Sự kiện

Trọng điểm đi đầu tiết kiệm điện : Công nghiệp Hưng Yên với mục tiêu 2% điện năng tiêu thụ

Thứ tư, 14/5/2008 | 09:43 GMT+7

Mùa khô năm 2008 chưa vào giai đoạn đỉnh điểm, nhưng tình trạng mất cân đối giữa cung – cầu phụ tải điện đã rất căng thẳng, với tốc độ tăng nhu cầu sử dụng điện trong 3 tháng đầu là 19,09%, trong đó miền Bắc lên tới 27,7%. Cắt điện luân phiên, đặc biệt là ở các địa phương khu vực này là việc khó tránh khỏi, nhưng mức độ cắt giảm một phần sẽ phụ thuộc vào chính khách hàng sử dụng điện, trong đó đáng kể nhất là các DN công nghiệp, nhận thức và biết tiết kiệm điện một cách hợp lý và hiệu quả.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam  (EVN) đã đề ra mục tiêu tiết kiệm 681 triệu kWh điện, bằng 1% tổng sản lượng điện thương phẩm của năm 2008, trong đó khu vực chiếu sáng công cộng phải tiết kiệm 8,8%, cơ quan hành chính sự nghiệp: 16,6%, ánh sáng sinh hoạt: 1,3%, công nghiệp và xây dựng: 0,5%.

Việc không riêng của ngành điện

Được Tập đoàn giao chỉ tiêu tiết kiệm điện, ngay từ đầu năm, Công ty Điện lực 1 (PC1) đã lên kế hoạch phân bổ hợp lý cho các Điện lực địa phương. Phòng Kinh doanh và Điện nông thôn của PC1 đã chọn Hưng Yên (tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh) làm mô hình để triển khai công tác tuyên truyền, thực hiện tiết kiệm điện để các đơn vị khác rút kinh nghiệm.

Ông Ngô Công Phương, Giám đốc Điện lực Hưng Yên cho biết, trong năm 2007 vừa qua, Hưng Yên đã lọt vào Top 10 tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp cao nhất của cả nước (đứng thứ 9, với tốc độ tăng hơn 28%). Nhu cầu phụ tải của khối công nghiệp, vì vậy cũng tăng mạnh: tăng 31,98% so với mức chung của toàn tỉnh là 20%... “Đặc biệt, các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn là cơ sở sản xuất sử dụng năng lượng trọng điểm (có công suất tiêu thụ từ 500 kW trở lên hoặc có sản lượng tiêu thụ điện lớn hơn 3.000.000 kWh/năm) đã tăng rất nhanh, lên 17 cơ sở, tăng 76% so với năm 2006. Chỉ riêng năng lượng điện sử dụng của 17 đã là 258,698 triệu kWh, chiếm tới 28,7% mức tiêu thụ điện của cả tỉnh”.

Xác định công tác thực hiện tiết kiệm điện là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để giảm thiểu thiếu điện, Hưng Yên đã ký kết thỏa thuận với EVN tiết kiệm 4,4 triệu kWh trong năm 2007 và chỉ đạo tất cả các ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc những quy định của Chính phủ và UBND tỉnh, hoàn thành vượt mức kế hoạch tới 14,79% (đạt hơn 5,05 triệu kWh), trong đó cơ quan HCSN tiết kiệm được 320.708 kWh (vượt 7,9% kế hoạch), chiếu sáng công cộng 129.309 kWh (29,31%), ánh sáng sinh hoạt 1.934.525 kWh (1,82%), công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, các HĐ khác: 2.666.208 kWh (21,19%).

“Điện lực tỉnh đã phối hợp với Sở CN, Đài TH, Báo Hưng Yên thường xuyên kiểm tra đối với các cơ quan HCSN hưởng ngân sách nhà nước, nhắc nhở và đưa tin những điển hình thực hiện tốt và chưa tốt công tác tiết kiệm điện; hàng tháng tổng hợp điện năng tiêu thụ của các cơ quan, hàng quý báo cáo UBND tỉnh để có chỉ đạo kịp thời. Việc thực hiện bán (trợ giá) được hơn 37.000 đèn compact hiệu suất cao cũng đã mang lại hiệu quả rõ rệt: các hộ ở khu vực triển khai bán đèn đã giảm được 20 – 30% sản lượng điện tiêu thụ”, ông Phương cho biết. Đặc biệt, Điện lực còn lập Tổ tư vấn tiết kiệm điện cho 170 khách hàng, thực hiện 684 lần kiểm tra biểu đồ phụ tải vào giờ cao điểm, 225 lần kiểm tra tiết kiệm điện tại các khách hàng công nghiệp… Hai bên phối hợp tính toán điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm, nghiên cứu bố trí sản xuất hợp lý, lắp đặt tụ bù hệ số công suất, cải tiến dây chuyền sản xuất để giảm thiếu các thiết bị hoạt động không tải để giảm tối đa điện năng tiêu thụ.               

Đưa “trọng điểm” thành “đầu tầu”

Tại Lễ ký cam kết tiết kiệm điện đối với các khách hàng lớn vừa qua, Điện lực Hưng Yên cho biết, năm 2008, tỉnh sẽ tiết kiệm 13,429 triệu kWh điện (gần gấp 3 lần so với mức đã thực hiện năm 2007), trong đó khối sản xuất công nghiệp thực hiện tiết kiệm trung bình 1,7%, riêng các khách hàng trọng điểm là 2%. “Tính toán cho thấy, tiết kiệm điện trong lĩnh vực công nghiệp còn có thể được tới 20%. Nhưng trước mắt, mức 2% cũng là rất quan trọng đối với tình hình hiện nay, khi cung cầu điện đang mất cân đối nghiêm trọng, mà công nghiệp thì chiếm tỷ trọng cao trong tiêu thụ năng lượng”, ông Phương khẳng định.

Trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm những biện pháp đã được triển khai, biểu dương các DN điển hình (Công ty VAP Việt Nam, Công ty CP may và dịch vụ Hưng Long, Công ty TNHH Tae Yang Việt Nam…), Sở CN tỉnh Hưng Yên yêu cầu  các DN công nghiệp cần xây dựng kế hoạc tiết kiệm điện cho từng tháng, quý, năm, quy định mức sử dụng năng lượng cụ thể trên một đơn vị sản phẩm sản xuất của doanh nghiệp mình; các DN sản xuất không bố trí sản xuất trong giờ cao điểm, tăng cường sản xuất vào giờ thấp điểm; sử dụng điện đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã ký kết trong hợp đồng mua bán điện; tắt các thiết bị điện, đèn chiếu sáng khi không có nhu cầu sử dụng, vào giờ nghỉ giữa ca; không để các thiết bị điện hoạt động không tải; sử dụng các loại đèn tiết kiệm điện năng; cắt giảm ít nhất 50% số lượng đèn quảng cáo, trang trí, chiếu sáng biển hiệu trong giờ cao điểm từ 18h – 22h đối với các tháng mùa khô; sử dụng thêm các nguồn điện dự phòng trong giờ cao điểm...

“Để công tác tiết kiệm điện đi vào thực tế, không chỉ là kêu gọi chung chung, Sở Công nghiệp sẽ chủ trì phối hợp với Điện lực Hưng Yên tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng điện vượt quá công suất đã đăng ký, không thực hiện đúng theo yêu cầu tiết kiệm điện đã đề ra”, một cán bộ của Sở CN cho biết. “Đồng thời, Điện lực Hưng Yên cũng sẽ chủ trì phối hợp với Sở CN, Ban QLDA các KCN tỉnh làm việc với các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh để thực hiện thay phiên nhau sản xuất vào giờ thấp điểm (ca 3); mở các lớp tập huấn về quản lý năng lượng cho lãnh đạo, cán bộ chuyên trách quản lý năng lượng cho các DN, đặc biệt là DN sử dụng năng lượng trọng điểm”.

Song song với những biện pháp này, nhằm đảm bảo cung cấp tối đa cho nhu cầu sử dụng điện của đời sống kinh tế – xã hội, Điện lực Hưng Yên sẽ tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, bố trí kế hoạch cải tạo lưới điện hợp lý; xây dựng phương thức vận hành lưới điện tối ưu, hạn chế sự cố và giảm tổn thất điện năng. Thực hiện đầu tư đường dây và trạm biến áp, đặc biệt là đường dây và trạm biến áp 110, 220 kV theo đúng tiến độ nhằm giảm bán kính cấp điện, nâng cao chất lượng điện năng và giảm tổn thất điện năng (giảm 0,1% tổn thất điện năng so với kế hoạch PC1 giao); thường xuyên giám sát, kiểm tra chặt chẽ biểu đồ phụ tải của khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là khách hàng trọng điểm.  

Minh Đức