Sự kiện

Cắt điện, vì sao?

Thứ ba, 5/8/2008 | 09:58 GMT+7
Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) vừa tổ chức 3 đoàn đi kiểm tra ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, với 8/11 công ty điện lực về tình hình cung cấp điện trong thời gian qua. 

Công nhân điện lực Sóc Sơn sửa chữa, bảo dưỡng đường dây nhằm giảm thất thoát điện năng

Cục trưởng Phạm Mạnh Thắng cho biết, việc cắt điện thường xuyên xảy ra trong các tháng 5, 6 và nhất là tháng 7 do các nhà máy gặp sự cố liên tục, làm cho toàn hệ thống điện bị thiếu công suất trầm trọng. Song, còn có nguyên nhân là do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không đánh giá hết tình hình, dẫn đến phải cắt điện đột xuất, hoặc rơle tự động sa thải phụ tải theo quy trình vận hành để bảo đảm an toàn hệ thống điện... Điều này gây bức xúc trong khách hàng sử dụng điện.

Thiếu hụt công suất tới 30-40%

Theo ông Phạm Mạnh Thắng, do hệ thống thiếu công suất khả dụng, EVN phải phân bổ cho từng công ty điện lực công suất được phép sử dụng hằng ngày. Nhưng, một số công ty điện lực có tỷ lệ điện cho sản xuất cao, trong đó Công ty Điện lực Ninh Bình 77%, Đồng Nai  80%, Hải Dương, Hải Phòng xấp xỉ 70% công suất cực đại. Mặc dù đã có chủ trương ưu tiên không cắt điện sản xuất, song với tỷ lệ điện cho sản xuất cao như ở các địa phương nêu trên, trong khi thiếu hụt công suất có lúc lên tới 30-40%, nên đã phải cắt điện cả sản xuất (nhiều công ty điện lực đã cắt điện sinh hoạt 7 ngày/tuần, 1 ngày mười mấy giờ, nhưng vẫn không đáp ứng đủ điện cho sản xuất). Hệ thống điện đang thiếu công suất vào cao điểm sáng, nên cắt điện vào ban ngày là chủ yếu.

Một nguyên nhân khiến hệ thống điều độ phải can thiệp với hình thức cắt điện các tuyến 110kV là do để bảo đảm doanh thu, nên một số nơi đã cung cấp sản lượng điện cho khách hàng cao hơn mức được phân bổ, vì thế gây ra thiếu hụt công suất trên hệ thống. Trong trường hợp sau khi cắt một số tuyến 110kV, hệ thống vẫn thiếu công suất, tần số hệ thống vẫn giảm, đe dọa an toàn cung cấp điện của toàn hệ thống thì các rơle bảo vệ tần số thấp sẽ tự động nhảy, lúc đó sẽ xảy ra tình trạng mất điện đột ngột. Với trường hợp này, công ty điện lực không giải thích cho khách hàng về việc mất điện đột xuất và thời gian cấp điện lại (vì họ cũng không biết khi nào hệ thống có đủ công suất để được đóng điện lại), dẫn đến khó khăn, bức xúc cho khách hàng sử dụng điện.  

Tình hình sẽ được cải thiện

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực khẳng định, việc cắt điện là do hệ thống thiếu công suất, nếu không cắt giảm, công suất cực đại của hệ thống có thể lên tới 13.000-13.500MW. Thời gian cuối tháng 7-2008, ngành Điện thường xuyên chỉ cung cấp được 10.500-11.000MW, thiếu 2.500-3.000MW/ngày do Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 1 bị sự cố, Cà Mau 1 tách ra để thí nghiệm (trong thời gian thí nghiệm không cân đối vào hệ thống điện được), cộng với lý do nước các hồ thủy điện phía Nam như Hàm Thuận, Đa Mi, Vĩnh Sơn, Ialy rất thấp.

Ở miền Bắc, do sự cố của Nhà máy Uông Bí mở rộng, đến tháng 11-12 này cũng giải quyết chưa xong. Không những thế, lượng khí Nam Côn Sơn chỉ cung cấp tối đa được 15-16,5 triệu  mét  khối khí/ngày, đến 15-8 mới có thể cấp được 20 triệu mét khối/ngày và lúc đó mới có đủ khí cho tất cả các nhà máy tại Phú Mỹ và Nhơn Trạch hoạt động. Từ ngày 23-7 trở đi, các nhà máy bị sự cố đã xử lý xong, Cà Mau 1 sau thời gian thí nghiệm đã chạy đầy tải, đây là một điều kiện tốt để EVN huy động thêm công suất. Cà Mau 2 cũng bắt đầu giai đoạn thí nghiệm, Cục Điều tiết điện lực đã làm việc với EVN và Tập đoàn Dầu khí quốc gia, yêu cầu phải thí nghiệm tối đa vào ban ngày để hỗ trợ một phần công suất cho hệ thống. Nhơn Trạch 1 cũng đang thí nghiệm, sẽ đưa vào vận hành thương mại từ 15-8. Dự kiến trong tháng 8, tình hình cung cấp điện có thể được cải thiện hơn do hệ thống điện được bổ sung thêm khoảng 1000 MW từ Nhơn Trạch 1 và Cà Mau 1.

Theo HNM