Xây dựng Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho thị trường phát điện cạnh tranh ở Việt Nam

Thứ sáu, 25/4/2008 | 09:16 GMT+7

 Đó là chủ đề của hội thảo do Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 24/4  tại Hà Nội.

Tại hội thảo, Tư vấn đã xem xét các quy định hiện hành về hoạt động điện lực và thiết kế thị trường điện ở Việt Nam để xây dựng mẫu Hợp đồng mua bán điện phù hợp cho thị trường phát điện cạnh tranh ở Việt Nam. Tư vấn cũng tìm hiểu kinh nghiệm từ hợp đồng mua bán điện các nước như Bra-xin, Mê- hi-cô, Thổ Nhĩ Kỳ, Ác-hen-ti-na và xem xét hợp đồng mua bán điện đang áp dụng  tại Việt Nam. Từ kinh nghiệm quốc tế và xem xét cơ chế hợp đồng mua bán điện ở Việt Nam, Tư vấn đã đưa ra các đề xuất về nguyên tắc xây dựng hợp đồng mua bán điện mẫu, khung giá phát điện và giá cho dịch vụ phụ. Tư vấn còn đề xuất mẫu hợp đồng theo công nghệ thuỷ điện, nhiệt điện và hợp đồng cho nhà máy điện mới, nhà máy điện cũ.

 

Về khung giá phát điện, Tư vấn đề xuất cơ chế khung giá phát điện cho nhà máy điện mới và nhà máy điện hiện có. Đối với nhà máy điện mới, khung giá phát điện cho từng loại công nghệ dựa trên so sánh chuẩn, giá hợp đồng được đàm phán dựa trên khung giá. Đối với nhà máy điện hiện có, khung giá phát điện được xây dựng dựa trên thiết kế thị trường điện đã chọn, có cơ chế khung giá trong giai đoạn chuyển tiếp thực hiện thị trường điện nhằm tránh giá phát điện quá cao.

Theo ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, điều kiện tiên quyết để hình thành thị trường phát điện cạnh tranh ở Việt Nam (dự kiến đưa vào hoạt động từ năm 2010 và kéo dài đến hết năm 2014) là cần có hệ thống hoàn chỉnh các văn bản pháp lý về thị trường điện, đặc biệt là mẫu hợp đồng mua bán điện, phương pháp xây dựng khung giá phát điện, giá cho dịch vụ phụ và giải quyết tranh chấp trong thị trường.

Lợi ích của việc hoàn chỉnh các văn bản pháp lý này là chia sẻ rủi ro công bằng giữa các nhà máy điện, bên mua và khách hàng tiêu thụ điện. Hợp đồng mua bán điện mẫu được áp dụng có tác dụng khuyến khích đầu tư xây dựng trong lĩnh vực nguồn điện do thời gian và chi phí đàm phán để ký kết hợp đồng được giảm thiểu. Trong giai đoạn chuyển tiếp, giá điện bán lẻ chưa phản ánh hết các chi phí từ khâu phát điện, truyền tải đến phân phối thì việc đưa ra khung giá phát điện để các bên đàm phán  hợp đồng mua bán điện  là rất cần thiết nhằm tránh việc giá phát điện tăng quá cao, gây ảnh hưởng đến các đơn vị truyền tải và phân phối. Khác với cơ chế hiện tại, hợp đồng mua bán điện theo cơ chế mới được ký kết trước giai đoạn xây dựng nhà máy điện. Điều này giúp các nhà đầu tư dễ dàng tìm tiếm và thu xếp vốn.

Các ý kiến đóng góp của các cơ quan liên quan tại hội thảo sẽ là cơ sở để phía Tư vấn triển khai thực hiện các bước tiếp theo của gói tư vấn: xây dựng phương pháp tính khung giá phát điện và giá phí dịch vụ phụ; xây dựng hợp đồng mua bán điện mẫu; đồng thời giúp Cục Điều tiết điện lực xây dựng các văn bản pháp lý phù hợp và cần thiết để phát triển thị trường phát điện cạnh tranh tại Việt Nam./.

Mai Phương