Sự kiện

Để giảm áp lực tăng giá điện, phía sản xuất và khách hàng phải sử dụng điện sao cho tiết kiệm và hiệu quả

Thứ ba, 29/7/2008 | 10:16 GMT+7
Những tháng gần đây, việc cắt điện trên diện rộng và lặp lại liên tục tại các địa phương, gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Để tranh thủ sự ủng hộ và cảm thông của khách hàng trước tình hình thiếu điện có khả năng sẽ tiếp tục xảy ra trong những tháng tới, vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Sản xuất và cung ứng điện năm 2008: Thực trạng và giải pháp”. Nhân dịp này, Bản tin TKNL đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Tổng giám đốc EVN xung quanh vấn đề sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

PV: Xin ông cho biết nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Năm 2007, lượng điện cung cấp lên lưới điện quốc gia là 66,77 tỷ kWh. trong đó sản lượng điện sản xuất trong nước chiếm gần 96%, còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc. Lượng điện bán tới khách hàng sử dụng điện là 58,434 tỷ kWh. Trong đó lĩnh vực Công nghiệp và Xây dựng sử dụng 50%; quản lý và tiêu dùng trong dân cư sử dụng 40,72%; Thương nghiệp và dịch vụ chiếm 4,8%; Nông-lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 2,6%; các lĩnh vực khác chiếm 4,76%. 

 PV: Nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu điện trong những năm gần đây và để khắc phục tình trạng này cần có giải pháp gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Nguyên nhân cơ bản dẫn đến thiếu điện thời gian qua và tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện trong những năm tới là do nền kinh tế đất nước đang chuyển biến tích cực từ phát triển nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp, đặc biệt một số ngành công nghiệp nặng như luyện thép, hoá chất, xây dựng..., nên nhu cầu điện tăng cao, các địa phương xây dựng nhiều khu công nghiệp, có tỉnh nhu cầu dùng điện tăng tới 30 - 40% trong 3 tháng đầu năm 2008. Bên cạnh đó, nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân tăng cao; giá bán điện của Việt Nam còn thấp, chưa thu hút đầu tư; việc sử dụng điện trong các tầng lớp dân cư còn lãng phí; một số dự án nguồn điện thi công còn chậm tiến độ... Đây là những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu điện hiện nay.

Biện pháp trước mắt là, triệt để tiết kiệm điện chiếu sáng, điện sinh hoạt; chỉ đạo quyết liệt để các dự án nguồn điện đang xây dựng đảm bảo tiến độ; vận hành an toàn các nguồn điện hiện có, hạn chế thấp nhất tình hình sự cố thiết bị. Các biện pháp lâu dài là, phải xây dựng các nhà máy điện theo quy hoạch được duyệt; đầu tư xây dựng các nhà máy điện ở các nước lân cận để bán điện về Việt Nam; đẩy mạnh liên kết lưới điện với các nước trong khu vực; khẩn trương xây dựng thị trường điện, thị trường hoá giá điện để cân bằng tài chính cho nhà đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào dự án điện; tiếp tục đẩy mạnh tiết kiệm điện...

PV: Tại sao công nhân viên ngành Điện lại đi bán đèn compact, hơn nữa, loại bóng đèn này có giá cao hơn ngoài thị trường, đây có phải vừa là một giải pháp tiết kiệm điện, vừa là một sản phẩm kinh doanh không? Được biết, EVN đang triển khai chương trình 1 triệu bóng đèn compact, nhưng tại sao khách hàng ở Phú Yên phản ánh việc muốn mua đèn compact trên địa bàn lại không có?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Việc các đơn vị thuộc EVN bán đèn compact nằm trong chương trình quản lý nhu cầu điện năng DSM. Thông qua việc bán đèn compact, EVN tiến hành công tác tuyên truyền tiết kiệm điện, đồng thời, giới thiệu cho khách hàng một loại sản phẩm đem lại hiệu quả tiết kiệm điện ngay trong mỗi gia đình.

Một lý do nữa là hiện nay, giá đèn compact còn cao, hệ thống bán hàng của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm này mới chỉ có ở các thành phố, thị xã, khu vực vùng sâu vùng xa chưa có hệ thống bán do sức mua kém, ngoài ra trên thị trường còn có các loại đèn compact khác chất lượng không đảm bảo. Vì vậy, hệ thống bán đèn của EVN giúp các doanh nghiệp này đưa các sản phẩm có chất lượng đến khắp các vùng nông thôn trên cả nước mở rộng thị trường. Sau khi người tiêu dùng đã quen sử dụng thì việc bán hàng sẽ do các doanh nghiệp tiếp tục đảm nhận. Giá các loại đèn bán trong hệ thống của EVN được khẳng định về chất lượng và giá thấp hơn giá đèn cùng loại trên thị trường từ 10% đèn 15% do chúng tôi không tính lợi nhuận trong giá thành.

Chương trình 01 triệu đèn compact đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai tại các công ty điện lực trên toàn quốc. Riêng ở Phú Yên, khách hàng có thể tìm mua bóng đèn compact tại trụ sở các chi nhánh điện huyện, thị xã và 30 địa điểm bán đèn khác trên địa bàn Tỉnh. Khách hàng cũng có thể liên lạc qua số điện thoại được ghi trên hoá đơn tiền điện để tìm hiểu thêm thông tin.

PV: Ngành Điện có kế hoạch như thế nào để cải tạo, nâng cấp đường dây vào các ngõ, hẻm nhằm giảm tổn thất điện năng sau công tơ đến hộ tiêu thụ điện? Theo ông, khi nào thì đưa công tơ 3 giá vào đo đếm cho các phụ tải một pha để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng điện vào giờ thấp điểm nhằm san bằng đồ thị phụ tải, giảm tổn thất điện năng?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Hiện nay, có tình trạng đường dây dẫn điện sau công tơ vào các hộ tiêu thụ còn chưa đảm bảo kỹ thuật, gây mất an toàn và tổn thất điện năng. Về nguyên tắc, các đường dây này là tài sản của khách hàng, vì vậy việc cải tạo, nâng cấp do khách hàng chịu trách nhiệm thực hiện. Về phần mình, hàng năm EVN đều có kế hoạch cải tạo nâng cấp các trục dẫn điện đến trước công tơ của khách hàng. Tuy nhiên, để cải tạo các đường dây sau công tơ thì khách hàng phải có sự thông hiểu và ý thức về lợi ích của chính mình khi đầu tư một ít tiền để có thể giảm tiền điện lâu dài, đồng thời góp phần tiết kiệm năng lượng và tài nguyên quốc gia. EVN sẵn sàng tư vấn cho khách hàng về quy chuẩn kỹ thuật cần thiết.

Về công tơ 3 giá cho hộ tiêu thụ 1 pha, khi nào các cơ quan quản lý nhà nước cho phép áp dụng biểu giá khác nhau cho các giờ khác nhau đối với các hộ tiêu thụ này thì mới có thể tiến hành trang bị và lắp đặt. Về nguyên tắc, EVN ủng hộ cách làm này.

PV: Tại nhiều quốc gia trên thế giới, năng lượng sạch (gió, mặt trời, địa nhiệt, thủy triều ...) đã và đang được ưu tiên, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng ngày càng phổ biến, sao ở Việt Nam, EVN và các bộ, ngành liên quan không có những chính sách, kế hoạch, và hành động cụ thể nào để ưu tiên, phát triển, xây dựng và sử dụng năng lượng sạch, hạn chế dần các nguồn năng lượng cũ, gây ô nhiễm như nhiệt điện...?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Vấn đề này đã được các bộ, ngành liên quan nghiên cứu từ nhiều năm truớc. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1855/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 phê duyệt “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050”. Trong đó nêu rõ quan điểm phát triển đồng bộ và hợp lý hệ thống năng lượng điện, dầu khí, than. Ưu tiên đẩy mạnh phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học. Phát triển năng lượng gắn chặt với giữ gìn môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển năng lượng bền vững. Chiến lược này nêu rất rõ những chính sách, kế hoạch và giải pháp thực hiện cụ thể. Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện theo chức năng nội dung chiến lược này.

PV: Làm thế nào để giá điện không bị tăng nữa, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, chúng ta còn phải tiếp tục xây dựng thêm các nhà máy điện, các đường dây tải điện và trạm biến thế. Chi phí đầu tư xây dựng có xu hướng tăng dần từ năm này sang năm khác. Ngoài ra, phải sử dụng than, dầu, khí đốt để sản xuất điện, các nguồn tài nguyên thiên nhiên này đang ngày càng trở nên khan hiếm và không thể tái tạo, giá các loại nhiên liệu này vì thế chỉ có xu hướng tăng mà không giảm. Chi phí sản xuất tăng thì giá điện chắc chắn sẽ còn tăng. Điều đáng quan tâm là giá điện sẽ tăng nhưng mức tăng phải hợp lý. Để giảm áp lực tăng giá điện, phía sản xuất điện phải tiết kiệm chi phí sản xuất, còn phía người sử dụng điện phải sử dụng điện sao cho tiết kiệm và hiệu quả, tránh lãng phí.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo eec.moi.gov.vn