Sự kiện

Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến 2025: Coi việc thực hiện tiến độ các công trình là pháp lệnh

Thứ sáu, 21/12/2007 | 10:11 GMT+7

Ngày 24/10/2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Quyết định số 1436/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch điện VI. Ban Chỉ đạo Nhà nước có nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện đã được Thủ tướng Phê duyệt tại QĐ số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18/7/2007 về Quy hoạch điện VI.

Để có thêm thông tin cho bạn đọc,  phóng viên đã thực hiện cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Công Thương – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà  nước về Quy hoạch điện VI Vũ Huy Hoàng

PV: Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025 (Quy hoạch điện VI) có mức dự báo phụ tải được đánh giá là khá cao so với các giai đoạn trước đây, với mức 17%/năm (phương án cơ sở), 20%/năm (phương án cao) trong giai đoạn 2006-2015; chuẩn bị phương án 22%/năm cho trường hợp tăng đột biến. Với tư cách là Phó trưởng Ban Chỉ đạo, xin ông cho biết những cơ sở khoa học để xây dựng các phương án trên và chỉ đạo của Chính phủ trong thực hiện?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (BT VHH):

Đúng vậy, trong Tổng Sơ đồ (TSĐ) phát triển điện lực trước đây, chúng ta đã thiết kế với tốc độ tăng trưởng phụ tải thấp hơn nhiều. TSĐ V được duyệt thiết kế có tốc độ tăng trưởng cao nhất là 11%.

Trong QHĐ VI, phương án phụ tải cơ sở đã tăng 17%/năm và phương án phụ tải cao tới 20%/năm. Cơ sở khoa học của quyết định này, trước hết là dựa vào chiến lược phát triển ngành Điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với nội dung: Đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện năng cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của đất nước. Trong quá trình nghiên cứu chúng ta đã sử dụng nhiều phương pháp khoa học trong dự báo phụ tải nhằm đối chứng lẫn nhau để có được kết quả hợp lý nhất, làm cơ sở thiết kế cho chương trình phát triển nguồn và lưới điện Việt Nam. Về cơ bản đã sử dụng kết hợp 2 loại phương pháp dự báo trực tiếp cho giai đoạn 2006-2010 và phương pháp dự báo gián tiếp (đa hồi quy) cho giai đoạn 2010-2025. Đó cũng là phương pháp thường dùng trên thế giới cho các quy hoạch ngắn hạn 5 năm và dài hạn 10 năm của ngành điện.

 Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo tư vấn  phối hợp với cơ quan tư vấn JICA của Nhật Bản, sử dụng các phương pháp tính toán khoa học tiên tiến để kiểm chứng nhiều chiều kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng, nền kinh tế của đất nước đang phát triển mạnh mẽ, có nhiều yếu tố  bất định không thể lường trước trong quá trình nghiên cứu, nên có thể kết quả nghiên cứu chưa thể chính xác. Đó là một trong các lý do mà Thủ tướng Chính phủ lần này đã thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước (BCĐ) về TSĐ6, do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, nhằm chỉ đạo, bổ sung, hiệu chỉnh kịp thời các diễn biến thực tế theo thời gian của tăng trưởng phụ tải của hệ thống điện Việt Nam, với phương châm điều hành thực hiện TSĐ6 đáp ứng nhu cầu điện của đất nước. Theo đó, coi việc thực hiện tiến độ các công trình điện là pháp lệnh.

PV: Về phát triển nguồn điện, Quy hoạch điện VI sẽ hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư Dự án nhà máy điện hạt nhân, vậy ông cho biết tính khả thi của Dự án ở Việt Nam?

BTVHH: Cho đến thời điểm hiện nay, với tình hình phát triển phụ tải điện lớn của đất nước, xu hướng đưa nhà máy Điện Hạt nhân (ĐHN) vào Việt nam ngày càng rõ nét. Chính phủ đã nhiều lần xem xét Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng nhà máy ĐHN ở Việt Nam và cho ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện, Bộ Công Thương đã báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước những nội dung cơ bản của dự án nhà máy ĐHN. Sự cần thiết của dự án điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam được nghiên cứu kỹ và đã đưa ra những luận cứ có cơ sở về thời điểm xuất hiện (khoảng năm 2020) trong Quy hoạch điện VI, cũng như trong báo cáo đầu tư dự án.

Thực tế này cho thấy thế giới đã có lịch sử và kinh nghiệm phát triển ĐHN, đã kiểm chứng về mặt an toàn của các loại công nghệ lò hạt nhân. Đó là một yếu tố quan trọng cho việc đưa ĐHN vào nước ta.

Tính khả thi ĐHN còn được thể hiện trong quá trình nghiên cứu lựa chọn địa điểm xây dựng, nhiều chuyên gia nước ngoài khi cùng nghiên cứu với chúng ta về địa điểm đã khẳng định Việt Nam có những địa điểm thuận lợi để xây dựng ĐHN. Chúng ta đã có nghiên cứu bước đầu về một số các địa điểm thuận lợi cho dự án ĐHN và đã có kết quả rất khả quan.

Dự án ĐHN đầu tiên được định hướng đưa vào vận hành cho giai đoạn quy hoạch sau (khoảng năm 2020), thời gian tới Chính phủ sẽ điều hành tích cực để các định hướng này.

PV: Phát triển lưới điện truyền tải và phân phối sẽ được triển khai đồng bộ với chương trình phát triển nguồn điện, vậy ông cho biết việc phát triển lưới điện có đáp ứng được phương án tăng trưởng phụ tải ở mức 22%/năm không?

BTVHH:  Như đã trình bày ở trên, trong Quy hoạch điện VI đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lưới điện truyền tải được thiết kế cho Phương án cơ sở. Đối với phương án phát triển cao hơn chúng ta sẽ phải quyết định đồng thời các phương án phát triển lưới điện và nguồn điện mới. Trong trường hợp vì lý do khách quan nào đấy không thể đầu tư lưới điện đồng bộ thì chắc chắn sẽ phải xem xét lại quyết định đầu tư nguồn điện mới và ngược lại. Do vậy không thể có tình trạng lưới điện không đáp ứng được ở bất kỳ mức tăng phụ tải nào, kể cả phương án phụ tải cao 20% và cao hơn.

Trong QHĐVI đã phê duyệt phát triển một số Trung tâm Điện lực có công suất tương đối lớn trong giai đoạn quy hoạch đến năm 2025 ở một số vùng trên cả nước. Vì vậy, việc nghiên cứu tính toán các phương án đấu nối của các Trung tâm Điện lực này vào hệ thống lưới điện truyền tải quốc gia cho phù hợp nhằm đảm bảo sự vận hành ổn định của hệ thống điện là hết sức quan trọng và cần thiết. Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN và tư vấn lập Quy hoạch đấu nối các TTĐL này trong TSĐ

PV: Phấn đấu đến năm 2010 có 95% và năm 2015 có 100% các xã có điện, vậy xin ông cho biết những cơ chế để phát triển điện nông thôn?

BTVHH: Thực tế hiện nay chưa có cơ chế đặc biệt khuyến khích cụ thể nào của Chính phủ để góp phần phấn đấu đạt được những mục tiêu trên. Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan nghiên cứu cơ chế ưu đãi về vốn đầu tư (vay vốn ưu đãi đầu tư, hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư, hỗ trợ vốn đầu tư, thời hạn cho vay) và ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích hỗ trợ đầu tư phát triển điện nông thôn, miền núi, hải đảo. TTg CP đã có văn bản giao Bộ Tài chính lấy ý kiến các Bộ, ngành và địa phương để ban hành, thực hiện.

Từ cuối năm 2000 đến cuối năm 2006 đã thêm được 1.446 xã và 3.127.837 hộ dân nông thôn có điện. Tính bình quân mỗi ngày chúng ta đưa được gần 1 xã và khoảng gần 1500 số hộ sử dụng điện. Ngân hàng Thế giới đánh giá  tốc độ chúng ta đạt được là rất cao trên bình diện toàn thế giới trong công tác điện nông thôn.

PV: Xin cám ơn ông!

Thanh Mai (thực hiện)