7

Dự án Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng có công suất 300 MW. Ðây là dự án do Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) làm tổng thầu, nhưng gần hai năm trôi qua so với thời hạn hợp đồng EPC, nhà máy hoạt động chậm trễ, nhiều sự cố hư hỏng thiết bị. Vì sao?

Kiểm tra thiết bị trong gian tua-bin, máy phát

Ngày 9-4, chúng tôi có mặt tại công trường xây dựng Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng. Mặt bằng công trình khá sạch sẽ, bãi chứa than đầy ắp, hầu hết công nhân xây lắp và nhà thầu cung cấp thiết bị đã rời khỏi hiện trường, ống khói sơn đỏ-trắng vươn cao vút giữa bầu trời, nhưng không một sợi khói tỏa. Giám đốc điều hành dự án Nguyễn Mạnh Ðoàn cho biết: Ðến nay hầu hết các thiết bị phụ trợ của Nhà máy đã được nhà thầu bàn giao cho chủ đầu tư. Chỉ còn hai thiết bị chính là lò hơi, tua-bin, máy phát của gói thầu M1 và M2 lần đầu vừa tổ chức chạy tin cậy từ ngày 26-3 đến 29-3 và liên tục đạt công suất 300 MW, từ ngày 29-3 tiếp tục chạy ở mức từ 250 MW đến 270 MW, nhưng đến ngày 2-4 thì phát hiện sự cố ở một số van cao áp và vệ sinh thuyền xỉ... đã phải dừng lại. Chủ đầu tư, nhà thầu và nhà cung cấp thiết bị đang khẩn trương sửa chữa để phát điện trở lại. Vậy là, Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng vẫn chưa thể phát điện thương mại. Sự chậm trễ này do đâu?

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, dự án Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng do Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư và Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) làm tổng thầu thiết kế, chế tạo, xây lắp đồng bộ (EPC) theo phương thức chìa khóa trao tay, được ký ngày 19-5-2003, với thời gian thực hiện trong 36 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Lilama dự kiến đến ngày 19-5-2006 sẽ tiến hành chạy thử bàn giao. Mặc dù thời gian thực hiện hợp đồng là 36 tháng, nhưng trong quá trình triển khai dự án, do gặp quá nhiều khó khăn, nhà thầu Lilama không đáp ứng được bảng tiến độ mà EVN đã phê duyệt, nhiều lần xin điều chỉnh mốc tiến độ. 

Ngày 21-8-2005, tại cuộc họp kiểm tra tiến độ sau 26 tháng thực hiện dự án, EVN cho biết, nhà thầu Lilama không đáp ứng được bảng tiến độ cấp 3 mà EVN đã phê duyệt, nên đã đề nghị lùi mốc tiến độ các ngày nén nước thử áp lực đốt lò; đốt lò lần đầu và hòa đồng bộ lần đầu... Trong đó, ngày hòa đồng bộ lần đầu dự kiến là 8-12-2005, đã phải điều chỉnh theo tiến độ mới do nhà thầu đề nghị là ngày 28-2-2006 và cuối năm 2006 đưa nhà máy vào vận hành.

Tháng 3-2007, qua kiểm tra của đoàn công tác Chính phủ do đồng chí Thái Phụng Nê, phái viên của Thủ tướng làm trưởng đoàn đã khẳng định: Mục tiêu đưa vào vận hành tháng 12-2006 không thực hiện được. Mặc dù công tác xây dựng và lắp đặt đã cơ bản hoàn thành (đạt 99,92% khối lượng), ngày 18-12-2006 mới hòa lưới điện lần đầu, nhưng chạy dầu công suất chỉ đạt từ 32 MW đến 37 MW, bằng hơn 10% công suất thiết kế. Sau khi hiệu chỉnh, đến ngày 3-3-2007 tổ chức đốt than lần đầu thì đạt công suất 153 MW, đạt 50% công suất thiết kế. Tại thời điểm kiểm tra mới hoàn thành hơn 60% khối lượng công việc chạy thử, hiệu chỉnh, tiếp tục đưa các vòi đốt than vào làm việc toàn bộ và hiệu chỉnh các hệ thống thiết bị phụ trợ để nâng đạt công suất định mức. Theo đánh giá của Ban quản lý dự án và tư vấn, chỉ có thể hoàn thành chạy tin cậy tổ máy vào tháng 8 và phát điện thương mại vào tháng 9-2007. Nhưng trong quá trình chạy thử, hiệu chỉnh thiết bị, nhiều sự cố đã xảy ra, nhất là ở hệ thống lò hơi, tua-bin, máy phát.

Ngày 31-10-2007, chủ đầu tư EVN cho biết, công trình gặp sự cố lò hơi: Sau khi nén nước kiểm tra, nhà thầu phát hiện khá nhiều lỗ rò, và hàn khắc phục. Sau khi nén nước kiểm tra, lại phát hiện thêm lỗ rò khác ở cao độ +40 m, việc kiểm tra, khắc phục rất khó khăn. Nhà thầu phải lắp tời đưa người và phương tiện thiết bị lên hàn khắc phục, dẫn đến mất khá nhiều thời gian. Trong quá trình chạy thử, nhà thầu kiểm tra và phát hiện bạc gối trục số 7 tua-bin bị hư hỏng. Do không có bạc dự phòng, nhà thầu phải xin ý kiến của nhà chế tạo để tổ chức sửa chữa trong nước... Ðến ngày 26-3-2008, theo yêu cầu của chủ đầu tư, lần đầu nhà thầu tổ chức chạy tin cậy tổ máy, nhưng mới được sáu ngày lại phát sinh sự cố...

Sự trục trặc, chậm trễ ở dự án Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng, theo chúng tôi, có nhiều nguyên nhân cần được chủ đầu tư EVN, Ban quản lý dự án và tổng thầu Lilama khẩn trương khắc phục để sớm đưa công trình vào vận hành ổn định, góp phần bổ sung nguồn điện cho Tổ quốc, đồng thời làm rõ những yếu kém cần khắc phục cho các dự án tiếp theo.

Trước hết, đây là công trình lớn và phức tạp, lần đầu doanh nghiệp nước ta thực hiện theo phương thức tổng thầu EPC (thiết kế, chế tạo cung cấp thiết bị, xây lắp). Việc thể chế, hình thức đầu tư có tính chất thí điểm, chưa được hoàn chỉnh, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Việc không hoàn thành trong vòng 36 tháng thuộc trách nhiệm của Lilama - đơn vị làm tổng thầu EPC.

Về năng lực của nhà tổng thầu Lilama: Lilama chỉ chế tạo được khoảng 21 nghìn tấn thiết bị trong tổng số hơn 33 nghìn tấn thiết bị của nhà máy, chiếm 64%, nhưng chủ yếu là những cấu kiện, thiết bị đơn giản, nhiều về khối lượng, ít về giá trị. Chẳng hạn kết cấu thép gian tua-bin, khung sườn lò hơi, bộ sấy không khí, bể dầu, ống khói, hệ thống nước làm mát...

Năm thiết bị chính của nhà máy là lò hơi, tua-bin, máy phát, máy biến thế chính, thiết bị khử lưu huỳnh trong khói thải và hệ thống thiết bị đo lường và điều khiển... đều do các nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện. Ðiều đó dẫn đến, quá trình lắp đặt phụ thuộc rất nhiều vào nhà cung cấp nước ngoài. Có thời điểm, tổng thầu Lilama phải thành lập cả đoàn công tác do đích thân Tổng giám đốc làm trưởng đoàn cùng các chuyên gia của tư vấn tổng thầu Electrowwatt-Ekono đi đôn đốc các nhà chế tạo ở nước ngoài khẩn trương vận chuyển các vật tư, thiết bị còn thiếu về công trường.

Ðó còn là sự chắp vá, không đồng bộ của các thiết bị chính. Ðây là dây chuyền lắp ráp thiết bị từ nhiều nguồn. Cụ thể: lò hơi, tua-bin/máy phát do các nhà thầu phụ của Nga cung cấp. Nhà chế tạo Nhật Bản cung cấp máy biến áp chính, bộ khử lưu huỳnh. Hệ thống đo lường điều khiển do ABB Automation (Thụy Ðiển) sản xuất... Do nhiều hãng sản xuất, thậm chí có thiết bị lại do tổ hợp đa quốc gia thực hiện, đến khi "hợp khối" các thiết bị này khó có thể "tích hợp suôn sẻ" và thực tế là nhiều hư hỏng, trục trặc kỹ thuật giữa các loại thiết bị đã xảy ra, làm mất nhiều thời gian để sửa chữa, hiệu chỉnh.   

Trên thực tế chủ đầu tư EVN và Ban quản lý dự án còn lúng túng, bị động trong điều hành, quản lý. Sự chậm trễ trong xây dựng, cung cấp thiết bị của các nhà thầu phụ, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án biết rõ nhưng không kiên quyết buộc tổng thầu thực hiện mà lại chấp nhận việc xin điều chỉnh tiến độ của nhà thầu.

Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng chậm trễ, lại có nhiều sự cố, hư hỏng của thiết bị làm ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho sản xuất và đời sống. 

Theo Nhân Dân