Sự kiện

Tận dụng nước thải của Thủy điện Nậm Chiến 1::Có thêm Thủy điện Nậm Chiến 2

Thứ hai, 10/3/2008 | 09:25 GMT+7

Dự án thủy điện Nậm Chiến 2, nằm trên phần đất bản Chiềng San đoạn cuối của dòng suối Chiến thuộc huyện Mường La, Sơn La. Công trình này được bắt nguồn từ dự án Thủy điện Nậm Chiến 1. Hồi ấy cách nay trên dưới chục năm, Tổng công ty Sông Đà đã phát hiện ra suối Chiến và lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Nậm Chiến 1, công suất 200 MW. Bằng sự tinh khôn cộng với bề dày kinh nghiệm, người Sông Đà đã tính toán và lập ra dự án tận dụng nước dư thừa thải ra từ Nhà máy Thủy điện Nậm Chiến 1, bậc thang phía trên để làm ra nguồn điện công suất 32MW mang tên là Nậm Chiến 2...

Lực lượng thi công của Công ty trên công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Nậm Chiến 2.

Tháng 8 năm 2006, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển điện Tây Bắc ra đời và UBND tỉnh Sơn La cấp đất và cho phép khởi công xây dựng. Sau gần 2 năm, đến nay công trình đã hoàn tất già nửa khối lượng, 2/3 công việc khoan đào kênh dẫn dòng đã xong. Ngay trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua các lực lượng xây dựng của Công ty Sông Đà 10, Công ty cơ khí lắp máy, Công ty TNHH Đồng Ích (đều có trụ sở đóng ở Hà Nội) đã đồng loạt đăng ký ăn tết và tiếp tục thi công tại công trình nhằm hoàn thành sớm việc đào đắp đập Đầu mối, đắp đê quây hạ lưu, thi công đập dâng, đập tràn và đổ bê tông hố móng Nhà máy chính, hướng tới mục tiêu phát điện tổ máy 1 vào cuối năm 2009.

Tổng giám đốc Phạm Bá Viễn cho biết thêm: Công ty vừa tìm ra cùng lúc 2 dự án thủy điện mới: 1 chiếc công suất 10 MW lấy nước từ suối Công tên là thuỷ điện Nậm Công; còn chiếc kia ăn nước trên suối Sọi, cách Nậm Công chừng 30km tên là thủy điện Nậm Sọi, có cùng công suất. Cả 2 công trình này đều thuộc địa bàn huyện Sông Mã (Sơn La). Công ty đã tiến hành khởi công xây dựng ngay từ đầu năm 2008. Mục tiêu của chúng tôi sẽ phấn đấu phát điện vào cuối tháng 12 năm 2009 của cả 3 nhà máy.

Trên địa hình hẻo lánh, hiểm trở và phức tạp lại cùng lúc thi công cả 3 dự án: Nậm Chiến 2, Nậm Công và Nâm Sọi, mà chỉ trong vòng vài ba năm phải hoàn thành, nghe cứ như trong mơ. Vậy những yếu tố nào giúp Công ty làm nhanh đến vậy?

Phó tổng giám đốc Vũ Trọng Vinh cho hay: Công ty rất ít bị ràng buộc bởi cơ chế, thực hiện đồng bộ các thủ tục đầu tư, đơn giản hoá hồ sơ dự án như thẩm tra, thẩm định đấu thầu sao cho thật hợp lý, gọn nhẹ và ngắn nhất. Là chủ đầu tư nên Công ty đã chủ động trong việc đấu thầu thiết bị ngay sau khi dự án được phê duyệt. Đáp ứng yêu cầu chính đáng mà các nhà thầu đặt ra, bàn bạc thoả thuận những kiến nghị để giải quyết các thủ tục nghiệm thu thanh toán ứng tiền vốn để kịp mua sắm vật tư, thiết bị thi công và trả tiền công cho công nhân (điều mà xưa nay đã gây biết bao ách tắc, trì trệ ở nhiều dự án). Tận dụng thời điểm nhất là mùa khô, tập trung thi công những hạng mục chính để tránh mùa mưa và chống lũ. Trong đền bù giải toả, có sự hậu thuẫn của chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở, cả cá nhân, gia đình nằm trong diện giải toả cũng thông cảm, ủng hộ.Nhiều nơi, nhiều người còn cho vay trước các phần đất nằm trong diện quy  hoạch.

Về định hướng của Công ty trong các năm tiếp theo, ông Phạm Bá Tôn, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết: Quý 2 năm nay sẽ khởi công xây dựng thêm 1 dự án thuỷ điện nữa, công suất lớn hơn 3 cái đang làm ở Sơn La. Đó là nhà máy thuỷ điện Bá Thước thuộc tỉnh Thanh Hoá. Công ty đang khai thác và đầu tư lĩnh vực bất động sản và triển khai kinh doanh du lịch. Ông Tôn khẳng định, phấn đấu từ năm 2010 đạt doanh thu 500 tỷ đồng trở lên.

Đến với một doanh nghiệp nằm trên vùng cao, xa xôi, hẻo lánh, trong lòng chúng tôi thấy ấm nồng niềm vui bởi nơi này đang làm ăn phát đạt cùng với không khí phấn khởi , lao động sôi nổi của những người đang thực hiện nhanh cả 3 công trình. 

Theo Tiền Phong