Sự kiện

Phát triển năng lượng tái tạo – Cần có chính sách thích hợp

Thứ ba, 6/5/2008 | 14:22 GMT+7

Tại tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam – Thụy Điển diễn ra tại Hà Nội vừa qua, Đại sứ Thụy điển tại Việt Nam Rolf Bergman nhận xét: Chương trình điện khí hóa nông thôn Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể với 98% số xã trong cả nước đã được dùng điện. Tuy nhiên, tại nhiều vùng sâu vùng xa vẫn còn rất nhiều hộ dân chưa có cơ hội dùng điện do không thể kết nối điện lưới quốc gia. Để cải thiện chất lượng cuộc sống cho các hộ dân này, giải pháp khả thi nhất là phát triển năng lượng tái tạo để tạo ra nguồn điện ngoài lưới tại chỗ vừa tiện lợi, vừa rẻ tiền, vừa góp phần đa dạng hóa nguồn điện, đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai. Tuy nhiên, việc khai thác năng lượng tái tạo ở Việt Nam gần như còn bỏ ngỏ do còn nhiều khó khăn về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm và hệ thống hành lang pháp lý.

Ứng dụng năng lượng gió và mặt trời cung cấp điện cho bản vùng xa ở huyện Bắc Hà

Năng lượng tái tạo – nguồn tiềm năng vô tận.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có nhiều tiềm năng về phát triển thủy điện, phong điện, điện sinh khối, địa nhiệt, điện mặt trời … Với hệ thống sông suối nhỏ dày đặc, hiện nay Việt Nam có khoảng 120.000 trạm thủy điện, chủ yếu do tư nhân đầu tư, với tổng công suất ước tính khoảng 300MW, cung cấp điện hàng năm cho hàng vạn hộ gia đình ở các khu vực miền núi và vùng cao. Khoảng 200 nguồn suối nước nóng nhiệt độ từ 40-150 độ C tập trung ở khu vực miền Trung sẽ là nguồn địa nhiệt lý tưởng xây dựng các trạm phát điện. Hơn 100.000 nhà máy xay xát lúa gạo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có thể xây dựng các nhà máy điện chạy bằng vỏ trấu với tổng c ông suất 70MW. Số lượng bã mía do các nhà máy đường thải ra hiện nay có thể cung cấp đủ cho các trạm phát điện với tổng công suất khoảng 250MW. Khí sinh học (bioga) ở khu vực châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long đang được các hộ gia đình sử dụng để nấu nướng , thắp sáng và chạy các động cơ công suất nhỏ. Nguồn năng lượng mặt trời khá dồi dào với mức độ bức xạ nhiệt từ 3 - 4,5 kWh/m2/ngày (mùa đông), 4,5 - 6,5 kWh/m2/ngày (mùa hè). Lưu lượng gió ở Việt Nam cũng khá lớn: Tại hải đảo là 860 – 1.410 kWh/m2/năm; khu vực duyên hải là 800 – 1.000 kWh/m2/năm; một số khu vực trong nội địa: 500 – 800 kWh/m2/năm. Đây là nguồn tiềm năng lớn trong việc cung cấp điện cho những khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi chưa có lưới điện quốc gia.

Phát triển còn nhiều khó khăn

Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng đến nay việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo rất khiêm tốn, Việc khai thác còn mang nặng tính tự phát, thiếu quy hoạch tổng thể và chưa tương xứng với tiềm năng của nó. Nguyên do thì rất nhiều. Thủy điện nhỏ giá thành rẻ nhưng chỉ hoạt động được mùa mưa, lại phải đầu tư ở vùng sâu vùng xa nên khó khăn trong khâu truyền tải. Nguồn điện gió khoảng 800 đồng/kWh, nhiên liệu dồi dào, không gây tác động đến môi trường nhưng không phải chỗ nào cũng khai thác được. Cường độ bức xạ mặt trời ở miền Trung và miền Nam khá lớn nhưng giá thành phát điện rất cao,  gấp khoảng 10 lần đầu tư cho phát điện truyền thống. Năng lương sinh khối thì hiệu suất phát điện còn thấp (8% - 15%). Đặc biệt các nguồn năng lượng tái tạo này lại phụ thuộc vào thời tiết và mùa vụ trong khi khí hậu Việt Nam khá phức tạp. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu để đánh giá, phân tích các nguồn này còn thiếu, tản mạn, không được cập nhật, thiếu kinh phí đầu tư cho điều tra nguồn sơ cấp. Cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để hỗ trợ phát triển, các giải pháp thực hiện vừa yếu, vừa thiếu, lại chưa đồng bộ nên chưa hấp dẫn được các nhà đầu tư. Nhất là giá điện bán ra hiện nay còn thiếu thống nhất. Nhà đầu tư kêu giá cả đầu vào tăng, nếu EVN cứ mua với giá cũ thì họ bị phá sản. EVN than rằng họ bị khống chế giá trần đầu ra nên không thể tăng giá mua vì bản thân họ cũng đang lỗ nặng. Nếu các nhà đầu tư chủ trương kinh doanh điện ngoài lưới thì việc xây dựng và đảm bảo an toàn hệ thống truyền tải cũng rất nan giải.

Cần có chính sách hỗ trợ thích hợp

Theo các chuyên gia, để phát triển năng lượng tái tạo, vấn đề then chốt là giảm chi phí, muốn thế phải có sự đầu tư công nghệ thích hợp và chính sách hỗ trợ thích hợp. Nhanh chóng hoàn thiện hệ thống giám sát để đánh giá hiệu quả các dự án và chương trình, những bất cập về chính sách hỗ trợ, kiểm soát và thực thi các hoạt động tiết kiệm năng lượng. Hiện nay, sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại trung ương và địa phương, sự hạn chế trong nhận thức cộng đồng cũng là rào cản kìm hãm phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư trong việc cải tiến công nghệ để giảm dần chi phí sản xuất năng lượng tái tạo, tiến tới có thể cạnh tranh về giá so với năng lượng truyền thống.

Với mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2010 năng lượng tái tạo chiếm 3% tổng công suất điện thương mại và đạt 5% vào năm 2020. Bộ Công Thương đang tiến hành xây dựng quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo với các dự án năng lượng không nối lưới, các chương trình nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; Khuyến khích sản xuất, giảm thuế nhập khẩu các thiết bị năng lượng tái tạo như máy sưởi dùng nước nóng, hầm ủ bioga, tuốc bin gió; xây dựng quỹ hỗ trợ đầu tư nghiên cứu khảo sát phát triển năng lượng tái tạo.

Theo Báo Công Thương