Sự kiện

Điện mùa khô vẫn chưa có công suất dự phòng

Thứ tư, 14/5/2008 | 10:18 GMT+7

Tháng 5, cao điểm mùa khô đã cận kề. Song tình hình cung ứng điện càng lúc càng căng thẳng. Để cầm cự mực nước thuỷ điện chạy đến giữa tháng 6, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đang phải gồng mình "vét" tất cả các nguồn nhiệt điện hiện có để bằng mọi giá trong tháng 5 đảm bảo đủ điện.

Nhà máy điện Uông Bí mở rộng

Trao đổi với phóng viên báo Lao Động ngày 8.5, ông Phạm Lê Thanh - TGĐ EVN - đã khẳng định điều này.

Điện giá cao, cũng phát

Mực nước các hồ thuỷ điện, đặc biệt là các hồ thuỷ điện phía bắc thấp hơn cùng kỳ nhiều năm và lưu lượng nước về thấp là lý do quan ngại đầu tiên để EVN phải tính toán phương án huy động cao tất cả các nguồn nhiệt điện (NĐ).

Vào thời điểm đầu tháng 5, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (Ao) cho biết: Mực nước các hồ chỉ có thể cầm cự đến cuối tháng 5 thì đều xuống dưới mức nước chết. Nghĩa là nếu không được bổ sung nguồn nước, các hồ thuỷ điện đều "bó tay".

Trong khi đó, vào tháng 5, theo dự báo của Ao, nhu cầu của hệ thống điện sẽ vào khoảng 6,8 tỉ kWh, riêng miền Bắc khoảng 2,5 tỉ kWh. Sản lượng điện trung bình tháng 5 dự kiến ở mức 222,5 triệu kWh/ngày.

Để cân đối với sản lượng tiêu thụ nêu trên, EVN dự kiến sẽ huy động toàn bộ các nhà máy nhiệt điện thuộc EVN và các nguồn mua ngoài cân đối được khoảng 5,1 tỉ kWh, phần còn lại 1,7 tỉ sẽ được bù bằng phát thuỷ điện.

Ông Phạm Lê Thanh cân đối: Với 1,7 tỉ kWh thuỷ điện, mua điện Trung Quốc khoảng 279 triệu kWh, chạy nhiệt điện dầu FO 130 triệu, mua điện Hiệp Phước khoảng 260 triệu, nhiệt điện than khoảng 1,25 tỉ, còn lại là turbin khí hỗn hợp và các nguồn khác thì hệ thống coi như ổn.

Thậm chí, nếu xét về công suất, còn dư dả tới 10% dự phòng. Nhiều nguồn điện giá cao, nhưng cũng sẽ phát để đảm bảo đủ điện trong tháng 5 là tháng diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước và đảm bảo cho học sinh thi cử.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận đây là cách tính lạc quan, bởi trên thực tế chỉ cần bất cứ nguồn điện nào bị sự cố do phải phát đầy tải liên tục trong thời gian dài, hoặc lũ tiểu mãn không về trong tháng 6 thì đều là tác nhân gây nên thiếu điện.

Nguy cơ thiếu điện đặc biệt gay gắt tại miền Bắc khi phụ tải tăng mạnh (khoảng 83 triệu kWh/ngày trong tháng 5), nhưng khả năng đáp ứng chỉ đạt 55,5 triệu kWh/ngày. Vì vậy, hiện EVN vẫn phải liên tục tải sản lượng điện rất cao từ Nam ra qua đường dây 500kV Bắc-Nam mỗi ngày trên 27-28 triệu kWh. "Nếu xảy ra sự cố trên 1 trong 2 đường dây 500kV thì nguy cơ rã lưới miền Bắc là rất lớn" - ông Thanh cảnh báo.

Nhiều nguồn điện bị chậm

Trong lúc này, theo tiến độ cập nhật mới nhất của Ao, trong các tháng còn lại của mùa khô 2008 chỉ có thêm 1 tổ máy của nhiệt điện Đa Nhim (150MW) vào vận hành. Tổ máy số 1 Thuỷ điện Tuyên Quang và nhiệt điện Uông Bí mở rộng (300MW) cũng mới chạy trở lại, riêng NĐ Uông Bí chỉ được tính với mức khả dụng 75% do vẫn chưa hoạt động ổn định.

Mọi cố gắng được trông vào 2 nguồn điện quan trọng đều do TĐ Dầu khí VN (PetroVietnam) làm chủ đầu tư là Cà Mau 2 (750MW) và Nhơn Trạch 1 (450MW), dự kiến được đưa vào hồi tháng 3 thì đã lỗi hẹn.

Phía PetroVietnam khẳng định đang tìm mọi biện pháp ép nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, bằng mọi giá giữa tháng 5 phải khởi động không tải để cuối tháng phát điện thương mại, bổ sung nguồn điện cho cao điểm mùa khô.

Song tới thời điểm này, đây là việc khó, bởi dù muốn, nhà thầu Lilama - tổng thầu cả 2 công trình trên - đều đang "ngập lụt" trong tiến độ. Chưa kể, nhà thầu này đã 2 năm nay loay hoay với NĐ Uông Bí mở rộng mà chưa thể bàn giao cho chủ đầu tư EVN.

Theo một quan chức PetroVietnam, để khắc phục sự chậm chễ này, PetroVietnam đã thoả thuận với nhà đầu tư mỏ khí Lan Tây - BP để ngay đầu tháng 5 sẽ tăng công suất cấp khí của đường ống Nam Côn Sơn lên 16,5 triệu mét khối/ngày, tăng 1,5 triệu mét khối/ngày so với trước để đảm bảo phát đầy tải các nhà máy NĐ tại Phú Mỹ. Dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 6 triệu kWh/ngày so với hiện nay.

Theo Lao Động số 103