Sự kiện

Cần đưa nội dung giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào các trường đại học và cao đẳng.

Thứ tư, 7/5/2008 | 15:44 GMT+7

Mục tiêu của đề án là Xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu về giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các trường Đại học, Cao đẳng thuộc 5 khối ngành: Khối Khoa học kỹ thuật, công nghệ, tự nhiên; Khối khoa học xã hội và nhân văn; Khối Kinh tế và Quản trị kinh doanh; Khối Nông – Lâm – Ngư; Khối Văn hóa – Nghệ thuật – Khoa học sức khỏe.

Xây dựng các Trung tâm Tư vấn và Đào tạo; các chương trình thông tin-tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, sinh viên các Đại học, Cao đẳng nhằm góp phần làm giảm chi phí đầu tư cho việc xây dựng hệ thống năng lượng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững, có lợi cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Vụ Khoa học và Sau Đại học, Vụ Khoa học Công nghệ, Trường Đại học Điện lực, Trường Đại học Bách khoa và Viện Khoa học Thể dục Thể thao xây dựng Đề án đưa nội dung giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào các trường Đại học, Cao đẳng giai đoạn 2007 – 015. Đây là nội dung nhằm thực hiện Quyết định 79/2006/GĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/04/2006 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Năng lượng là cơ sở đảm bảo cho sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Nhu cầu năng lượng thế giới có thể sẽ tăng khoảng 1,8% mỗi năm trong giai đoạn 2000-2030 và các nhu cầu năng lượng trong các nước đang phát triển sẽ tăng mạnh. Sẽ thiếu hụt nguồn năng lượng trong một thời gian dài sẽ là nhân tố kìm hãm sự phát triển liên tục của nền kinh tế quốc dân.

Trong điều kiện của nước ta hiện nay, khả năng tiết giảm lãng phí năng lượng còn rất lớn. Hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy điện đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt được từ 28% đến 32%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 10%. Hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%. Năng lượng tiêu hao cho sản phẩm các ngành công nghiệp trong nước tăng gấp nhiều lần so với các nước phát triển. Thiếu các biệ pháp tiết kiệm năng lượng cộng với trình độ lạc hậu của công nghệ trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước đã tồn tại lâu năm làm cho việc sử dụng năng lượng kém hiệu quả.

Hệ thống điện tuy đã phủ khắp toàn quốc nhưng do nhu cầu tăng nhanh mà tiến độ thực hiện quy hoạch chậm nên vẫn tiềm ẩn khả năng không đảm bảo an toàn cung cấp. Nhưng dù nguồn có phát triển bao nhiêu mà sử dụng không hợp lý thì vẫn sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt. Do đó, giáo dục sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong các trường đại học, cao đẳng ngày càng trở nên cấp thiết.

Đào tạo trình độ đại học, cao đẳng về chuyên ngành năng lượng ở Việt Nam được bắt đầu ngay từ khi thành lập các trường đại học, cao đẳng đầu tiên của nước ta. Tuy nhiên, đào tạo chuyên sâu về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng thì chưa được đưa vào chương trình đào tạo chính quy của một trường nào. Trong những năm gần đây một số khóa đào tạo, tập huấn do các tổ chức quốc tế tài trợ đã được mở ra như chương trình Tiết kiệm năng lương Thương mại thí điểm ngắn hạn (CEEP), chường trình Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (PECSME) … Mặc dù vậy, các khóa đào tạo vẫn chỉ dừng lại ở mức độ ngắn hạn, riêng lẻ, chưa hình thành một ngành học chuyên biệt về lĩnh vực này.

Năm 2005, trường Đại học Điện lực đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua chương trình khung, chương trình chi tiết của ngành Quản lý năng lượng. Qua đó, Đại học Điện lực là đơn vị đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này có một ngành đào tạo cấp độ đại học, cao đẳng gắn liền với vấn đề thời sự hiện nay là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đây là môi trường đào tạo cao nhất và cuối cùng trước khi một người lao động bước vào quá trình làm việc và đóng góp cho xã hội. Bởi thế, nhận thức và kiến thức cần phải được bổ sung và hoàn chỉnh một cach đầy đủ, khoa học trong giai đoạn đào tạo này, nhằm tạo ra thế hệ những người có trí thức, biết sử dụng tiết kiệm và quản lý năng lượng không lãng phí, biết khai thác, tìm tòi ra các nguồn năng lượng mới, đáp ứng được nhu cầu sử dụng năng lượng đang tăng nhanh trong bối cảnh các nguồn năng lượng ngày càng cạn kiệt và khan hiếm. 

Theo TChí Đ&ĐS T4/2008