Sự kiện

Thiếu điện: Nguyên nhân chính ở khâu triển khai dự án

Thứ ba, 13/5/2008 | 09:47 GMT+7

Đánh giá của Đoàn công tác Chính phủ khi kiểm tra các công trình nguồn điện đưa vào vận hành các năm 2008-2010 cho thấy, ngoài một số dự án cơ bản bám theo tiến độ yêu cầu trong Quy hoạch điện VI như dự án nhiệt điện Ô Môn giai đoạn 1, thuỷ điện Buôn Kuốp, Sreepôk 4, phần lớn các dự án đang thi công đều bị chậm từ 3-6 tháng và thậm chí là 1 năm như thuỷ điện Đồng Nai 3, làm cho tình hình thiếu điện mùa khô càng trở nên căng thẳng.

Nguyên nhân chủ yếu do thiếu tập trung chỉ đạo nên chậm trễ trong công tác thiết kế, thanh toán khối lượng hoàn thành cho nhà thầu chưa kịp thời, thiếu lực lượng thi công   và thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên trên công trường... Tình hình trượt giá nhiên vật liệu hiện nay cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho nhà thầu thực hiện dự án. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính lại ở khâu triển khai dự án.

Các ngành chức năng khẳng định rằng Tổng sơ đồ phát triển năng lượng được hoạch định phù hợp với các giai đoạn phát triển của đất nước  nhưng khâu thực hiện lại có vấn đề. Nhiều lý do ảnh hưởng đến tiến độ phát triển hệ thống điện như thủ tục chậm trễ, thiếu vốn và vốn rải ra quá nhiều công trình nên tiến độ xây dựng các công trình điện càng chậm trễ. Thêm vào đó, việc giải phóng mặt bằng các công trình điện rất phức tạp, có khi liên quan đến cả một vùng rộng lớn, đặc biệt là thủy điện. Chính phủ đã phải tổ chức nhiều đoàn rà soát từng công trình, vì sao không đúng tiến độ.

Các chuyên gia năng lượng nhìn nhận có một vấn đề bất cập hiện nay là quản lý giá điện thế nào nhằm làm cho việc sản xuất và tiêu dùng điện hiệu quả hơn, bền vững hơn. Giá điện liên tục được nâng lên trong thời gian qua có thể là giải pháp hợp lý  nhằm khuyến khích nhà đầu tư phát triển điện đồng thời hạn chế sử dụng điện lãng phí. Nhưng giá điện cao thì sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và đời sống của nhân dân. Giá điện cao cũng có thể bị nhà sản xuất lợi dụng đẩy giá thành lên cao hoặc ít quan tâm tới giá thành thậm chí ngay từ khi thiết kế, triển khai xây dựng nhà máy. Cần giải quyết mối quan hệ này một cách tối ưu.

Kinh nghiệm quản lý của nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước có nền kinh tế thị trường đã phát triển đối với các lĩnh vực có tính độc quyền khó tránh khỏi như điện, cung cấp nước sạch, vận tải công cộng thì nhà nước phải quản lý và kiểm soát chặt chẽ cả giá thành sản xuất, chất lượng dịch vụ và giá bán sản phẩm bằng một cách thức rất đơn giản và hữu hiệu là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Chẳng hạn, khi cần xây dựng một nhà máy điện chạy than (hoặc khí, hoặc thủy điện)  ở đâu đó đã được xác định trong quy hoạch điện thì chỉ cần đưa ra một số tiêu chí cho các nhà đầu tư đấu thầu cạnh tranh nhau là: giá bán điện với giá trần được ấn định; thời gian đưa nhà máy vào hoạt động; với một số điều kiện mà Nhà đầu tư phải đáp ứng hoặc được hưởng như mặt bằng, hạ tầng, tiêu chuẩn môi trường, cung cấp hạ tầng, hệ số phụ tải, cung cấp nhiên liệu... Việc đấu thầu như vậy sẽ không mất nhiều thời gian mà  ngược lại còn tiết kiệm được thời gian đàm phán giá điện và kể cả đấu thầu xây dựng sau này vì sau khi đã đấu thầu giá bán điện thì việc phải làm nhà máy như thế nào để tiết kiệm vốn đầu tư và đảm bảo chất lượng công trình là quyền của chủ đầu tư.  Và, hơn thế nữa, đấu thấu về tiến độ thực hiện kèm theo bảo lãnh thực hiện dự án thì việc chậm tiến độ cũng sẽ được hạn chế và Nhà nước không mất nhiều thời gian đốc thúc, việc thiếu điện do các công trình chậm tiến độ cũng sẽ được hạn chế.  

Còn hiện nay, để đối mặt với 5% đến 10% sản lượng điện thiếu hụt thì việc có thể làm ngay được là giảm tiêu dùng điện. Cần kêu gọi tất cả các đối tượng tiết kiệm, chứ không chỉ người dân, nhất là các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, kể cả doanh nghiệp ngành điện. Nếu những đối tượng này có kế hoạch sử dụng điện tiết kiệm và kiểm soát chặt chẽ được thì việc tiết kiệm 5% đến 10% sản lượng điện là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Mai Phương