Sự kiện

Chuyện quản lý: Như thế làm sao phát triển

Thứ sáu, 9/11/2007 | 00:00 GMT+7

Trong những năm gần đây, mạng thông tin di động phát triển khá nhanh và đã trở thành một phương tiện thông tin liên lạc thiết yếu góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh và đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của người dân.

 

Sự có mặt của các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di dộng với nhiều loại hình, dịch vụ đa dạng đã tạo ra một thị trường sôi động và phong phú. Với tốc độ phát triển dịch vụ thông tin di dộng như vậy, nhu cầu đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông, mở rộng mạng lưới để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ và bảo đảm chất lượng dịch vụ là yếu tố cần thiết. Song trên thực tế, việc phát triển mạng lưới, đặc biệt là việc mở rộng vùng phủ sóng, xây dựng trạm gốc điện thoại di dộng mặt đất công cộng (trạm BTS) của các doanh nghiệp viễn thông đã gặp rất nhiều khó khăn do các quy định về công tác quản lý nhà nước trong xây dựng, vận hành trạm BTS còn thiếu; nhận thức của nhân dân về sóng điện từ trong thông tin di dộng chưa đầy đủ; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa đồng bộ ... đã làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ.

Để giải quyết những khó khăn trên, ngày 24/9/2007, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 21/2007/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, phát triển trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng (BTS) trên địa bàn  nhằm tạo điều kiện cho việc phát triển mạng lưới, xây dựng các trạm BTS. Theo đó, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân có hành vi gây rối, cản trở trái phép hoạt động xây dựng, lắp đặt trạm BTS của các doanh nghiệp. Các hành vi vi phạm tuỳ theo mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường doanh nghiệp theo quy định.

Theo kế hoạch, trên địa bàn huyện Gia lâm được lắp đặt 7 trạm thu, phát sóng điện thoại di động của EVN Telecom (trạm BTS). Để việc lắp đạt BTS được triển khai đúng tiến độ, nên sau khi khảo sát, chọn địa điểm, Điện lực Gia Lâm đã vận động CBCNV cho đặt vào những vị trí nhà ở của chính “người nhà đèn” hoặc người nhà.

Thủ tục đầu tư được hoàn tất nhanh chóng, nhưng khi tiến hành xây dựng tại vị trí Phố Keo - Kim Sơn thì ...có đơn khiếu nại về ảnh hưởng của sóng điện từ. Người có đơn khiếu nại không phải là gia chủ có vị trí đặt trạm BTS mà là hàng xóm. Hàng xóm cũng lại không phải là hộ liền kề, mà cách vài nhà, thậm chí có hộ  xa hàng cây số.

Song, để “yên dân”, nên chính quyền cũng yêu cầu Điện lực dừng lại việc thi công.

Đơn khiếu nại của dân thì chính quyền phải xem xét và trả lời là đúng rồi. Trong trường hợp dân chưa hiểu phải giải thích cũng là trách nhiệm của chính quyền địa phương và các bên liên quan. Không nên đợi khi nào hết ý kiến của dân mới cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai lắp đặt trạm. Như thế thì làm sao mà phát triển dịch vụ được./

Thanh Mai