Sự kiện

Công nghiệp điện hạt nhân là lựa chọn quan trọng của thế kỷ 21

Thứ sáu, 4/1/2008 | 09:20 GMT+7

Hiện nay, Bộ KHL&CLNL đang giao Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam nghiên cứu, xác định căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới ở Việt Nam để kịp thời thay thế Lò phản ứng Đà Lạt vào khoảng năm 2015. PV Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với TS Lê Văn Hồng - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam xung quanh vấn đề này.

                   

                                  Quang cảnh lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt

Thưa ông, vấn đề nghiên cứu và phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam hiện nay ra sao?

Nhận thấy điện hạt nhân có vai trò quan trọng, góp phần đáp ứng nhu cầu điện năng, góp phần tăng cường tiềm lực khoa học kỹ thuật và công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp liên quan, góp phần làm giảm phát thải khí ô nhiễm môi trường từ các nhiên liệu hoá thạch... tháng 12/1994, Thủ tướng Chính phủ đ giao Bộ KHCN&MT (nay là Bộ KH&CN) cùng Bộ Năng lượng (nray là Bộ Công thương) nghiên cứu trình Bộ Chính trị và Chính phủ về chủ trương đối với việc sử dụng năng lượng nguyên tử ở Việt Nam. Nhiều đề tài, dự án đã được triển khai thực hiện như: Xác định căn cứ khoa học, kinh tế, xã hội cho phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam; nghiên cứu tổng quan phát triển nhà máy điện hạt nhân Việt Nam và Dự án hỗ  trợ kỹ thuật VIE/0/009.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án nói trên, tháng 8/1999, Ban Cán sự Đảng của Bộ KHCN&MT đã trình Chính phủ bản báo cáo về phương hướng phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam. Tháng 5/2001, Thủ tướng Chính phủ, một số Phó Thủ tướng và các bộ trưởng có liên quan đã trực tiếp nghe báo cáo và đồng ý cho phép tiến hành nghiên cứu đề án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam. Tháng 3/2002,Thủ tướng chính phủ đã quyết định thành lập Tổ Công tác chỉ đạo nghiên cứu phát triển nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam. Tổ Công tác đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng chiến lược phát triển năng lượng nguyên tử ở Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó phân tích đánh giá an toàn và đảm bảo an toàn hạt nhân, nghiên cứu về nhiên liệu và vật liệu hạt nhân, khung pháp lý (Tháng 3/2003, Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ KH&CN chủ trì soạn thảo Dự án Luật Năng lượng hạt nhân, tháng 6/2003, Bộ trưởng Bộ KH&CN quyết định thành lập Ban Chỉ đạo soạn thảo Dự án Luật Năng lượng hạt nhân), đào tạo cán bộ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân...; lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam: nghiên cứu làm rõ 7 vấn đề liên quan đến phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam và xây dựng tiềm lực R&D phục vụ chương trình phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam. Đến nay, các nội dung trên đã được hoàn tất.

Nhà máy điện nguyên tử mới sẽ được xây dựng đâu và nguyên liệu cho sản xuất điện nguyên tử được lấy ở đâu?  

- Từ năm 1995, Viện Năng lượng và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phối hợp với các đoàn chuyên gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada tiến hành khảo sát một số địa điểm để xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam. Đó là địa điểm Phước Dinh thuộc địa phận thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, địa điểm Vĩnh Hải thuộc địa phận thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận và địa điểm Hoà Tâm thuộc địa phận thôn Đồng Bé, xã Hoà Tâm, huyện Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên.

Về nhiên liệu hạt nhân, qua nghiên cứu thăm dò, đánh giá trữ lượng tài nguyên urani và đất hiếm ở Việt Nam có thể thấy tổng trữ lượng urani trong một số mỏ và điểm quặng ở Việt Nam rất lớn, tính theo U308 dự báo là 218,167 tấn, trong đó cấp C1 là 113 tấn, cấp C2 là 16.563 tấn, cấp P1 là 15.153 tấn và cấp P2+P3 là 186.338 tấn. Các điểm mỏ quặng có trữ lượng lớn là Bắc Nậm Xe 9.800 tấn cấp C2, Nam Nậm Xe 321 tấn cấp C2, Nông Sơn 546 tấn cấp P1, Khe Hoa- Khe Cao 7.300 tấn các loại… Với trữ lượng này, Việt Nam có thể sử dụng nguồn nhiên liệu tại chỗ để sản xuất điện hạt nhân.

Xin cảm ơn tiến sĩ!

Theo Pháp Luật