Sự kiện

Vững vàng Lưới điện Việt Nam

Thứ năm, 29/11/2007 | 11:09 GMT+7

Hiện tại, hệ thống lưới điện truyền tải, phân phối của EVN đã tỏa khắp mọi miền đất nước, góp phần đảm bảo phục vụ ánh sáng, sinh hoạt cho nhân dân từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa cùng các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ an ninh quốc phòng... - Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện lực, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã khẳng định như vậy. Tuy nhiên, trong việc xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống lưới điện vẫn còn những vấn đề đáng quan tâm.

PV: Xin ông cho biết khái quát về sự phát triển của hệ thống lưới điện Việt Nam?

Ông Đậu Đức Khởi: Trong những năm qua, hệ thống nguồn của chúng ta đã đạt đến 12.000 MW, tăng rất nhanh so với thời gian trước đây. Chính vì vậy, lưới điện cũng phát triển đồng bộ để đấu nối và truyền tải công suất. Đặc biệt là những năm gần đây, một số đường dây quan trọng đã được thi công như  ĐZ 500 kV mạch 1, mạch 2 để chuyển tải điện từ miền Nam ra miền Bắc, giúp cho miền Bắc không thiếu điện vào mùa khô, khi các nhà máy thủy điện thiếu nước. Điều quan trọng nữa là trong tương lai, ĐZ 500 kV mạch 1, mạch 2 sẽ chuyển điện từ miền Bắc vào miền Nam khi Thủy điện Sơn La và các công trình nguồn khác đã và đang xây dựng tại miền Bắc được đưa vào vận hành. Sắp tới, chúng ta sẽ thi công một số đường dây 220 kV tạo thành một trục lớn khép kín 2 mạch từ Bắc vào Nam như Đồng Hới- Huế- Đà Nẵng- Dốc Sỏi; Dốc Sỏi - Quảng Ngãi - Tuy Hòa - Nha Trang…Miền Bắc thì nối lưới Trung Quốc - Lào Cai- Hà Giang - Vĩnh Phúc -Thái Nguyên… Đồng thời xây dựng các đường dây 500 kV Thường Tín - Quảng Ninh, Sơn La - Hòa Bình, Nho Quan - Quảng Ninh - Mông Dương. Hiện nay, trong hệ thống lưới điện, chúng ta đã có hàng chục trạm biến áp  500 kV và hàng trăm trạm 110 kV, 220 kV với hệ thống truyền tải rộng lớn, chất lượng cao.

PV: Khả năng phát triển lưới điện trong những năm tới ra sao, thưa ông?

Ông Đậu Đức Khởi: Hiện tại, EVN đang thực hiện Tổng sơ đồ 6 (Quy hoạch điện VI) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với QH điện VI, đây là một khối lượng công việc khổng lồ mà chúng ta phải làm trong thời gian ngắn, bằng cả 3- 4 chục năm qua cộng lại. Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải đầu tư khoảng 600 ngàn tỷ đồng cho việc xây dựng hệ thống điện Việt Nam. Chỉ riêng về lưới đã phải đầu tư trên 300 ngàn tỷ đồng. Đó là chưa kể đến các doanh nghiệp ngoài EVN tham gia đầu tư. Đây là một việc rất lớn, đòi hỏi tất cả mọi người đều phải cùng nhau xắn tay vào làm việc với trách nhiệm cao thì mới đạt được hiệu quả. Bởi vì chúng ta sẽ có các trung tâm điện lực, mà mỗi trung tâm đều có công suất khoảng 4000 MW. Vì vậy hệ thống truyền tải cũng phải được xây dựng tương ứng với công suất ấy.

PV: Những kinh nghiệm trong quản lý, vận hành của EVN đối với hệ thống lưới điện như thế nào?

Ông Đậu Đức Khởi: Tôi có may mắn được làm Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1, quản lý lưới 220 kV và 500 kV trong gần 10 năm và có mấy chục năm làm nghề xây lắp điện. Tôi hài lòng với lực lượng làm công tác truyền tải và xây lắp điện hiện nay. Với công nghệ truyền tải điện ngang tầm trong khu vực, kỹ thuật điều khiển từ xa, hệ thống đóng ngắt tự động… được đổi mới trong thời gian ngắn đã giúp cho công tác quản lý, vận hành hệ thống lưới điện Việt Nam ngày càng được chính xác, an toàn. Tuy nhiên, so với một số nước tiên tiến thì chung ta còn phải đầu tư và học tập họ nhiều, nhất là về phần mỹ thuật công nghiệp trong xây lắp điện. Hơn nữa, để công tác quản lý, vận hành lưới điện tốt, chúng ta cần có đội ngũ cán bộ giỏi, kỹ sư, công nhân lành nghề. Được như vậy thì biên chế sẽ giảm, nhưng năng suất sẽ cao và thu nhập của người lao động cũng sẽ tăng đáng kể, đúng với sức lao động của họ.

             

PV: Những vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng được EVN giải quyết như thế nào trong khi xây dựng các công trình lưới điện?

Ông Đậu Đức Khởi:  Đây là vấn đề lớn, nhạy cảm. Trong hàng chục năm qua, các công trình truyền tải điện đều do chúng ta đầu tư, xây dựng, không có nguồn vốn nào của nước ngoài đầu tư. Vấn đề về thủ tục đầu tư thì không cần bàn nhiều vì ta thực hiện theo cơ chế và các quy định của Chính phủ. Riêng về giải phóng mặt bằng cho xây dựng công trình thì luôn là vấn đề nan giải. Không chỉ ngành Điện bức xúc mà nhiều ban ngành cũng vậy, nhất là về giá cả và cách quản lý đất đai của mỗi địa phương lại mỗi khác. Hành lang lưới điện đi qua nhà dân nên một số nơi họ gây phiền nhiễu không ít. Vấn đề là ở cách giải quyết của Hội đồng đền bù của địa phương, nơi nào thực hiện tốt công tác đền bù thì việc giải phóng mặt bằng được nhanh chóng, còn địa phương nào làm không tốt thì gây ảnh hưởng chậm tiến độ xây dựng công trình. Bên cạnh đó, những vướng mắc về giá cả và một số khâu trong công tác quản lý đất đai chưa phù hợp với từng địa phương cũng đã dẫn đến những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng xây dựng công trình. Về vấn đề này, EVN chỉ thực hiện việc chi trả đền bù giải phóng mặt bằng thông qua Hội đồng đền bù của địa phương, đóng góp ý kiến với họ những khi cần thiết để tạo cho việc giải phóng mặt bằng được nhanh chóng.

PV: Số lượng trạm và đường dây phát triển nhanh đã đặt ra cho EVN những vấn đề gì, thưa ông?

Ông Đậu Đức Khởi:  EVN tiếp tục đề nghị Chính phủ để tháo gỡ cơ chế. Ngành Điện không thể mua điện giá cao, bán giá thấp. Chính vì vậy, phải tách công ích với kinh doanh ra rành mạch. Giá điện sẽ do cung cầu quyết định. Việc đảm bảo cho đối tượng chính sách thì có chế độ trợ giá theo hóa đơn, theo tính toán và quy định của Chính Phủ. Việc này cần thực hiện động mới đạt kết quả và như vậy thì EVN mới tạo được vốn tự có để phát triển điện lực. Số lượng trạm và đường dây phát triển nhanh thì chúng ta phải cần nhiều vốn. Nếu EVN cứ đi vay mãi để đầu tư vào hệ thống lưới điện, trong khi lại phải bù lỗ giá bán điện để làm tốt về công ích thì đó là điều bất cập đối với một đơn vị sản xuất, kinh doanh như Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đồng thời, vấn đề nhân lực, công tác quản lý, vận hành cũng cần được quan tâm đầu tư hơn nữa về mọi mặt thì mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác truyền tải là cung cấp điện ổn định, an toàn cho đất nước. 

Bảo Ngọc