Sự kiện

Ngành điện sau 53 năm nhìn lại ngày khởi nghiệp

Thứ năm, 3/1/2008 | 09:09 GMT+7

Không phải ngẫu nhiên, từ nửa thế kỉ nay, ngành Điện vẫn coi ngày 21/12/1954 là ngày truyền thống của mình. Đó là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà Đèn Bờ Hồ...

                 

 từng bước đi chập chững của ngành Điện lực miền Bắc, ngay từ buổi ban đầu dựng xây cơ sở vật chất-kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Những câu chuyện sống động chứng tỏ sự quan tâm của Người dành cho Điện lực, dù đã trải qua hơn 50 năm vẫn  còn tươi rói trong tâm trí của một trong những vị lãnh đạo ngành Điện hồi ấy, như mới xảy ra hôm qua (1):

Hết thời kì quân quản... các kỹ thuật viên người Pháp ra đi, các chuyên gia Trung Quốc sang giúp. ít lâu sau, Bác điện cho tôi bảo đưa chuyên gia lên gặp Bác. Đúng ngày hẹn, rất hồi hộp, tôi đưa các chuyên gia lên Phủ Chủ tịch sớm hơn một tiếng theo giờ hẹn. Đến nơi, chúng tôi được mời vào căn phòng không rộng lắm, không có trang trí gì đặc biệt ngoài một bộ xa lông (một đi-văng, bốn ghế) bằng gỗ. Ngồi đợi độ năm phút thì thấy Bác từ ngoài vườn, vai vác cuốc, chân đi đất, mặc bộ quần áo nâu theo kiểu Việt Nam bước vào. Đến hiên Bác đặt cuốc vào một góc tường, chùi chân vào một tấm thảm bẹ ngô, đi nhanh vào phòng, vui vẻ bắt tay và mời các chuyên gia ngồi. Bác cười nói, đáng lẽ đúng giờ Bác mới tiếp, nhưng sợ các chuyên gia đợi lâu rồi. Bị bất ngờ trước tác phong rất mực giản dị và thân mật của Bác, các chuyên gia cứ đứng sững tại chỗ. Bác phải mời đến lần thứ 3 họ mới rụt rè ngồi xuống. Bác mời hai chuyên gia nhiều tuổi nhất ngồi hai bên Bác và bắt đầu hỏi thăm sức khoẻ, gia đình rồi hỏi quê quán từng người. Bác lại hỏi trước khi sang đây các đồng chí lãnh đạo có giao nhiệm vụ cụ thể hay không? Sau khi nghe các chuyên gia trả lời, Bác nói đại ý: Tôi rất vui là các chú đã sang đúng lúc, sang đây không chỉ giúp giải quyết một số việc cụ thể mà còn phải giúp cán bộ Việt Nam sẽ làm được như các chú. Bác quay sang bảo tôi là phải chăm sóc các chuyên gia chu đáo, cố gắng học tập, hằng tuần cho Bác biết kết quả về công việc của các chuyên gia và kết quả học tập của các cháu. Ra về các chuyên gia chưa hết bàng hoàng xúc động, luôn nhắc đến Bác. Họ bảo không ngờ Bác giản dị đến vậy, bên nước họ gặp một huyện trưởng là rất khó. Thế mà Bác lại nói chuyện thân mật như nói chuyện với con cháu trong nhà...

Và những lời căn dặn của Người trong cuộc gặp gỡ lịch sử 21/12/1954 còn vang vọng bên tai mỗi cán bộ, công nhân, viên chức ngành Điện Việt Nam:

Hiện nay nước ta còn nghèo, miền Nam nước ta chưa được giải phóng, đế quốc Mỹ còn lăm le phá hoại hoà bình, chúng ta phải chống đế quốc Mỹ một cách thiết thực bằng thi đua tăng năng suất. Tiết kiệm được một cân than, tăng được một ki-lô-oát giờ điện là góp thêm một phần lực lượng đánh đế quốc Mỹ, khôi phục kinh tế, nâng cao đời sống toàn dân...

Có lẽ khi nhắn nhủ những lời huấn thị ấy, trong tâm trí Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên công thức nổi tiếng của Lênin: Chủ nghĩa Cộng sản = Chính quyền Xô Viết+Điện khí hoá toàn quốc!

Một công thức “phóng tuyến” cho việc hoạch định chiến lược phục hồi và phát triển sức sản xuất của quốc gia, không chỉ trong một vài thập kỷ mà thật ra, nó đã trở thành định hướng lâu dài cho công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế quốc dân.

Công thức này qua cái nhìn đầy hình ảnh và xúc cảm của thi sĩ Tố Hữu, đã hiện lên thật giản dị, sống động nhưng không vì thế mà kém vẻ hùng tráng:

Núi rừng có điện thay sao

Nông thôn có máy cày trâu thay người...

Thế là đội quân điện lực bắt tay vào công cuộc xây dựng ngành Điện trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Khởi nghiệp từ những tàn tích của quá khứ, mắt ngước theo ánh sao vàng chỉ lối, trái tim rực lửa cách mạng, những chiến binh trên mặt trận Điện lực Việt Nam viết tiếp những trang hào hùng của mình...

Thiết nghĩ, khi đọc những dòng chữ trong cuốn hồi ký Những kỷ niệm khó quên trong thời kỳ đầu xây dựng ngành Điện lực Việt Nam của ông Hồ Quý Diện - vị Cục trưởng đầu tiên của Cục Điện lực Việt Nam, hẳn chúng ta đều đồng cảm với những điều mà ông Hoàng Trung Hải, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty điện lực Việt Nam (hiện là Phó Thủ tướng Chính phủ), đã trân trọng ghi nhận, trong bức thư ngày 28/10/2000, gửi tác giả cuốn hồi ký:

Đây là một cuốn sách không những rất bổ ích vì nó đã phản ánh đầy đủ, chân thực những sự kiện lịch sử trong những năm tháng hào hùng của dân tộc và của ngành Điện sau khi miền Bắc được giải phóng, mà còn rất đáng trân trọng vì sự tâm huyết, gắn bó của tác giả đối với sự phát triển của Điện lực Việt Nam...

Vâng, giá trị đích thực của cuốn hồi kí xuất phát từ chính tâm huyết của tác giả được thổ lộ ngay trong “Lời nói đầu”:

Tôi viết những dòng này không có ý khoe khoang thành tích, cũng không có tham vọng viết lịch sử ngành Điện trong thời kỳ đầu xây dựng, mà chỉ có một ý muốn đơn giản là ghi lại những kỷ niệm sâu nặng, khó quên của tôi về những tình cảm của Bác Hồ đối với ngành Điện. Những kỷ niệm này còn là những kinh nghiệm, những bài học đã góp phần thúc đẩy ngành Điện vượt khó khăn thử thách, tiến lên. Điều đó không những có ý nghĩa đối với quá khứ mà nếu biết trân trọng, khai thác, phát huy thì những kỉ niệm đó sẽ còn giá trị ngay cả trong thời kì đổi mới hiện nay nữa...

Xin trân trọng mời các bạn theo dõi một số đoạn quan trọng trong cuốn hồi ký nói trên:

Ngày 21/12/1955, Chính phủ có quyết định số169-BCT/NĐ/KB thành lập Cục Điện lực và bổ nhiệm tôi làm Cục trưởng(2). Cục Điện lực có nhiệm vụ quản lý các Nhà máy điện Hà Nội, Cửa Cấm, Thượng Lý (Hải Phòng), Cọc 5 (Quảng Ninh), Nam Định và các cụm đi-ê-den ở một số tỉnh lẻ. Lúc này Cục đã được bổ sung thêm nhiều cán bộ như các anh: Bùi Bá Ngôn, Phan Kim Tuệ, Nguyễn Đăng ấn, Phạm Khắc Hằng, Văn Giai, Trần Ngôn Hoạt, Vũ Hiền, Bằng, Thân, Đài, Lê Ba, Xuân, Lê Quang Minh, Hoàng Hữu Bình, chị Nguyệt... Sau một thời gian tổ chức lại bộ máy, Cục Điện lực bắt tay vào nghiên cứu nhu cầu về điện của các ngành kinh tế, của nông nghiệp và điện tiêu dùng của nhân dân, trong kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế của nhà nước từ năm 1956-1960. Đồng thời tập hợp tài liệu thủy văn, địa chất cần thiết cho xây dựng một số nhà máy thuỷ điện. Từ những nghiên cứu và đề xuất đó, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước đã đề ra phương án xây dựng các Nhà máy Nhiệt điện Vinh, Lào Cai, Hàm Rồng, Thái Nguyên, Việt Trì; tiến hành việc cải tạo lắp đặt thêm lò cho điện Yên Phụ và Cọc 5; xây dựng đường dây 35 kV nối liên kết từ Nhà máy điện Nam Định với Nhà máy điện Hà Nội; phục hồi thuỷ điện Tà Sa, Nà Ngần phục vụ cho thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng).

Sau 300 ngày, việc chuyển quân theo Hiệp định Giơ-ne-vơ hoàn tất, ta tiếp quản nốt khu Hải Phòng và Quảng Ninh. Anh Lê Chí Thành, anh Lê Văn Đáp, bác Hồ Đắc Giai (kỹ sư), bác Tạ Văn Tuý, bác Ka Him tiếp quản điện Hải Phòng (điện Cửa Cấm và điện Thượng Lý); anh Vũ Đình Bông cùng một số cán bộ kinh tế, kỹ thuật về tiếp quản điện Cọc 5. Sau vài ngày tiếp quản Hải Phòng, Nhà máy điện Hà Nội cho đội văn nghệ xuống biểu diễn.

Hết thời kỳ quân quản, ngành Điện được chuyển từ Bộ Giao thông  Công chính sang Bộ Công thương. Nhà đèn Bờ Hồ và xưởng phát điện Yên Phụ hợp nhất lại gọi là Nhà máy điện Hà Nội. Bộ bổ nhiệm tôi làm giám đốc. Các kỹ thuật viên người Pháp ra đi, các chuyên gia Trung Quốc sang giúp...

Trong thời gian này có cuộc đàm phán về kinh tế và văn hoá giữa ta và Pháp. Tôi là một trong những đoàn viên của đoàn do đồng chí Đàm (Bộ Ngoại giao) làm trưởng đoàn. Cuộc đàm phán kéo dài gần một năm, cuối cùng ký kết được thoả thuận như sau:

- Về đào tạo, Pháp đòi các nhà trường là của họ, họ sẽ ở lại đây và dạy học theo chương trình của họ. Còn phía ta yêu cầu: tất cả các tài sản đó là của Việt Nam, nếu người Pháp muốn ở lại, chúng ta sẵn sàng thuê họ và tất nhiên, họ phải dạy theo chương trình của ta.

- Pháp đòi hỏi phải bồi thường cho chủ các cơ sở điện, xi-măng, xăng, than... Ta đồng ý bồi thường bằng hiện vật (xi- măng, than) trong một năm. Riêng điện, tôi không đồng ý bồi thường vì khấu hao của nhà máy đã hết từ lâu, hơn nữa chúng ta biết: Mỹ đã cho họ một số tiền để ép các chủ điện phải ra đi.

- Đồng ý cho Pháp tiếp tục trả tiền hưu trí cho những người đã làm cho Pháp, nhưng phải qua Chính phủ Việt Nam, chứ không phải qua Đại diện hay Đại sứ quán Pháp như phía Pháp đề nghị.

- Pháp nhận tiếp tục bán cho ta những thiết bị phụ tùng, phụ kiện mà chúng ta cần dùng cho ngành Điện, than, xi măng, dệt và một số ngành khác.

Cuộc đàm phán kết thúc thắng lợi, riêng ngành Điện có thể nói là thắng lợi hoàn toàn...

Theo Bút ký lịch sử “Những bước đi tỏa sáng” của Nhà văn Nguyễn Khắc Phục

(1): Trích hồi ký của ông Hồ Quý Diện, Cục trưởng đầu tiên của Cục Điện lực.

(2): Kỹ sư Trịnh Trọng Thực làm Cục phó (phụ trách kỹ thuật), ông Vũ Hiền làm Trưởng phòng Kế hoạch... 

Theo TC Điện lực số 12 - 2007