Sự kiện

Những người thắp sáng Cao nguyên

Thứ ba, 5/2/2008 | 10:04 GMT+7

Tôi trở lại Cao nguyên vào những ngày cuối năm, khi những bông cúc quỳ đang vàng rực trên khắp buôn làng. Đây là mùa đẹp nhất của vùng đất này. Trời xanh lồng lộng, có nắng và gió, tiết trời vẫn lành lạnh. Từ thành phố Hồ Chí Minh, đi bằng ôtô đến Bảo Lộc là chặng đường gần 200km, muốn lên đến Đà Lạt phải đi thêm 110km nữa, song, dường như tên gọi Đà Lạt, nhiều người thấy gần gũi, còn Bảo Lộc, có vẻ xa hơn.Nhưng từ khi đường dây 500kV được xây dựng, đưa vào vận hành, Bảo Lộc đã trở nên quen thuộc hơn với nhiều người.

Từ nhiều năm nay, cứ đến cuối năm, vào thời điểm mà anh em truyền tải điện phải tập trung cao độ trên tuyến để củng cố lưới cho vận hành Tết và mùa khô, chúng tôi lại lên đường vào tuyến. Cái nắng mùa khô ở miền Đông và đặc biệt là thành phố Đà Lạt vẫn se lạnh. Bây giờ đơn vị nào của khối truyền tải cũng phải quản lý 2 tuyến đường 500kV. Khác với miền Trung, do địa hình hẹp, nên hai tuyến chạy song song nhau, việc quản lý có cái khó vì những vị trí dễ đã xây  dựng mạch 1, mạch 2 phải xây dựng ở những vị trí khó khăn hơn; nhưng khi vận hành lại phải phân tán quân khi kiểm tra và quản lý tuyến

Từ cung đoạn Plâyku vào Phú Lâm, mạch 1 đi theo đường Đăk Lắc, Đăk Nông, Bình Phước, Bình Dương về thành phố Hồ Chí Minh, nhưng mạch 2 lại qua tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Long An rồi về trạm 500 kV Phú  Lâm. Tuyến đi qua hầu hết dạng địa hình đặc trưng như: địa hình cao nguyên bằng phẳng kéo từ Gia Lai đến Buôn Ma Thuột; địa hình miền núi phân cách như khu vực từ huyện Lắc (Đắk Lắc) tới Bảo Lâm (Lâm Đồng); dạng địa hình đồi thấp thuộc địa bàn Gia Lai, Đắk Lắc, Đắk Nông cũng như đoạn từ Bảo Lâm về Thủ Dầu Một và cuối cùng là dạng địa hình bằng phẳng bị phân cách  bởi kênh rạch từ Thủ Dầu Một về  TP Hồ Chí Minh.

Tuy vậy, so với đường dây 500kV Bắc Nam mạch 1, việc vận hành tuyến đường dây này thuận lợi hơn vì bám theo trục Quốc lộ 14 từ Gia Lai tới Buôn Ma Thuột, sau đó theo Quốc 27 từ Buôn Ma Thuột đi  Lâm Đồng, trừ một vài đoạn qua khu vực đèo Bảo Lộc, đèo Mađaguôi, muốn vào tuyến phải những đỉnh cao.

Đội trưởng Đội Truyền tải Mađaguôi Lê Thành Trung tâm sự: Đất Cao nguyên màu mỡ bao nhiêu thì khi trời mưa lại đi bấy nhiêu:  Đất bết lấy giày dép như níu chân người. Mùa mưa, anh em phải đi phát quang tuyến nhiều hơn, vì cây rừng đặc biệt là những cây lồ ô lớn nhanh như thổi, cứ 1 tháng phải phát quang lại một lần. Mỗi tháng, một đội chỉ phát quang được 40 vị trí, tương đương với chiều dài 20km. Anh em công nhân phát quang hết địa phận quản lý là coi như quay trở lại vị trí ban đầu, cứ như thế hết năm này, tháng khác. Trong khi đi phát quang tuyến phải kết hợp kiểm tra dây chống sét, phụ kiện cáp quang, dây dẫn, phát hiện sứ bị vỡ để thay kịp thời, sứ bẩn phải lên kế hoạch làm vệ sinh, siết chặt các ê-cu chân tụ tại các trụ bị lỏng, thay thế các tiếp địa bị gỉ... Do công tác kiểm tra được thực hiện đúng quy trình, quy phạm nên từ năm 1992 trở lại đây, chưa có sự cố nào dẫn đến ngừng cấp điện xảy ra trên địa bàn cao nguyên.

Đội trưởng Lê Thành Trung nói, cách đây hai tháng, anh em phát hiện có đàn voi về khu vực Bảo Lộc. Những người thợ đường dây phải học thêm nghiệp vụ mới là phòng chống voi khi tác nghiệp vào ban đêm.

Để từng bước xã hội hóa công tác bảo vệ lưới điện người thợ đường dây phải giao lưu với người dân bản địa. Thế là học tiếng nói của người dân tộc và phải có chứng chỉ đã trở thành một tiêu chuẩn để đề bạt, bình bầu đối với các đội truyền tải nơi đây.

 

    

Cung đoạn đường dây 500kV mạch 2 đi qua Đồng Nai, Bình Dương, Long An có địa hình bằng phẳng hơn nên vận hành “dễ thở” hơn so với đoạn miền Trung hay tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Tuy vậy, cung này lại có nhiều cái khó do sự :dễ thở” sinh ra, đó là lau sứ. Do đường dây đi qua các khu công nhiệp nên sứ rất nhanh bẩn và bám dầu mỡ, khi làm vệ sinh, công nhân phải trèo lên cột, dùng nước xà phòng lau mới sạch được.

Năm nay lịch âm và dương cách nhau hơn 1 tháng, việc củng cố lưới điện cho hai cái Tết liền nhau nên  phải triển khai đồng thời trước Tết dương 1 tháng Mọi người như bị hối  thúc bởi một năm sắp hết và cái Tết đến gần. Với người thợ đường dây, công việc được nhân đôi.

Những ngày sống và làm việc bên người thợ truyền tải điện Cao nguyên, tôi 1ại được thấy những bông hoa dã quỳ, loài hoa của xứ lạnh khẽ rung khi một làn gió nhẹ thổi vào cuối ngày, Tết này, những người ở lại với đường dây nơi đèo heo hút gió, có thể thiếu hoa hồng, hoa cúc, cành đào, cây mai, thậm chí không có một đĩa ngũ quả, nhưng chắc chắn họ sẽ có những bông dã quỳ. Và như vậy, dù ở bất cứ nơi nào, họ cũng ngày xuân. . 

Theo Báo Hà Nội mới Số Xuân 2008