Sự kiện

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng kiểm tra tiến độ dự án công trình Thủy điện Sơn La và làm việc với hai tỉnh Sơn La, Phú Thọ: 3 ngày và 365 ngày

Thứ năm, 8/11/2007 | 00:00 GMT+7

Trong 3 ngày từ 20 tới 22/10/2007 Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã đi kiểm tra tiến độ dự án công trình Thủy điện Sơn La và làm việc với hai tỉnh Sơn La, Phú Thọ. Cùng đi với Bộ trưởng có các lãnh đạo của Văn phòng Bộ, Vụ Năng lượng Dầu khí, Vụ Kế hoạch, Cục Công nghiệp địa phương, Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Thủy điện Sơn La.

             

Ngày thứ nhất: Lên miền Tây Bắc

8h sáng ngày thứ bảy 20/10/2007 đoàn Công tác khởi hành từ Hà Nội. Do ảnh hưởng của đợt lũ quét mới xảy ra, nhiều đoạn trên quốc lộ 6 bị hỏng nặng. Có những đoạn, đoàn phải đợi công nhân giao thông nổ mìn, dẹp đất đá mới đi được. Mãi tới hơn 3h chiều đoàn công tác của Bộ Công Thương mới tới được Sơn La. Với tinh thần khẩn thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị lãnh đạo tỉnh Sơn La được vào việc ngay.

Sơn La là tỉnh miền núi cao, nằm ở Tây Bắc nước ta. Từ năm 2004 khi công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La được xây dựng, kinh tế Sơn La đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là về hạ tầng cơ sở. Tuy vậy cho tới nay Sơn La vẫn là tỉnh nghèo. Sơn La hiện là 1 trong 12 tỉnh có giá trị công nghiệp đạt dưới 1.000 tỷ đồng/năm. Thương mại dịch vụ kém phát triển. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Toa cho biết, năm 2007, về công nghiệp, Sơn La phấn đấu đạt giá trị sản xuất khoảng 835 tỷ đồng, về thương mại xây dựng Sơn La trở thành đầu mối trung chuyển và giao lưu hàng hoá, dịch vụ của vùng Tây Bắc, mở rộng thị trường xuất khẩu. Từng bước hình thành và phát triển kinh tế cửa khẩu biên giới...

Để hoàn thành mục tiêu trên, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Toa đề nghị Bộ Công Thương giúp đỡ tỉnh một số vấn đề về: Lưới điện hạ thế nông thôn, khai thác và chế biến khoáng sản, phát triển lưới điện đồng bộ với phát triển các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ..

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các vụ chức năng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đánh giá cao những thành tựu mà Sơn La đạt được trong thời gian qua. Bộ trưởng nhất trí cao với định hướng phát triển của Sơn La trong giai đoạn tới. Bộ trưởng cho rằng, việc tỉnh Sơn La và Bộ Công Thương ngồi với nhau, phát hiện và thống nhất những lợi thế của tỉnh là rất quan trọng. Về những đề nghị của tỉnh, Bộ trưởng đã có ý kiến cụ thể cho từng vấn đề.

Thứ nhất, về việc UBND tỉnh Sơn La đề nghị Bộ Công Thương xem xét hỗ trợ tỉnh Sơn La xây dựng ''Chương trình cấp điện cho các hộ, bản nông thôn tỉnh Sơn La'', Bộ Công Thương sẵn sàng hỗ trợ. Ngay tại Hội nghị, Bộ trưởng đã giao nhiệm vụ cho các vụ chức năng của Bộ sẽ làm việc trực tiếp với tỉnh.

Thứ hai, UBND tỉnh đề nghị Bộ xem xét, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm xây dựng phương án đấu nối các cụm thuỷ điện vừa và nhỏ đảm bảo phát huy tiềm năng thủy văn và hiệu quả các nhà máy điện đã đầu tư. Về vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng, thời gian qua có một thực tế là tại một số địa phương, việc thực hiện quy hoạch không khớp với nội dung của Quy hoạch đã được phê duyệt. Bộ trưởng cho rằng, quy hoạch của chúng ta là quy hoạch mở, luôn có xem xét bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, chúng ta không nên thay đổi bản chất của quy hoạch.

Thứ ba, Bộ trường nhất trí với đề nghị của Sơn La về việc có ý kiến với Chính phủ xem xét tạo điều kiện hỗ trợ vốn đầu tư các công trình ngoài hàng rào khu công nghiệp Mai Sơn như: đường giao thông, cấp điện, cấp nước... để giúp tỉnh Sơn La nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư vào khu công nghiệp. Về việc xây dựng khu - cụm nghiệp Mộc Châu (diện tích khoảng 50 ha) phục vụ phát triển nghề cho nhân dân các khu điểm tái định cư Thủy điện Sơn La, Bộ trưởng đề nghị tỉnh sớm hoàn thành dự án. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ.

Thứ tư, Bộ trưởng rất mong Sơn La thu hút nhà đầu tư triển khai dự án điện gió Mộc Châu, tạo thêm nguồn điện và tạo điều kiện phát triển khu du lịch Mộc Châu. Vì đây là nguồn năng lượng mới cần được ưu tiên phát triển.

Thứ năm, với tư cách là thành viên Chính phủ, khi được tham gia góp ý kiến, Bộ trưởng sẽ có ý kiến tích cực về việc đầu tư một số tuyến đường giao thông để Sơn La sớm trở thành đầu mối trung chuyền và giao lưu hàng hoá, dịch vụ của vùng Tây Bắc và trở thành một trung tâm du lịch trong hành trình -du lịch Hà Nội - Sơn La – Điện Biên. Tại cuộc họp Bộ trưởng cũng đề nghị Sơn La quan tâm tới công tác quy hoạch, xúc tiến đầu tư và xây dựng hạ tầng thương mại.

Trong dịp này, Bộ trưởng đã thay mặt cán bộ công nhân viên ngành Công  Thương trao tặng đồng bào Sơn La bị thiệt hại trong cơn lũ quét vừa qua 50 triệu đồng. Hơn 7h tối cuộc họp mới kết thúc, Sơn La về khuya trời se lạnh nhưng mọi người ai cũng thấy ấm áp và vui vẻ, vì một ngày làm việc tất bật nhưng thành công. Nhất là khi một đồng chí lãnh đạo tỉnh Sơn La tâm sự : ''Cảm ơn các đồng chí vì đã ủng hộ và giúp đỡ Sơn La. Đúng là anh em trên một chiến hào".

Ngày thứ hai – Đến với công trình thế kỷ

                    

Sáng ngày 21-10 đoàn rời thị xã Sơn La để vào Mường La - địa danh có công trình Thuỷ điện Sơn La. Tuy cách thị xã chỉ khoảng 40 km, nhưng đường vào Mường La tương đối khó đi vì có nhiều đoạn cua tay áo. Mãi 8 giờ đoàn mới tới được công trường. Sau khi thăm hỏi động viên các kỹ sư, công nhân làm việc tại công trường. Bộ trường đã có buổi làm việc với Ban quản lý dự án và các nhà thầu đang tham gia thi công trên công trình.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trưởng ban Quản lý dự án công trình Nhà máy Thuỷ Điện Sơn La ông Vũ Đức Thìn và ông Dương Khánh Toàn Tổng Giám đốc Tcty Sông Đà - Tổng thu xây dựng đã báo cáo với Bộ trưởng và đoàn công tác tiến độ thực hiện dự án.

Năm 2007 là năm bản lề thực hiện công tác xây dựng công trình Thuỷ điện Sơn La, cũng là năm tập trung cho công tác đấu thầu mua sắm vật tư thiết bị cho dự án này. Theo báo cáo của Ban quản lý, việc thực hiện dự án vẫn đang bám theo tổng tiến độ đã được Thủ tướng phê duyệt (cuối năm 2010 phát điện tổ máy số 1). Mặc dầu cho tới nay còn một số hạng mục bị chậm. Cụ thể công tác xây lắp chưa đạt được kế hoạch tiến độ năm 2007. Nguyên nhân công tác thi công bê tông được bắt đầu từ năm 2007 nên thiết bị máy móc chưa được chuẩn bị đầy đủ và đồng bộ, nhân lực lành nghề còn thiếu. Công tác thiết kế còn hiệu chỉnh nhiều cũng ảnh hưởng tới khối lượng thực hiện.

Để đảm bảo tiến độ, Ban quản lý dự án và các nhà thầu đã nhất trí các giải pháp chính là tập  trung nhân lực, thiết bị đẩy mạnh công tác đổ bêtông vào các tháng còn lại trong năm. Điều chuyển nhiệm vụ thi công giữa các đơn vị nếu thấy không đủ năng lực. Đẩy mạnh công tác nghiệm thu, thanh toán khối lượng thi công đã hoàn thành, giải quyết về vốn để tạo điều kiện cho các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đánh giá cao sự phối hợp nhịp nhàng của chủ đầu tư và các nhà thầu trong quá trình thực hiện dự án. Bộ trưởng bày tỏ sự phấn khởi vì tiến độ của dự án có thể đảm bảo: Đáng mừng là về chi tiết có một số hạng mục chậm, nhưng chúng ta kiểm soát được tiến độ, thấy được hướng giải quyết để khắc phục sự chậm trễ này.

Bộ trưởng cũng yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu phải đẩy nhanh tiến độ bám sát mục tiêu năm 2010 phát điện tổ máy số 1. Trong quá trình thi công có vấn đề gì vướng mắc khó khăn cần nêu ngay để có phương án giải quyết.

Với tinh thần này, các kiến nghị của Ban quản lý dự án và các nhà thầu đã được Bộ trưởng cho ý kiến giải quyết ngay tại hiện trường. Kết thúc buổi làm việc, một lần nữa Bộ trưởng yêu cầu Ban Quản lý dự án và các nhà thầu đảm bảo tiến độ nhưng phải tuyệt đối tuân thủ công tác an toàn tao động và chất lượng công trình.

Chiều 21/10, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tới thăm và làm việc tại Sở Công nghiệp và Sở Thương mại Sơn La. Sau khi nghe lãnh đạo 2 cơ sở báo cáo về tình hình hoạt động, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đánh giá cao những nỗ lực mà ngành Công nghiệp  và Thương mại Sơn La đã đạt được trong thời gian qua. Bộ trưởng nhấn mạnh: Năm 2008 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm (2006-2010), vì vậy Công nghiệp - Thương mại Sơn La cần cố gắng vượt bậc để đạt được mục tiêu đã đặt ra. Bộ trưởng mong muốn quan hệ hợp tác giữa Sở Công nghiệp và Thương mại Sơn La với các đơn vị của Bộ sẽ chặt chẽ hơn để hoàn thành mục tiêu phát triển. Tối ngày 21/10, vượt 200 km đường đồi núi, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã về tới đất Tổ Phú Thọ kết thúc ngày công tác thứ 2 với tâm trạng khá nhẹ nhàng. Bởi so với nhiều công trình trọng điểm khác, dự án Thuỷ điện Sơn La về cơ bản là đảm bảo tiến độ, bám sát mục tiêu cuối năm 2010 sẽ phát điện tổ máy số 1, về trước Nghị quyết của quốc hội 2 năm.

Về đất Tổ Hùng Vương

Sáng ngày 21/10, đoàn công tác đã có buổi làm việc với Sở Công nghiệp và Thương mại Phú Thọ. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng biểu dương những thành tựu mà hai Sở đã đạt được trong thời gian qua. Về công tác sắp xếp tổ chức, Bộ trưởng lưu ý việc hợp nhất hai Sở Công nghiệp và Thương mại trong thời gian tới sẽ phải giải quyết một loạt vấn đề về bộ máy và tổ chức. Bộ trưởng đề nghị các vụ chức năng cần tổng hợp ý kiến của hai Sở để có sự thống nhất giữa trung ương và địa phương. Bộ trưởng hy vọng, tới đây Sở Công Thương Phú Thọ sẽ phát huy được thế mạnh của hai Sở Công nghiệp và Thương mại ở cấp số nhân chứ không chỉ là phép cộng thông thường.

Trước đó Bộ trưởng và đoàn đã tới dâng hương tại Đền Hùng và trồng cây lưu niệm tại khu di tích Đền Hùng. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ.

So với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, Phú Thọ là tỉnh có ngành Công nghiệp phát triển khá sớm (từ năm 1959). Trong những năm gần đây, với vị trí địa lý tương đối thuận lợi, kinh tế Phú Thọ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ.

Năm 2007, giá trị SXCN của Phú Thọ ước đạt trên 8.000 tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 143 triệu USD. Năm 2008 Phú Thọ đặt mục tiêu đạt giá trị SXCN trên 9.500 tỷ đồng, giá trị các ngành dịch vụ tăng trên 15% so với năm   2007, giá trị xuất khẩu đạt trên 180 triệu USD.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ, ông Ngô Đức Vượng cho biết, Phú Thọ đang tập trung vào một số sản phẩm trọng điểm là giấy, bia, chè (Phú Thọ là tỉnh xuất khẩu chè lớn nhất cả nước), xi măng và may mặc.

Hiện Phú Thọ đang tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt đang thu hút vốn đầu tư, công nghệ nhất là công nghệ cao từ bên ngoài. .

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đánh giá cao những thành tựu mà Phú Thọ đã đạt được trong thời gian qua. Bộ trưởng cho rằng, những kết quả mà ngành Công nghiệp và Thương mại Phú Thọ đạt được trong thời gian qua đã đóng góp một phần không nhỏ vào thành tựu chung của Công nghiệp, Thương mại cả nước.

Với thái độ chân tình cởi mở, Bộ trưởng và các thành viên trong đoàn đã cùng lãnh đạo tỉnh Phú Thọ bàn bạc và tham vấn về nhiều vấn đề quan trọng của ngành Công Thương Phú Thọ. Cụ thể như việc hình thành một trung tâm điện lực tại Phú Thọ, việc xây dựng các nhà máy sản xuất phân bón, nhà máy sản xuất thép tới công tác khuyến công, xúc tiến thương mại...

Đoàn công tác rời mảnh đất cội nguồn dân tộc xuôi về Hà Nội, kết thúc 3 ngày làm việc bận rộn, hiệu quả. Có lễ với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, ngày mai và những ngày tới sẽ vẫn là những ngày rất bận rộn. Bởi lẽ chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2007, công việc thật bộn bề với một Bộ mới vừa phải đảm bảo các mục tiêu kinh tế vừa phải kiện toàn bộ máy. Nhưng như Bộ truông đã từng chia sẻ, ông hy vọng và tin rằng ngành Công Thương sẽ phát triển mạnh mẽ, vì có một đội ngũ những người làm Thương mại và Công nghiệp tâm huyết, mẫn cán, luôn có tinh thần học hỏi vươn lên.

Theo Báo CNVN