Sự kiện

Khoán chỉ tiêu tiết kiệm điện đến từng cơ quan

Thứ tư, 6/8/2008 | 10:26 GMT+7
Theo cảnh  báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong vài tháng tới, việc cắt điện luân phiên trên cả nước vẫn không tránh khỏi. Giải pháp tối ưu vẫn là phải tiết kiệm điện.

Tiền phong có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học-Công nghệ (Bộ Công thương), kiêm Chánh Văn phòng tiết kiệm năng lượng (TKNL) xung quanh vấn đề này.

Ông Hiệp cho biết: Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vừa tổ chức phiên họp định kỳ sau hơn 1 năm hoạt động.

Đánh giá chung, các hoạt động của Chương trình đã có kết quả khả quan, tạo tiền đề cho các năm sau.

Nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về ý thức TKNL đã được nâng cao, bước đầu đã hình thành mạng lưới các Trung tâm tiết kiệm năng lượng để triển khai các hoạt động TKNL trên phạm vi toàn quốc.

Một số Đề án trình diễn đã triển khai thành công như đề án dán nhãn TKNL thí điểm cho thiết bị chiếu sáng với sự tham gia của các doanh nghiệp như: Điện Quang, Rạng Đông, Hùng Phong, Công ty cổ phần khí cụ điện 1….; đề án hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lưc sản xuất và quảng bá sử dụng đèn Compact tiết kiệm năng lượng (Đến cuối tháng 5/2008, sản lượng đèn compact bán ra thị trường đã lên đến khoảng gần 20 triệu chiếc), riêng Cty Điện Quang cung cấp cho thị trường khoảng 1,4 triệu đèn T8 tiết kiệm năng lượng (đèn gầy)...

Ngoài ra, Chương trình cũng triển khai thành công cuộc vận động gia đình TKNL cho 600 hộ gia đình trên phạm vi 6 tỉnh thành (Hà Nội, Hà Tây, Nghệ An, Thái Bình, Quảng Ngãi, Đồng Nai); hơn 100 doanh nghiệp đã được kiểm toán năng lượng; hoàn thành trình diễn thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời quy mô công nghiệp và hộ gia đình…

Như vậy, lượng điện tiết kiệm được cụ thể là bao nhiêu, thưa ông?

Một số đề án cụ thể, có thể lượng hóa bằng số lượng sản phẩm TKNL bán ra trên thị trường như số lượng đèn TKNL, dàn đun nước nóng mặt trời, hầm biogas…; việc xác định năng lượng tiết kiệm được bao nhiêu hàng năm, Ban chỉ đạo đã giao Viện Năng lượng thống kê, đánh giá từng dự án cụ thể trong khuôn khổ Chương trình này, cuối năm 2008 mới có con số cụ thể.

Khó khăn lớn nhất mà chương trình gặp phải trong khi thực hiện chương trình TKNL hiện nay là gì, thưa ông?

Theo tôi, khung thể chế cho TKNL hiện nay của Việt Nam chưa hoàn chỉnh, các hoạt động liên quan đến TKNL chủ yếu vẫn mang tính tự nguyện, các chế tài chưa có hoặc có nhưng chưa đủ mạnh, cơ chế hỗ trợ về tài chính cho dự án TKNL cũng chưa có những quy định cụ thể…

Hy vọng những khiếm khuyết này sẽ được đưa vào nội dung Luật TKNL đang được các cơ quan liên quan soạn thảo, và khi luật này được ban hành thì những quy định này sẽ được thể chế hóa, có chế tài rõ ràng, trách nhiệm của các đối tượng sử dụng năng lượng sẽ được quy định cụ thể, hoạt động tiết kiệm năng lượng sẽ  đi vào nề nếp, tự giác.

Thưa ông, thực tế hiện nay  ở khối cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp nhà nước…việc  TKNL thực hiện rất khó khăn. Có ý kiến cho rằng, nên thực hiện khoán cả việc dùng điện đối với những cơ quan này?

Việc TKNL trong các công sở hành chính (dùng tiền ngân sách) đúng là còn ít chuyển biến. Theo Chỉ thị số 19 về tiết kiệm điện của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị hành chính, sự nghiệp phải tiết kiệm 10% lượng điện năng sử dụng hàng năm. 

Hiện nay Bộ Công thương và Bộ Tài chính đang soạn thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị - trên cơ sở xác định mức sử dụng điện năng trung bình hằng năm, xây dựng kế hoạch tiết kiệm 10% điện năng và giao Sở Công thương giám sát, kiểm tra.

Hiện nay dự thảo Thông tư đã hoàn thành, đang lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, dự kiến, trong quý 4/2008 thông tư này sẽ được ban hành.

Về định mức và khoán mức sử dụng điện cho các đơn vị, đây là công việc tương đối phức tạp, khó có thể có quy định thống nhất, vì đặc thù của từng loại hình công sở, điều kiện kinh tế, khí hậu… của các vùng miền Bắc-Trung - Nam là khác nhau, nơi dùng quạt, nơi dùng điều hoà...

Tuy nhiên, hiện nay Ban chỉ đạo cũng đang giao cho một Cơ quan tư vấn khảo sát và xây dựng các căn cứ khoa học để xây dựng và tiến tới ban hành định mức cụ thể đối với từng loại hình công sở trong thời gian tới.

Sao không thực hiện khoán việc tiết kiệm điện theo đầu người, thưa ông?

Hiện nay, đã thực hiện khoán chi hành chính trên đầu người rồi. Theo quan điểm của những chuyên gia về TKNL thì không nên khoán theo đầu người về mức sử dụng năng lượng, các nước cũng không ai làm như vậy.

Vì việc sử dụng điện năng phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng công sở, mà từng công sở ở những địa bàn khác nhau có điều kiện không giống nhau, nên không thể đưa ra một mức khoán chung. Mặt khác quan điểm của TKNL là làm sao để sử dụng năng lượng một cách có hiệu quả, không lãng phí chứ không phải là cắt giảm triệt để.

Ông kỳ vọng gì nếu Luật TKNL được QH thông qua và có hiệu lực?

Theo chỉ đạo của Chính phủ thì cuối năm nay Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ dự thảo Luật TKNL, sau đó Chính phủ sẽ xem xét trình QH. Theo kế hoạch, giai đoạn 2008-2010 sẽ hoàn thành dự thảo và ban hành Luật TKNL. Hiện nay, hầu hết các nước trong khu vực ASEAN đều đã có Luật TKNL, chỉ còn Việt Nam là chưa có.

Theo dự luật thì nhóm sử dụng nhiều năng lượng như: DN sử dụng nhiều năng lượng, các toà nhà thương mại, trang thiết bị sử dụng năng lượng và hoạt động giao thông vận tải sẽ chịu sự điều chỉnh mạnh nhất thông qua các chế tài cụ thể.

Bên cạnh đó, cũng đề xuất cơ chế tài chính khuyến khích, ưu đã thuế, lãi xuất vay, hỗ trợ đầu tư từ các Quỹ… để hỗ trợ các DN triển khai các dự án TKNL...

Xin cảm ơn ông !

Theo Tiền phong