Sự kiện

Giọt mồ hôi trong mùa mưa lũ

Thứ hai, 3/12/2007 | 10:11 GMT+7

Được tin có đoàn công tác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty Truyền tải điện 2 do Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh dẫn đầu đi thực địa đường dây 500kV trên đèo Hải Vân sau mùa lũ vừa qua. Tôi cũng mua vội một đùm xôi, chuẩn bị máy móc để kịp đi cùng với đoàn.

                   

Đ/c Nguyễn Hà Đông – Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 báo cáo với đ/c Phạm Lê Thanh- Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam về tình hình khắc phục  hậu quả do mua lũ .

Qua cửa thu phí hầm Hải Vân, trước khi khởi hành lên đường anh Trần Dương Nghĩa – Trưởng Truyền tải điện Thừa Thiên Huế đã phát cho mỗi người một cây gậy tre đồng thời nhắc cả đoàn cùng kiểm tra tư trang, máy móc. Bởi trước mặt để đi đến nơi cần thiết phải đi bộ đường đèo dốc hơn 16km, 7 giờ sáng cả đoàn bắt đầu khởi hành. Trên con đường công vụ chúng tôi đi không còn đã được san ủi lót đá nữa, thay vào đó những đường đã bị xói lở sâu đến hơn 2m, có đoạn dòng vẫn đang chảy trực tiếp trên mặt đường. Với con đường như vậy tôi thầm nghĩ xe tăng cũng không thể đi được huống gì ô tô. Hơn 1giờ sau cả đoàn mới đến được chốt bảo vệ đường dây C42. Ở đây chúng tôi gặp hơn 100 công nhân, kẻ gùi rọ đá, người mang cáp tời, tăng đơ …. Họ đang đi tuyến để khắc khục sạt lở đường dây sau mưa lũ. Sau mươi phút dừng chân, hòa cùng tốp công nhân Công ty Truyền tải điện 2 chúng tôi tiếp tục lên đường.

 Qua lời kể của anh em công nhân, chúng tôi được biết trong những ngày qua, do ảnh hưởng ảnh hưởng của tàn dư bão số 6 kết hợp với gió đông hoạt động mạnh trên địa bàn miền Trung đã xảy ra đợt lũ lụt lớn chưa từng có trong hàng chục năm nay ( Cao và mạnh hơn cả đỉnh lũ năm 1999). Ngay sau khi cơn lũ lớn nói trên vừa dứt Công ty Truyền tải điện 2 đồng loạt ra quân tiến hành kiểm tra tình hình vận hành của lưới điện truyền tải, nhất là đường dây 500kV mạch 1 và 2. Qua kiểm tra Truyền tải điện Quảng Nam - Đà Nẵng và Truyền tải điện Thừa Thiên - Huế đã phát hiện một số vị trí bị sạt lở. Đặc biệt vị trí 0603 đường dây 500 mạch 2 trên bắc đỉnh đèo Hải Vân bị vỡ kè, sạt lở nặng. Trên 100m­3 đất đắp trong lòng móng cột đã bị trôi về phía taluy âm bên phải tuyến làm lòi hẳn đế móng ra khỏi mặt đất gây mất an toàn cho vị trí này.  Qua sự cố do thiên tai gây ra lần này làm chúng tôi nhớ lại mùa lũ năm 1999, cũng tại phía bắc đỉnh đỉnh đèo Hải Vân vị trí 371 đường dây 110kV Đà Nẵng – Huế cũng đã bị mưa lũ làm sạt lở và lòi cả 1 đế móng cột, đường quốc lộ 1 A cũng bị sạt gây ách tắc giao thông.

              

 

Công nhân công ty truyền tải điện 2 vượt suối để đi kiểm tra xử lý sự cố.

Gần được nửa đường một con suối dù nhỏ nhưng rất sâu và chảy xiết, một số công nhân phải đi bọc lên phía trên để vượt suối sau đó dùng dây thừng neo lại để cả đoàn cùng vượt con suối, chỉ cẩn xẩy chân đi không đúng chỗ sẽ bị dòng nước cuốn đi. Cả đoàn dừng chân tại chốt bảo vệ đường dây C41, tại đây anh Trần Văn Tuấn – Đội trưởng Đội truyền tải điện Đà Nẵng cho biết: Theo sự phân cấp của Công ty Truyền tải điện 2, đường dây 500kV Đà Nẵng – Đèo Ngang mạch 1 , 2 và đường dây 220kV Đà Nẵng – Huế vượt qua Đèo Hải Vân dài hơn 20km. Từ đỉnh đèo Hải Vân trở vào do Truyền tải điện Quảng Nam - Đà Nẵng quản lý và từ đỉnh đèo Hải Vân trở ra do Truyền tải điện Thừa Thiên - Huế quản lý. Đối với cung đoạn này để kiểm tra tuyến, chỉ có một con đường độc đạo, do vậy để kiểm tra tuyến trên đèo, thông thường các đơn vị rải quân phía nam đèo thì đón ở bắc đèo và ngược lại. Hiện nay phía bắc đèo Hải Vân có một con suối lớn không thể vượt qua được nên phải đi từ nam đèo và phải quay trở lại con đường này. Anh Trần Ngọc Tâm - Đội trưởng Đội truyền tải điện Phú Lộc cho biết thêm: Ngay sau khi đơn vị báo cáo tình hình đ/c Đàm Quang Vinh – Phó giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 cùng các phòng tham mưu đã  kịp thời đến hiện trường để trực tiếp chỉ huy khắc phục và tham gia xử lý sự cố. Giải pháp khắc phục được thực hiện  ngay đó là  xử lý đó là khơi tạo rãnh mương thoát nước mới không để cho dòng nước chảy vào chân cột, dùng bạt che chắn toàn bộ khu vực móng sạt lở không cho nước mưa rơi trực tiếp vào khu vực sạt lở của móng cột. Sử dụng dây cáp lớn neo giằng liên kết 4 chân cột kết hợp néo 2 phía ngang tuyến đường dây. Khi cần thì tiến hành tháo ê cu bu lông chân cột nhằm tạo sự ổn định và cân bằng cho vị trí này cột. Để đẩy nhanh tiến độ ngoài lực lượng hiện có của Đội Truyền tải điện Phú Lộc.  Công ty đã  huy động toàn bộ nhân lực của Đội Truyền tải điện Huế và Đội Truyền tải điện Đà Nẵng tăng cường công tác xử lý.

Qua trao đổi, Kỹ sư Nguyễn Hà Đông – Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 cho biết : Đây là một vị trí nằm gần đỉnh đèo có độ dốc rất lớn, nếu không kịp thời sử lý ngay sự cố này và trong thời gian đến nếu như mưa lũ  tiếp tục diễn ra thì rất nguy hiểm cho đường dây 500kV mạch 1, 2 và cả đường dây 220kV trên đèo Hải Vân. Do khu vực này độ dốc lớn nên khả năng trôi trượt rất cao. Hiện tại đường công vụ để vào tuyến đã bị hư hỏng hoàn toàn do mưa lũ, không có phương tiện nào có thể đi được, mọi việc vận chuyển đều phải đi bộ. Trong  khi đó từ điểm thuận lợi nhất ở chân đèo Hải Vân đến vị trí 0603 dài trên 16 km. Thời gian đi bộ phải mất từ 4 – 5 tiếng, nếu như phải vận chuyển khiêng bộ các vật tư, thiết bị để sửa chữa thì sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa. Đối với vị trí này do độ dốc lớn, để công tác quản lý vận hành lâu dài cần phải xây  kè vĩnh cửu theo dạng giật cấp từ dưới vị trí 1650 ĐZ 500kV mạch 1 lên. Bảo vệ an toàn cho đường dây 500kV mạch 2 cũng chính là bảo vệ cho cả đường dây 500kV mạch 1 và đường dây 220kV Đà Nẵng – Huế qua cung đoạn đèo Hải Vân.

                

 

đ/c Phạm Lê Thanh- Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam tặng quà cho công nhân Công ty Truyền tải điện 2 đang tham gia khắc phục sự cố.

Quá buổi trưa cả đoàn cũng đến được vị trí 0603 đường dây 500kV mạch 2 , sau khi kiểm tra chi tiết, từng điểm, từng chổ, cùng nhau thảo luận. Tại hiện trường Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Phạm Lê Thanh đã có ý kiến chỉ đạo khi có thiết kế của các Công ty tư vấn xây dựng điện 2,3  cho phép Công ty Truyền tải điện 2 khẩn trương để sửa chữa nhanh đường công vụ và xây lại kè móng mới cho vị trí 0603 để đảm bảo cấp điện. Trong thời gian này khi mà điều kiện thời tiết đã và đang diễn ra rất phức tạp Công ty Truyền tải điện 2 cần tổ chức và tăng cường công tác kiểm tra tất cả các đườngdây. Mọi khó khăn cần hỗ trợ thì báo cáo với Tập đoàn. Nghe “sếp” quyết định cho sửa đường ngay để thuận lợi trong công tác quản lý vận hành hệ thống lưới điện truyền tải trên đèo Hải Vân, anh em công nhân nghe vậy ai cũng mừng,  vì đường xá đèo dốc, đi lại quá xa thế này thì việc kiểm tra sửa chữa đường dây mất rất nhiều thời gian và công sức. Thế rồi việc ai nấy làm và công việc rồi cũng thống nhất, chúng tôi chia tay anh em phải ở lại tiếp tục công việc của mình tại vị trí 0603 và tiếp tục cuộc hành trình đi bộ để xuống núi.  Đi bộ tưởng chừng đơn giản thế nhưng có đi thực tế trên tuyến đường dây mới thấu hiểu bao nỗi nhọc nhằn vất vả. Chỉ từng ấy thôi để chúng ta cùng hình dung bao khó khăn vất vả của những người thợ truyền tải điện đang phải nỗ lực ngày đêm tham gia phòng chống lụt bão, sửa chữa đường dây nhằm thông suốt tuyến huyết mạch của Quốc gia. 5 giờ chiều cả đoàn đã xuống đến chân đèo, riêng tôi khi về đến nhà đã không tin được rằng hôm nay mình đã đi hơn 30km đường đèo, toàn bộ đôi chân rã rời. Chỉ một lần đi của tôi không thấm gì so với công sức của những người thợ truyền tải điện hằng ngày đang phải leo rừng lội suối mang vác vật tư thiết bị ngày đêm chăm lo cho sự an toàn của đường dây tải điện. Trong cơn mưa lũ những giọt mồ hôi của những người công nhân truyền tải điện vẫn không ngừng chảy. Thật đáng trân trọng biết nhường nào, sau mỗi lần như vậy, tôi biết họ đang rất mệt nhưng vẫn toát lên những nụ cười mãn nguyện vì họ không chỉ đang làm công việc của mình mà còn góp phần cho sự phát triển phồn vinh của đất nước. 

Nguyễn Quang Thắng- CTTTĐ2