Sự kiện

Thực trạng, vướng mắc về nhà ở, công trình của người dân trong hành lang đường dây 220 kV và dọc theo đường dây 500 kV

Thứ sáu, 9/11/2007 | 00:00 GMT+7

Thực trạng

             

Theo thống kê của các đơn vị quản lý lưới điện cao áp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, số nhà và công trình tồn tại trong HLATLĐCA ở các cấp điện áp được thống kê (tính đến ngày 31/8/2007) như sau:

TT

Cấp điện áp ĐDK

Nhà, công trình trong HLATLĐCA

Tổng số

Chia ra

Đủ điều kiện tồn tại

Không đủ điều kiện tồn tại

01

500kV

0

0

0

02

220kV

5.550

5.107

443

03

Đến 110kV

14.3421

2.560

1.782

04

22 đến 35 KV

148.196

120.880

27.316

05

6kV đến 15kV

19.118

11.260

7.858

 

Tổng cộng

187.206

149.807

37.399

Thực tế cho thấy, các khu vực đồng bằng, thị trấn, thị xã, thành phố có số lượng nhà, công trình (CT) tồn tại trong HLATLĐCA chiếm số lượng nhiều nhất. Điển hình như khu vực đồng bằng miền Bắc và miền đông tây Nam Bộ, với cấp điện áp 220 kV: 1.485 nhà, CT (Bắc Bộ), 4.044 nhà, CT (Nam Bộ), 21 nhà, CT (Trung Bộ); cấp điện áp 110 kV ở TP Hà Nội: 1.253 nhà, CT; cấp điện áp 110 kV ở TP HCM: 8.442 nhà, CT. Tình hình vi phạm HLATLĐCA ngày càng tăng do nhiều hộ gia đình cơi nới, cải tạo nhà hoặc xây mới không phép, do tình hình đô thị hoá ở các tỉnh, thành phố khi phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp... Nhiều  trạm điện bị các hộ dân lấn chiếm làm nơi ở, nơi kinh doanh hoặc xếp chứa vật liệu xây dựng. Đặc biệt, các trụ cao thế (kể cả trụ cao thế 110 kV) ở nhiều nơi bị dân lấn chiếm xây cất bao quanh trụ hoặc lấn chiếm làm nhà ở, khiến không còn lối cho nhân viên điện lực vào kiểm tra, sửa chữa. Tình trạng này chủ yếu tập trung ở các khu đô thị, thị xã, thị trấn, thành phố.

Phản ánh của người dân và công luận

Hiện nay, các tuyến đường dây 500 kV, 220 kV, 110 kV có độ dài khoảng gần 18.340 km, nhiều cung đoạn đường dây đi qua vùng dân cư sinh sống và canh tác thâm canh. Sự phát triển nhanh chóng của lưới điện cao áp và siêu cao áp khắp cả nước cũng đã gây không ít ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân nơi có đường dây đi qua. Đặc biệt là tuyến đường dây 500 kV mạch 1, mạch 2, tuyến đường dây 220 kV Tuyên Quang - Thái Nguyên... Do phân công trách nhiệm không rõ ràng, lưới điện cao áp 500 kV, 220 kV khi nghiệm thu đưa vào vận hành chưa thực hiện biện pháp tiếp đất kết cấu kim loại cho công trình dân sinh cũng như nghiên cứu, giải quyết tác động ảnh hưởng của điện trường đến môi trường. Hơn nữa, Nhà nước chưa có một tổ chức chuyên trách chịu trách nhiệm thẩm định kiểm tra để có đánh giá, kết luận rõ ràng khi người dân khiếu nại, đơn thư phản ánh, mà lại chuyển về EVN giải quyết với dân, nên người dân cho là không khách quan. Bên cạnh đó, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, phản ánh một chiều, thiếu cơ sở khoa học kỹ thuật, không tham khảo các tiêu chuẩn quy định của quốc gia, của thế giới mà đã vội có nhận xét, kết luận, đã gây bức xúc trong nhân dân và kết quả là người dân lại dựa vào chính các thông tin đó, coi như cơ sở pháp lý để khiếu kiện, thậm chí ngăn cản không cho xây dựng các công trình điện quốc gia.

Trong 3 năm 2005, 2006, 2007, đã có một số đơn thư, bài báo phản ánh hiện tượng nhiễm điện của đường dây cao áp và siêu cao áp. Điển hình là một số phản ánh: Tờ trình của UBND xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, số 19/TT-UB, ngày 7/4/2005 về việc giải quyết những tồn đọng sau khi thi công đường dây tải điện 500 kV Plêiku - Dốc Sỏi - Đà Nẵng, trong đó có nêu về hiện tượng nhiễm điện, tê giật người dân khi lao động, sản xuất dưới đường dây; Đơn kiến nghị của ông Nguyễn Văn Đoàn, Lê Hiệp (thôn Nam Thành, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam ngày 10/5/2005 về một số hiện tượng nhiễm điện (anten TV...) do nhà ở gần đường dây 500 kV mạch 2; bài viết ĐZ 500 kV ở Quảng Nam gây nhiễm điện trên báo Thanh Niên, số ra ngày 28/9/2005, nêu lên tình trạng nhiễm điện do đường dây 500 kV mạch 2 tại địa bàn xã Điện Quang. Sau đó, còn có rất nhiều bài báo phản ánh hiện tượng nhiễm điện từ trường, đường dây 500 kV mạch 1 và mạch 2 ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, và của đường dây 220 kV Tuyên Quang - Thái Nguyên...

Công tác giải quyết của EVN

Để giải quyết các khiếu nại của người dân về ảnh hưởng của đường dây 500 kV, 220 kV và trả lời đơn thư kiến nghị, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phối hợp với nhiều đoàn công tác liên ngành (Cục KTATCN (Bộ Công thương), các Sở Công nghiệp, ban ngành của các tỉnh thành có phản ảnh khiếu nại) tiến hành khảo sát, kiểm tra đo cường độ điện trường ở các hộ gia đình, địa phương có đơn thư kiến nghị yêu cầu, như: ở Quảng Nam đã tổ chức nhiều lần đi đo, trong đó: Từ ngày 2/11 - 3/11/2005, khảo sát đo cường độ điện trường gần và trong hành lang bảo vệ đường dây 500 kV tại thôn Thạch Mỹ, thôn Phú Tây, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn và thôn Nam Thành, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên; từ ngày 6/11 - 13/11/2006, khảo sát đo cho 49 hộ dân ở thành phố Tam Kỳ, các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh và Núi Thành. Nội dung khảo sát tập trung vào các nhà ở cách pha bìa đường dây 500 kV từ 7 m-60 m có đơn thư hoặc phản ánh bị ảnh hưởng của đường dây 500 kV.  Việc tổ chức đo được thực hiện nghiêm túc, đúng qui trình đo, số liệu đo là trung thực, được lập biên bản đầy đủ. Qua khảo sát cho thấy: Toàn bộ 49 hộ dân đã được khảo sát có cường độ điện trường ở thềm (hiên sảnh nhà) trong nhà nhỏ hơn 1 kV/m. Có 03 hộ có cường độ điện trường ở ngoài sân tại điểm cách dây dẫn ngoài cùng của đường dây 500 kV theo phương ngang 7 m (mép hành lang mDK) có trị số cao hơn 5kV/m. EVN đưa ra những giải pháp xử lý: Trồng cột đỡ Đ 34 ở trong khoảng cột 111-112 để nâng độ cao pha đất; trồng cột đỡ Đ 34 ở trong khoảng cột 160-161 để nâng độ cao pha đất; căng lại độ võng, nâng cao dây dẫn khoảng cột 140 -141.

 ở Nghệ An - Hà Tĩnh, tổ chức 1 đoàn đi khảo sát đo cường độ điện trường cho các hộ dân nằm gần hành lang và kẹp giữa 2 đường dây 500 kV tại huyện Yên Thành - Nghệ An, huyện Đức Thọ, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) từ ngày 21/12/2005 - 23/12/2005. ở Quảng Bình - Quảng Trị, tổ chức 1 đoàn đi khảo sát đo cường độ điện trường cho các hộ dân nằm gần hành lang và kẹp giữa 2 đường dây 500 kV tại thị xã Đông Hà và huyện Cam Lộ (Quảng Trị), tại huyện Quảng Trạch, Quảng Bình từ ngày 18/01/2006 - 20/01/2006.

Ở Tuyên Quang - Thái Nguyên, tổ chức 2 lần khảo sát đo cường độ điện trường (từ ngày 28/5 - 01/06/2007 và ngày 01/08  02/08/2007) cho các hộ dân có nhà công trình nằm trong hành lang đường dây 220 kV Tuyên Quang - Thái Nguyên. Qua kết quả đo, khảo sát, các đoàn công tác thống nhất với kết luận: Về khoảng cách: Khoảng cách ngắn nhất đo được từ nhà, công trình đến dây dẫn gần nhất là 8,1m, thoả mãn quy định tại điểm d, khoảng 1, điều 6 Nghị định 106/2006/NĐ-CP (khi dây ở trạng thái tĩnh không nhỏ hơn 6 m). Về cường độ điện trường: Cường độ điện trường tại vị trí trong và ngoài nhà của các hộ dân nằm trong HLAT đều nằm dưới mức cho phép được quy định tại điểm đ, khoản 1, điều 6 Nghị định 106/2006/NĐ-CP(cường độ điện trường ngoài nhà 5 kV/m và trong nhà 1 kV/m). Về độ cao pha đất: Thấp nhất là 12, 76 m (tại nhà ông Ma Lăng Thủy, xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên; cao nhất là 25, 35 m tại nhà ông Tạ Văn Trọng, xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Như vậy, các hộ dân có đơn thư khiếu nại có nhà nằm trong hành lang đường dây 220 kV đều đủ điều kiện để tồn tại trong HLATLĐCA. Tuy nhiên, hiện tượng cảm ứng điện trường mà người dân cũng như công luận phản ánh về "nhiễm điện" là có thật.

Thực chất, mọi khiếu nại của người dân về vấn đề nhiễm điện đều liên quan đến hiện tượng cảm ứng tĩnh điện của đường dây 220 kV, 500 kV lên các vật kim loại ở gần đường dây, gây cảm giác tê giật khi người chạm vào (dây phơi, ô che, nông cụ) hoặc một số hiện tượng gây nhiễu (ti vi, radio), tiếng ồn phát ra từ đường dây, đặc biệt khi thời tiết ẩm ướt. Hiện tượng cảm ứng tĩnh điện này và hiện tượng cảm ứng điện từ luôn luôn tồn tại ở gần các đường dây cao áp. Đối với đường dây siêu cao áp 500 kV, các hiện tượng này càng thể hiện rõ rệt và con người có thể nhận biết được khi chạm vào những vật dụng bằng kim loại không tiếp xúc trực tiếp với đất. Ngay cả khi E < 5 kV/m hoặc chiều cao dây dẫn > 16 m cũng không thể loại trừ được các hiện tượng cảm ứng tĩnh điện này.

Việc thấy hiện tượng bút thử điện phát sáng, đã làm cho người dân rất lo lắng, tuy nhiên dòng điện chạy dọc cơ thể này rất nhỏ và khi dùng bút thử điện kiểm tra, thì dòng điện này thực tế còn nhỏ hơn nữa, chỉ cỡ vài mA (như số liệu đo được ở Đại Từ - Thái Nguyên). Theo tài liệu của  quốc tế hay tiêu chuẩn quốc tế IEC 479 thì dòng điện chạy qua người bắt đầu gây cho con người có cảm giác có dòng điện truyền qua mình, giá trị ngưỡng an toàn cho phép dòng điện cảm giác này là 0,5 mA, hay bằng 500 mA. Dòng điện chạy qua bút thử điện này thực tế còn nhỏ hơn giá trị dòng điện ngưỡng an toàn cho phép rất nhiều, nên chưa thể gây ra nguy hiểm cho con người.

Hiện tượng cảm ứng điện từ là một hiện tượng hiện hữu của tất cả các đường dây cao áp trên không, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, nó liên quan trực tiếp đến cường độ điện trường. Ngưỡng cường độ điện trường cho phép của Việt Nam đối với con người nơi bình thường sinh sống là không được lớn hơn 5 kV/m ở khu vực ngoài nhà và 1 kV/m ở trong nhà, phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các trung tâm nghiên cứu của Việt Nam và trên thế giới đều chưa phát hiện ra các loại bệnh tật nào liên quan đến vùng có trị số điện trường đảm bảo quy định.

Phần lớn các đơn thư khiếu nại của người dân đều tập trung vào vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, ngay cả những nơi gần đường dây có cường độ điện trường chỉ từ 1 - 2 kV/m (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) nhưng người dân vẫn có đơn khiếu nại. Trong khi đó, một số hộ đã được đền bù xây nhà mới, cũng gần sát hành lang đường dây. Thực chất, các đơn khiếu nại này không hoàn toàn xuất phát từ lý do điện từ trường mà từ tâm lý so sánh thiệt hơn giữa người được đền bù và người không thuộc diện đền bù hoặc được đền bù chưa thoả mãn. Ngoài ra, một phần cũng được tiếp xúc với các phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng, người dân trở nên hoang mang, lo sợ và cho rằng các quy định hiện hành của thế giới và Việt Nam là không đảm bảo cho sức khỏe con người, không chấp nhận số liệu khảo sát của các đoàn kiểm tra cũng như các văn bản trả lời chính thức của EVN và Bộ Công Thương.

Cần thực hiện nhiều giải pháp

Để đáp ứng yêu cầu bảo đảm người dân yên tâm sinh sống lâu dài gần hanh lang đường dây 500 kV và trong hành lang đường dây 220 kV, EVN thực hiện những giải pháp như: Giải quyết nhà công trình nằm kẹp giữa 2 đường dây 500 kV thông qua việc hỗ trợ di dời nhà ở, công trình các hộ dân nằm kẹp giữa hai đường dây 500 kV trong phạm vi 60 m; thực hiện các giải pháp về kỹ thuật: Làm giàn, lưới kim loại, trồng cây ven đường giao thông nơi giao cắt với đường dây 500 kV; nối đất cho các kết cấu của nhà công trình làm bằng kim loại (như mái tôn, dây phơi, ăng ten tivi...); tăng cường công tác kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cơi nới, sửa chữa, xây dựng nhà công trình của dân vi phạm HLATLĐCA; tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền kiến thức cơ bản về an toàn điện, các nghiên cứu khoa học về điện từ trường, hành lang đường dây trong nhân dân để họ tự bảo vệ và phòng tránh, thông qua báo, đài, tờ rơi. EVN cũng đã đề nghị: Nhà nước có bộ tiêu chuẩn quy định và coi đó là cơ sở pháp lý để mọi đối tác thực hiện; có bộ phận chuyên trách của Nhà nước chịu trách nhiệm đánh giá, kiểm tra, giải quyết khi có tranh chấp, có kết luận rõ ràng. Xử lý nghiêm các tổ chức hoặc cá nhân cố tình vi phạm tiêu chuẩn quy định của Nhà nước; cần có chương trình tuyên truyền, phổ biến kiến thức về điện trường. Công luận cần đưa phản ánh một cách khách quan, trên cơ sở khoa học kỹ thuật về ảnh hưởng của điện từ trường, không trái với các quy định của pháp luật đã được Nhà nước ban hành, tránh đưa thông tin một chiều, thiếu cơ sở khoa học kỹ thuật, gây phản ứng tiêu cực trong xã hội; lập đường dây thông tin từ người dân đến chính quyền địa phương với EVN để hướng dẫn, giải quyết những vấn đề phát sinh.

Theo: TC Điện lực số 10 - 2007