Sự kiện

Dùng điện... vì rẻ!

Thứ năm, 22/5/2008 | 10:05 GMT+7

Những bất hợp lý trong quy định giá điện đã tạo nên sự bất lực của ngành điện thực hiện Chương trình tiết kiệm điện quốc gia. Rất nhiều hộ gia đình đang có xu hướng chuyển từ sử dụng gas, than để đun nấu sang dùng điện vì kinh tế hơn.

Cũng không ít cơ sở sản xuất công nghiệp đặc biệt là sản xuất thép và xi măng đang gia tăng mạnh sản xuất ngay trong giờ cao điểm vì chi phí về điện hiện chỉ chiếm một tỷ lệ thấp trong giá thành sản phẩm trong điều kiện chi phí về nguyên liệu đầu vào tăng mạnh và hàng bán lại rất chạy.

Đó là nhận xét của ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) sau chuyến khảo sát về sử dụng điện tại các địa phương mới đây. Theo ông Thắng, có một thực tế là giá bán thép, xi măng trên thị trường trong nước hiện tại đều đã tăng lên ở mức cao so với năm ngoái do nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh vì phụ thuộc nhập khẩu là chính. Điều này đã khiến cho chi phí về điện trong cơ cấu giá thành sản xuất những mặt hàng này thay đổi và thấp đi đáng kể.

“Giá bán thép, xi măng tăng mạnh nhưng bán hàng lại rất tốt, nên các nhà sản xuất thép, xi măng trước đây chỉ sản xuất giờ thấp điểm để có giá điện thấp, thì nay chuyển sang sản xuất cả giờ cao điểm để tăng sản lượng tối đa. Cũng bởi chi phí giá điện lúc này chỉ còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu giá thành sản phẩm, nên việc sử dụng điện giờ thấp điểm không còn quá cần thiết với các nhà sản xuất này. Thực tế này khiến cho cung cầu về điện càng trở nên căng thẳng trong điều kiện nguồn điện không có dôi dư và đang tạo ra sai lệch về bản chất trong sử dụng điện”, ông Thắng nhận xét.

Vì thế, việc yêu cầu các nhà máy công nghiệp dùng nhiều điện như thép, xi măng không sử dụng điện giờ cao điểm như một biện pháp giảm phụ tải được xem là “không dễ dàng”. Tuy nhiên, ông Thắng cho hay, hiện nay chế tài xử lý việc này chưa có nên mặc dù ý kiến đề xuất là hay, nhưng rất khó thực hiện giảm tải giờ cao điểm.

Cạnh đó, tuy có đăng ký trước thời gian sử dụng điện, nhưng việc cung cấp điện giữa ngành điện và doanh nghiệp mới dựa trên thỏa thuận về thương mại chứ không phải sử dụng các biện pháp hành chính.

Theo khảo sát tại những địa phương có tỷ trọng sản xuất công nghiệp cao như Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, nhu cầu phụ tải điện cho các dây chuyền cán thép thời gian qua đã tăng mạnh.

“Có những địa phương chỉ trong một năm đã cấp phép tới 10 dây chuyền cán thép với tổng nhu cầu sử dụng điện bằng một nhà máy 300 MW. Vấn đề là, đa phần các dây chuyền này đều có công suất nhỏ, lạc hậu nên hiệu suất tiêu hao năng lượng cao. Đó là chưa kể nhiều dây chuyền lại nằm ngoài quy hoạch phát triển ngành thép đã được phê duyệt, nhưng khi cấp phép, địa phương không hỏi ý kiến Bộ quản lý ngành, nên đã tạo ra hiện tượng nhu cầu về điện tăng mạnh không theo quy hoạch của ngành điện”, ông Thắng nhận xét.

Bên cạnh đó, thống kê của điều độ điện tại các địa phương cũng cho hay, dịp Tết Dương lịch và Âm lịch vừa qua, biểu đồ phụ tải của các công ty điện lực không hề giảm xuống nhiều, trong khi lẽ ra phải có sự giảm mạnh, thậm chí tới gần 50%. Điều này cho thấy thực tế có tình trạng chuyển từ sử dụng các năng lượng khác sang dùng điện vì kinh tế hơn.

So với nửa đầu năm 2007, giá gas tăng tới 2,5 lần, trong khi giá điện vẫn thế, nên việc chuyển dùng gas sang dùng điện để đun nấu là lẽ thường tình với các bà nội trợ trong điều kiện giá cả sinh hoạt tăng mạnh như hiện nay.

Theo các chuyên gia, với sự biến động về giá các nhiên liệu khác như gas, than đang tăng mạnh vì ăn theo giá thế giới, trong khi giá điện (dù nhiều nguồn điện độc lập khi bán cho ngành điện lại dựa trên giá nhiên liệu than, dầu thế giới tăng mạnh thời gian qua) vẫn đang yên ổn, có thể làm sai lệch hẳn tín hiệu giá giữa các dạng năng lượng khác nhau. Điều này không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp dùng nhiều điện hơn, mà còn không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư những thiết bị sử dụng điện hiệu quả có hiệu suất điện năng cao hơn, tiết kiệm điện.

Theo phản ánh của Văn phòng tiết kiệm năng lượng quốc gia khi gặp gỡ báo chí mới đây, đa phần các doanh nghiệp sau khi được kiểm toán năng lượng hay tư vấn về tiết kiệm điện đều “chẳng mặn mà” triển khai đầu tư để giảm lượng điện tiêu thụ. Phải chăng điều này bắt nguồn từ việc sử dụng điện theo cách quen dùng vẫn đem lại hiệu quả kinh tế? Nếu như vậy thì Chương trình tiết kiệm năng lượng quốc gia cũng khó lòng đạt được mục tiêu như mong muốn, dù vấn đề năng lượng đang dần trở thành “nóng bỏng và căng thẳng” với thế giới.

Theo Diễn đàn DN