Sự kiện

Đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh: Tập đoàn Điện lực Việt Nam có thể bị lỗ do phải mua điện giá cao

Thứ năm, 15/5/2008 | 14:55 GMT+7

Đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh hiện nay đang là thách thức quan trọng nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Bởi, vốn đầu tư hàng năm cho các công trình điện trong giai đoạn 2005-2010 là trên 3 tỷ USD, trong khi đó, để huy động được lượng vốn trên còn rất nhiều khó khăn. 

Công nhân công ty truyền tải điện 2 lắp đặt tụ bù trên hệ thống lưới điện  truyền tải khu vực miền Trung.

Vấn đề thấy rõ là: EVN không thể huy động được đủ nguồn vốn cho nhu cầu đầu tư từ nguồn vốn của mình, cũng như từ các khoản vay khác, ngoại trừ khi doanh thu tăng lên. Đây chính là vấn đề nan giải của EVN.

Nhu cầu điện tăng nhanh

Thiếu hụt điện xuất hiện từ tháng 5-2005 và theo nhận định của EVN, sự thiếu hụt này dường như vẫn đang rình rập đến năm 2009, nhất là vào mùa khô. Nguyên nhân là do xảy ra tình trạng hạn hán làm giảm năng lực sản xuất của thủy điện và do công suất dự phòng cho hệ thống không còn, vì không có khả năng phát triển nguồn điện mới trong thời gian ngắn để đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh hơn dự báo. Cuối năm 2007, EVN đã xây dựng kế hoạch phát điện của toàn hệ thống năm 2008 là 80 tỷ kWh (tăng 15,82% so với năm 2007). Theo đó, dự kiến điện EVN sản xuất và mua từ các nhà máy ngoài EVN là 77,2 tỷ kWh (tăng 15,62%), điện thương phẩm là 68,1 tỷ kWh (tăng 16,97%). Song, 4 tháng đầu năm 2008, mặc dù thời tiết chưa nắng nóng, nhưng điện thương phẩm đã tăng 19,67%; trong đó, điện sinh hoạt tăng 16,1%, điện cho sản xuất và xây dựng tăng 24%.

Để nhanh chóng giảm mức độ thiếu hụt trên, EVN đã thực hiện quyết liệt biện pháp quản lý nhu cầu, tiết kiệm điện, huy động diezel dự phòng, nhập khẩu điện từ Trung Quốc… Tuy nhiên, ngoài những giải pháp tình thế trên, giải pháp chính vẫn là phát triển các nguồn điện mới thông qua việc xây dựng các nhà máy điện mới, xây dựng các đường dây truyền tải để nhập khẩu điện và tiếp tục đầu vào lưới điện truyền tải điện đến các khách hàng.

Mất dần tỷ lệ vốn tự có trong đầu tư

Trong giai đoạn 2002-2004, tình hình tài chính của EVN khá tốt cho phép duy trì được tỷ lệ vốn tự có trong đầu tư. Song, từ năm 2005 đến nay, do chi phí tăng, một phần do thiếu hụt điện và nhu cầu tăng vọt trong đầu tư mới, tỷ lệ vốn tự có cho đầu tư tụt giảm nhanh. Để duy trì được tỷ lệ như trước đây, thì doanh thu của EVN phải tăng rất mạnh (điều rất khó xảy ra hiện nay).

4 tháng đầu năm, để đáp ứng nhu cầu phụ tải, EVN đã huy động các nguồn với giá thành cao, như mua điện của Nhà máy Nhiệt điện Hiệp Phước, Amata, Formosa, Cà Mau, Cái Lân… Bên cạnh đó, EVN phải huy động thêm tuabin khí chạy dầu DO, diezel, với giá thành sản xuất trên 4.600đ/kWh nhằm giữ nước các hồ thủy điện, nhất là thủy điện Hòa Bình để tránh nguy cơ xảy ra thiếu điện nghiêm trọng vào giai đoạn cuối mùa khô, nhất là ở miền Bắc. Trong khi đó, giá bán điện bình quân của EVN là 838,4đ/kWh, tính chi phí phân phối, truyền tải và tổn thất là 1.161,1đ/kWh. Vì vậy, so với giá bán bình quân, cứ mỗi kilôoát điện mua ngoài, EVN sẽ bù lỗ hơn 300 đ/kWh và với 24,1 tỷ kilôoát điện mua ngoài theo kế hoạch, EVN sẽ bù lỗ hơn 6.000 tỷ đồng trong năm 2008.

Phải tăng doanh thu để duy trì độ tin cậy

Tổng sơ đồ phát triển ngành Điện lần thứ 6 giai đoạn 2005-2015, có xét đến 2025 đã được phê duyệt, dự báo có mức độ tăng trưởng 16%/năm (giai đoạn 2006-2010); 11%/năm (giai đoạn 2011-2015) và 9%/năm (giai đoạn 2016-2020). Đây thực sự là thách thức lớn không chỉ với ngành Điện, mà còn là với nền kinh tế nói chung.

Một điều thấy rất rõ là từ mùa khô năm 2005, tình trạng thiếu điện đã thu hút sự quan tâm của cả nước tới việc tập trung để đáp ứng nhu cầu phụ tải của toàn hệ thống điện. Vì vậy, nếu EVN không tăng được doanh thu, dẫn đến để vượt quá giới hạn vay được thừa nhận trên thị trường thế giới, điều này sẽ mang lại rủi ro lớn cho EVN. Vì, vấn đề thiết yếu là phải duy trì được uy tín về độ tin cậy của EVN, có như vậy mới ổn định khả năng huy động vốn vay trong dài hạn.

Thanh Mai