Sự kiện

Công trường thủy điện Bản Chát: Đánh thức núi rừng Tây Bắc

Thứ ba, 29/1/2008 | 10:46 GMT+7

Từ Thái Nguyên-“Thủ đô gió ngàn”-chiếc xe 12 chỗ của Công ty Việt Bắc đưa chúng tôi vượt Đèo Khế, qua Tuyên Quang. Trên lộ trình Tây Tiến này, Đại đoàn 308 từ An toàn khu xuất trận (năm 1952), giải phóng Mường Lò, mở toang cửa đột phá tiến vào Tây Bắc.

Qua Mù Cang Chải, đèo Khau Phạ xưa “súng ngửi trời”, chúng tôi có mặt ở Thủy điện Bản Chát (Lai Châu), công trình do Ban quản lý dự án thủy điện I (Tổng công ty Điện lực Việt Nam) làm chủ đầu tư, nguồn vốn 6.000 tỷ đồng. Tổng thầu là Tổng công ty xây dựng và phát triển hạ tầng (LICOGI) của Bộ Xây dựng, các thành viên tổ hợp nhà thầu: Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty VINACONEX và Công ty Việt Bắc. Công trình được khởi công tháng 12-2005, đến năm 2011 phát điện hòa lưới điện quốc gia. Trước đó, vào tháng 1-2005, Công ty Việt Bắc hoàn thành gói thầu số 4-đường vận tải và thi công từ ngã ba Mường Kim được trải nhựa asphal cho xe máy vào khởi công. Cán bộ, chiến sĩ công ty đang miệt mài cả ngày đêm thi công hố móng vai trái đập thủy điện Bản Chát, một trong số hạng mục trọng điểm khó khăn nhất, xây dựng đường nối Bản Chát với thủy điện Huội Quảng.        

Tôi hỏi Thiếu tá Đào Văn Sự, chỉ huy trưởng công trường, có được “thưởng thức” “Ruồi vàng, bọ chó, gió Than Uyên” không? Chàng kỹ sư công trình cười hồn nhiên: Hồi đầu dựng lán trại, anh em nằm trên giường bọ chó bu lại cắn, hầu như ai cũng bị ruồi vàng đốt mưng mủ. Vào mùa hè, gió như tạt hơi lửa vào, tối rét cắt da cắt thịt, một ngày có bốn mùa, có khi mưa như trút nước một, hai ngày. Khắc nghiệt không ngăn được ý chí của chiến sĩ Việt Bắc làm ra điện cho Tổ quốc.

Công trường trải dài 3km trên sông Nậm Mu trong xanh như một dấu ngã, lọt thỏm giữa hai dãy núi cao ngất. Nơi đây vốn nổi tiếng với loài “pa chát”-cá trắng, nặng từ vài lạng đến 1kg, nên bản Thái ở đây mang tên Bản Chát. 50 nóc nhà sàn rời sang khu định cư trông như một bản du lịch. Chiếc cầu bê tông nối hai bờ sông tấp nập xe máy trông thật hoành tráng. Hàng trăm ô tô cỡ lớn, máy xúc, máy ủi, máy khoan thủy lực, xe phun nước… hối hả san núi, bạt taluy tạo thành những “cơ” (bậc) cao 10-15m, dài từ 22m đến 700m. Từ mặt nước sông, nơi đào hố móng Công ty Việt Bắc thi công có độ dốc tự nhiên 60-70 độ, ô tô, máy móc, người lao động như được chồng xếp lên tựa ruộng bậc thang bên sườn Phan Xi Păng hùng vĩ. Tôi đã đến thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và công trình thế kỷ ở Sơn La đang xây dựng, nhưng về độ dốc tự nhiên và tổ chức xe, máy thi công thì ở Bản Chát khó khăn hơn nhiều. Kỹ sư trắc địa Trịnh Việt Dũng chỉ cho thấy địa hình thi công rất phức tạp, diện thi công hẹp, độ dốc tự nhiên lớn, nhiều chỗ gần như dốc dựng ngược, có lái xe Công ty Việt Bắc nhún vai thốt lên: hai bánh vẫn trên “cơ” nhưng đầu xe như trồi ra vực sông sâu thẳm hàng trăm thước. Việc đào, xây hố móng từ cao trình: 37,2m đến cao trình 632m, hoàn thiện mái taluy bằng khoan neo, cắm neo thép, phun bê tông, thoát nước. Mỗi cơ (bậc) taluy có đường ô tô vận chuyển hình chữ Z từ mặt sông lên, phải ngửa cổ lên ngắm ô tô chạy trên… đầu mình.

Bên bờ phải móng đập thành taluy thấp hơn, dốc 50-60 độ, đang đổ bê tông, giàn giáo, ống thép tua tủa lên trời, vài ba tầng trên mái taluy đã được phủ bê tông trông thật thích mắt. Rồi đây con đập chính chắn ngang dòng sông sẽ dài 225m, cao 120m tạo thành hồ chứa 1,7 tỷ mét khối nước, chạy hai tổ máy phát điện 220MW, hòa lưới điện quốc gia cung cấp cho các tỉnh địa đầu Tổ quốc và bán điện sang cả nước bạn Lào…

Trên tầng cao thủy điện Bản Chát, gần một trăm xe máy của Công ty Việt Bắc cuộn mình tỏa sức xuân: xe vận tải hạng nặng chở đất đá, toàn loại 20 tấn, 30 tấn, máy khoan thủy lực bánh xích, máy ủi, máy xúc đất, hối hả bạt, xúc vào sườn núi từ giáp mép sông Nậm Mu đến tầng cao hơn 400m. Máy xúc Hitachi 700, mỗi gầu xúc 3,5m3-3,8m3, máy xúc Hitachi 850 mỗi gầu xúc 4,5m3… đổ đầy lên những xe vận tải. Dãy núi Bản Chát bị bạt một mảng lớn làm hố móng vai trái. Cán bộ, chiến sĩ Việt Bắc đã đào, chuyển hơn 2,7 triệu mét khối đất đá, 3,7 triệu mét khối phải bóc chuyển ra bãi thải, còn 1 triệu mét khối phải xong trước 30-1-2008 để kịp ngày hội ngăn sông Nậm Mu đợt 1 vào đầu tháng 2-2008 để xây đập chính. Cán bộ kỹ thuật công trường có cái tên rất lính-Đào Trung Đoàn cho biết: Hơn 400 cán bộ, chiến sĩ Việt Bắc làm 3 ca, 4 kíp thông đêm. Lái xe, lái máy xúc chỉ nghỉ thay ca một giờ, nạp thêm xăng dầu, thay lái, ăn uống ngay trên công trường. Chiếc xe, máy nào hỏng có xưởng sửa chữa cơ động với 30 thợ của công ty xử lý. Để đẩy nhanh tiến độ thi công, Quân khu 1 còn tăng cường cho 24 tay lái bậc 2, bậc 3 lên phối hợp, hoàn thành công trình mới về. Các chiến sĩ Việt Bắc phải treo mình trên dây dùng khoan tay khoan lỗ đánh mìn trên các “cơ”, những chiếc máy khoan thủy lực bánh xích Fujukawa của Nhật (5 tỷ đồng/chiếc) hối hả khoan sâu vào núi 10m chuẩn bị cho nổ mìn buồng từ 5 tấn, 6 tấn, phá vỡ lượng đất đá 15.000m3-18.000m3.

Quy định an toàn khi đánh mìn phải cách 200m đối với thiết bị, cách 500m đối với con người. Do thi công trong địa hình dốc hẹp, có chỗ cách thiết bị xe, máy của Tổng công ty Trường Sơn và dây điện chỉ có 50m, đòi hỏi trí tuệ tập thể cán bộ, chiến sĩ phải đưa ra được phương án khoan lỗ phụ, khoan sâu, dùng cả mái che đỡ bằng nứa nhỏ đan, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, đường dây điện… Công ty Việt Bắc đã đánh hơn 20 tấn thuốc nổ an toàn tuyệt đối.

Nhà lán của đội xe, máy, sửa chữa, thi công nằm cách hiện trường 400-500m, Ban chỉ huy công trường cách hiện trường gần 2km, được xây dựng chắc chắn, mái lợp phi-brô xi măng. Kỹ sư Hoàng Mai Thắng, Chỉ huy phó công trường, phụ trách kỹ thuật, 30 tuổi, đang miệt mài cùng các kỹ sư chăm chú bên bảy, tám máy vi tính cập nhật các số liệu. Các kỹ sư: Nguyễn Văn Nhật, Nguyễn Xuân Diệu, Bùi Văn Dũng đang xem báo qua mạng từ máy tính xách tay. Phòng thí nghiệm hiện trường LAS 214 của Công ty Việt Bắc đặt trong phòng 25m2 được Bộ Xây dựng cấp phép, do Trưởng phòng Nguyễn Duy Cường và ba kỹ thuật viên trung cấp bận rộn với các thông số kỹ thuật: cường độ chịu lực đá dăm, đá hộc, xi măng, sắt thép trước khi đưa vào xây lắp. Các phòng có điện, bảng nội quy, có vô tuyến, điện thoại, di động sử dụng sóng Vinaphone, Viettel, nhà ăn tập thể, khu vệ sinh… khá ngăn nắp.

Qua trạm trộn nhựa asphal, các máy rải bê tông nhựa của Công ty đang chuẩn bị trải bê tông, asphal vào cầu Nậm Mu. Trao đổi với chúng tôi, Lò Văn Piền, dân tộc Thái cùng bảy, tám thợ đục, cưa xẻ cột nhà sàn, cho biết dân Bản Chát được đền bù di dời, mua xe máy, làm nhà mới, nhưng đất canh tác bị thu hẹp, phải mở thêm ruộng bậc thang, làm nương, chăn nuôi lợn, trâu bò… rất mong Nhà nước quan tâm giúp giống con, giống cây. Cán bộ, chiến sĩ Việt Bắc được bà con dân tộc Thái ở Mường Kim tận tình giúp đỡ. Được thành lập từ các đơn vị công binh sau chiến tranh, có lúc khó khăn tưởng như không vượt qua được do hậu quả của các đơn vị giải thể để lại. Với sự phấn đấu đầy nỗ lực, phát huy truyền thống, kỷ luật của Bộ đội Cụ Hồ trong xây dựng các công trình, Công ty Việt Bắc đã tăng trưởng trong cơ chế thị trường.

Mùa xuân đến sớm trên những nẻo về Bản Chát, cành đào chúm chím nụ, hoa mận, hoa mơ nở trắng rừng. Thấp thoáng các cô gái Thái phơi váy áo, khăn piêu rực rỡ tôn sức xuân các chiến sĩ Việt Bắc chạy đua với thời gian cho lấp sông, làm ra điện trên miền rẻo cao địa đầu Tổ quốc.

Theo QĐND