Sự kiện

Điện hạt nhân Việt Nam, bao giờ?

Thứ tư, 2/1/2008 | 09:19 GMT+7

Trong những năm qua, tình trạng thiếu điện ở nước ta ngày càng trở nên trầm trọng. Xu hướng hiện nay của thế giới là phát triển năng lượng hạt nhân thay thế các nguồn năng lượng truyền thống. TS Phạm Khánh Toàn, Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), cho biết Việt Nam cũng đang gấp rút chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Năng lượng của tương lai

Trước thực trạng nguồn nhiên liệu dùng cho sản xuất điện đang cạn kiệt dần, nhiều nhà khoa học đã đưa ra những giải pháp cụ thể để giải quyết một phần năng lượng thiếu hụt. Theo dự báo của ngành điện đến năm 2020, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng khoảng 20% với khoảng 247 tỷ kW/h. Trong khi đó, việc cung ứng điện từ các nguồn của ngành điện mới chỉ đạt khoảng 223 tỷ kWh. “Để bù đắp hơn 24 tỷ kW/h còn thiếu thì việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân là một phương án” - TS Phạm Khánh Toàn nói. Tuy nhiên, vấn đề có nên xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam hay không cũng đã từng gây tranh cãi. Trên thế giới hiện có hơn 440 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, cung cấp khoảng 16% (2.574 tỷ kWh) sản lượng điện và khoảng 30 lò phản ứng đang được xây dựng. Mặc dù xu hướng chung trên thế giới là tăng sử dụng điện hạt nhân, nhưng ở một số nước điện hạt nhân phát triển như Italia, Đan Mạch, Đức... lại có xu hướng giảm, bởi những người phản đối vẫn kiên quyết cho rằng những hiểm họa liên quan đến uranium được làm giàu và sản phẩm phụ của nó (plutoni) lớn hơn rất nhiều so với các lợi ích kinh tế.  

Tại một hội thảo mới đây ở Hà Nội, các chuyên gia Pháp lại cho rằng năng lượng hạt nhân không những chỉ có lợi về mặt kinh tế mà còn có lợi về môi trường. Năng lượng hạt nhân cho phép điều chỉnh những căng thẳng về sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch hiện nay và góp phần hạn chế hiệu ứng nhà kính. Pháp - một quốc gia không có khu dự trữ dầu mỏ lớn nào, đã trở thành nước sản xuất năng lượng hạt nhân lớn thứ hai trên thế giới. Hiện nay, tại Pháp, 75% nhu cầu năng lượng được cung cấp bởi lượng hạt nhân.

Tại Việt Nam, từ năm 2006, ‘’Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình’’ đã được Thủ tướng phê duyệt với mục tiêu đến năm 2020, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được đưa vào vận hành và khai thác với công suất 2.000-4.000 MW, chiếm 5%-9% tổng công suất phát điện quốc gia. Để xây dựng được nhà máy điện hạt nhân, sự ủng hộ của nhân dân là rất quan trọng.  

                                                       

                                                                       Quy trình hoạt động của Nhà máy điện hạt nhân

Trong 18.000 lượt khách tham quan tại 4 triển lãm ứng dụng năng lượng nguyên tử về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, có trên 90% ý kiến cho rằng điện hạt nhân là cần thiết đối với Việt Nam; 47,7% cho rằng điện hạt nhân an toàn và có ích. 

An toàn – tiêu chí số 1

Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, để xây dựng và vận hành một nhà máy điện hạt nhân sẽ phải mất 13-15 năm. Vì vậy, để nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam có thể bắt đầu hoạt động vào năm 2020, công tác chuẩn bị cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Tại kỳ họp thứ 2 vừa qua, khi thảo luật về Luật Năng lượng nguyên tử, các đại biểu Quốc hội đánh giá điện hạt nhân là giải pháp kinh tế, an toàn và là nguồn năng lượng sạch, mở ra triển vọng cung cấp điện năng bền vững trong khi các nguồn tài nguyên năng lượng truyền thống ngày càng cạn kiệt. Tuy nhiên, để xây dựng nhà máy điện hạt nhân, vấn đề an toàn cần được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, phải xây dựng năng lực kỹ thuật đủ mạnh, tức là phải hoàn thiện các cơ quan quản lý an toàn hạt nhân, xây dựng hệ thống các cơ sở hỗ trợ kỹ thuật về an toàn hạt nhân....

Đến nay, qua khảo sát 16 điểm ở Việt Nam, các nhà khoa học thuộc Viện Năng lượng nguyên tử đã chọn được 6 điểm có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân, trong đó thuận lợi nhất vẫn là 2 điểm ở Phước Dinh và Vĩnh Hải thuộc tỉnh Ninh Thuận. Tại khu vực này chưa từng xảy ra các hiện tượng khí hậu phức tạp, địa chất công trình ổn định; sông ngòi ngắn, nước lũ thoát ra biển nhanh; môi trường động-thực vật nghèo nàn, không có thú quý hiếm; không ảnh hưởng đến các công trình du lịch, văn hóa, lịch sử; không có nhà máy, kho tàng vật liệu, hóa chất nguy hiểm. Nơi này cũng gần tuyến đường biển, có tuyến chở dầu nội địa; các tuyến đường bộ, đường sắt trong khu vực không có khả năng gây nguy hiểm tới công trình. Do ít dân nên kinh phí đền bù để giải phóng mặt bằng thấp.

3,4 tỷ USD đầu tư nguồn năng lượng sạch

Vấn đề lựa chọn công nghệ xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam hiện vẫn chưa được xác định. Hiện nay, trên thế giới đang sử dụng 3 loại lò phản ứng là lò nước áp lực PWR (chiếm 60%), lò nước sôi BWR (chiếm 21%) và lò nước nặng. Trong đó, hai loại PWR và BWR được đánh giá là có ưu điểm cao hơn và là công nghệ phù hợp với Việt Nam. Tuy nhiên, việc lựa chọn loại lò nào phụ thuộc khá lớn vào nguồn đầu tư mà Việt Nam có thể chi ra. 

Theo tính toán, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận có tổng đầu tư khoảng 3,4 tỷ USD. Nhà máy gồm 2 tổ máy với tổng công suất dự kiến 2.000 MW, khi đi vào hoạt động sẽ cho sản lượng điện từ 14-15 tỷ kWh/năm. 

Ông Bộc Kế Long, Tổng giám sát an toàn kỹ thuật Tập đoàn Điện hạt nhân Quảng Đông (Trung Quốc) cho rằng, kỹ thuật không phải là vấn đề khó trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Điều quan trọng là giải quyết tốt khâu huy động vốn: “Khi xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Vịnh Đại Á, chúng tôi không có vốn, trong khi nhu cầu vốn để xây dựng nhà máy lên tới 4 tỷ USD. Vì thế chính phủ đã bảo lãnh chúng tôi vay hơn 90% vốn từ các ngân hàng trong nước và nước ngoài”.

Ngoài vốn đầu tư, theo ông Kechemair, Phó Chủ tịch Ủy ban Năng lượng hạt nhân Pháp, để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân, nhu cầu về đào tạo nhân lực là rất quan trọng. An toàn hạt nhân đòi hỏi trình độ quản lý công nghiệp rất cao và nghiêm ngặt. Tuy nhiên, hiện nay, trình độ cũng như số lượng cán bộ quản lý và cán bộ khoa học công nghệ về lĩnh vực này còn rất mỏng, yếu. Theo tính toán của Viện Năng lượng nguyên tử, để chuẩn bị cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước ta đi vào hoạt động, cần có ít nhất trên 500 người gồm các chuyên gia, kỹ thuật viên và công nhân lành nghề.

Trong khi đó hiện nay cả nước ta chỉ có khoảng 600 chuyên gia hạt nhân, làm việc trong các lĩnh vực khác nhau, phần lớn không liên quan đến năng lượng và có tuổi đời đã khá cao. Trong chuyến thăm chính thức CH Pháp hồi tháng 10-2007 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ Pháp đã ngỏ ý muốn hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Để chuẩn bị tốt cho kế hoạch năng lượng của tương lai, ngay từ lúc này, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần được khởi động ngay với sự giúp đỡ của những nước có kinh nghiệm về điện hạt nhân. Một yếu tố quan trọng khác, theo các chuyên gia, là phải xây dựng được đầy đủ khuôn khổ pháp lý và hành chính cần thiết. Theo dự kiến, Luật Năng lượng nguyên tử sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2008.

Theo SGGP