Sự kiện

Những người thợ chinh phục thượng nguồn sông Đà

Thứ tư, 23/1/2008 | 10:32 GMT+7

Những ngày đầu năm mới Mậu Tý 2008, thời tiết ở thung lũng Ít Ong lạnh buốt, nhiệt độ có lúc xuống 6 - 8 độ C. Cả một khúc sông dài phủ dày lớp sương mù gần như đặc quánh vào buổi sáng, nhưng dưới cái hố móng công trình nằm giữa lòng sông, những người thợ xây dựng thuỷ điện Sơn La vẫn mải mê dựng lên những dàn sắt thép như những cái vỉ khổng lồ chồng chéo nhau, lớp lớp đặt vào hố móng công trình phần đáy đập. Giai đoạn khởi đầu chiến dịch đổ bê tông đầm lăn (RCC) đã chính thức tiến hành từ ngày 11/1.

Ông Vũ Đức Thìn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trưởng ban Quản lý Dự án xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Sơn La cho biết: yêu cầu của bê tông đầm lăn so với yêu cầu bê tông thường thì giống như nhau về cường độ kháng nén, về mức độ chống thấm. Nếu đổ bê tông bình thường thì dù có dùng công nghệ tiên tiến của thế giới cũng chỉ lên cao được khoảng 6 m/tháng khi đổ bê tông đập, nhưng với công nghệ RCC thì có thể đổ cao được từ 20 đến 22 m/tháng. Việc này làm đẩy nhanh tiến độ thi công của công trình. Tuy nhiên, theo dự kiến, một số hạng mục như phần cửa lấy nước Nhà máy, phần đập tràn và phần Nhà máy vẫn đổ bê tông theo công nghệ truyền thống, còn toàn bộ đập công trình sẽ đổ bê tông bằng công nghệ mới RCC. Từ nay đến Tết Mậu Tý, các đơn vị sẽ phải đổ 100.000m3 bê tông RCC vào đập chính.

Cơ sở sản xuất tro bay làm phụ gia cho RCC tại Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại (tỉnh Hải Dương) khoảng 400.000 tấn, trong đó cơ sở sản xuất của EVN có công suất 100.000 tấn/năm, dự kiến tháng 1/2008 sản xuất 3.000 tấn tro khô. Hai cơ sở sản xuất tro bay là Sông Đà – Cao Cường và Bắc Sơn đảm nhiệm cung cấp khối lượng 16.000 tấn/tháng ngay từ đầu năm 2008. Ngoài ra EVN còn ký hợp đồng với các nhà thầu khác để cung cấp tro bay cho vật liệu công trình bắt đầu thi công bê tông đầm lăn của nhà máy. Tổng Công ty Sông Đà đã lắp đặt an toàn dây chuyền trộn, đổ, hệ thống băng tải, các thiết bị đầm bê tông, trị giá của gói thầu này khoảng 20 triệu USD.

                  

                               Đổ lớp bê tông đầm lăn - TĐ Sơn La

Trên công trường thuỷ điện Sơn La hiện có khoảng trên 6.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang làm việc thuộc 4 nhà thầu chính là: Tổng công ty Sông Đà (Tổng thầu) đảm nhiệm xây dựng đập không tràn và đang thi công hố móng đập chính của nhà máy, Tổng công ty Licogi đảm nhận xây dựng công trình xả tràn và đập vai phải, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn đảm nhiệm thi công phần đập dốc nước của công trình xả, Tổng công ty Lilama đảm nhiệm công tác lắp máy và các thiết bị phụ trợ của nhà máy. Phần thiết kế kỹ thuật toàn bộ công trình và thiết kế bản vẽ thi công do Công ty Tư vấn xây dựng điện I liên danh với Viện Thiết kế thuỷ công Maxcơva thực hiện, tư vấn trong nước làm tư vấn chính. Công tác giám sát thi công, quản lý chất lượng công trình được đặt lên hàng đầu. Chủ đầu tư hợp đồng với liên danh SME-Nippon Koei-J Power, thuê chuyên gia nước ngoài giám sát toàn bộ khâu đổ bê tông đầm lăn đập chính, giám sát tuyến năng lượng (cửa lấy nước, Nhà máy thuỷ điện), trợ giúp Ban quản lý dự án giám sát thi công tràn xả lũ và phần thi công đập vai phải công trình.

Trong 5,2 triệu m3 bê tông cần cho công trình đập chính được chia làm 2 loại, gồm 2 triệu m3 bê tông thường, 3,2 triệu m3 bê tông đầm lăn. Như vậy còn hơn 3 năm nữa, toàn bộ công trình phải đổ 5,2 triệu m3 bê tông, nay mới đổ trên 300.000 m3 bê tông, khối lượng còn lại gần 4,9 triệu m3 bê tông nữa phải thực hiện từ nay đến cuối 2010, kịp tiến độ đảm bảo đóng cống, chính thức tích nước vào hồ chứa, phục vụ phát điện tổ máy số 1 sớm hơn. Công việc đòi hỏi có sự nỗ lực, thi đua lao động sản xuất sáng tạo, chạy đua với thời gian. Với tiến trình xây dựng như vậy, các đơn vị xây dựng phải đảm bảo đổ 1,5 đến 1,6 triệu m3 bê tông/năm. Muốn đạt mục tiêu đó, mỗi tháng phải đổ từ 4.000 đến 4.600m3 bê tông mỗi ngày, đó là chưa kể thời gian bị gían đoạn, do mưa lũ.

Giờ đây, công trình đập thuỷ điện được xây dựng tại Pá Vinh II, nơi có con suối Pá Vinh chảy từ Mường Khiêng về hợp lưu với sông Đà. Lịch sử của dân tộc Thái kể rằng: xa xưa, vùng này chính là điểm giao tranh khốc liệt giữa đội quân của tộc trưởng Tạo Ngần từ Mường Lò (Nghĩa lộ - Yên Bái ngày nay) kéo lên chiếm đất của các tộc trưởng vùng Mường Muổi (huyện Thuận Châu-Sơn La) nhằm mở mang lãnh địa. Trận giao chiến giữa đôi bên diễn ra trên bờ sông, dưới mặt nước, giằng co nhau, kéo dài từ mùa trăng non này đến mùa trăng non khác mà chưa phân thắng bại. Chiến mã, voi trận, giáo mác của họ rơi xuống sông vô kể, nên vùng đất này người dân địa phương quen gọi là Đa Binh (nơi bày binh bố trận). Mưa nguồn, gió núi thất thường, thời tiết khắc nghiệt, nhưng những người thợ xây dựng hôm nay vẫn vững vàng vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, đảm bảo thi công các hạng mục công trình, phấn đấu ngăn sông Đà đợt 2 (lấp kênh dẫn dòng) vào tháng 1/2009, nút cống dẫn dòng (tích nước hồ chứa) vào quý III/2010, phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12/2010

Thợ máy Vũ Minh Chí (51 tuổi) ở Công ty Sông Đà 9.8 quê ở Triệu Sơn, Thanh Hoá từng tham gia xây dựng nhiều công trình lớn của đất nước như Thuỷ điện Hoà Bình, Sông Hinh, Yaly, đường Trường Sơn, thuỷ điện Cần Đơn, Na Hang, tâm sự: “Tôi đã có 13 năm ăn Tết tại công trường. Bây giờ công trình thuỷ điện Sơn La đang vào mùa chiến dịch thi công đổ bê tông, Tết Mậu Tý anh em công nhân không nghỉ, mà thức với công trường để làm việc cho ngày mai, cho thuỷ điện Sơn La sớm phát điện”. Một năm khởi đầu từ mùa xuân, hoa đào, hoa mận, hoa ban Tây Bắc chúm chím. Mùa xuân thứ 3 lại về trên công trường thuỷ điện Sơn La với bộn bề công việc./.

Mai Phương