Sự kiện

Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2008): Người khởi xướng và phát động thi đua cho ngành Điện

Thứ sáu, 1/8/2008 | 10:20 GMT+7
Phong trào thi đua của ngành Điện được khởi xướng, phát động từ ngày Bác Hồ đến thăm Nhà máy điện Yên Phụ và Nhà máy đèn Bờ Hồ tại Hà Nội (ngày 21/12/1954). Tại đây, Bác đã ra lời kêu gọi thi đua với ngành Điện Việt Nam.

 

 
 Bác Hồ phát động thi đua cho ngành Điện khi đến thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ (ngày 21/12/1954)

Sau khi khen ngợi cán bộ công nhân đã giữ vững dòng điện được an toàn liên tục trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954), Bác Hồ đã nói: “Vì muốn thoát vòng nô lệ mà chúng ta kháng chiến. Trước chúng ta làm cho thực dân Pháp, nay chúng ta làm cho nhân dân. Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải giữ gìn Nhà máy này, làm cho nó phát triển hơn nữa”... Muốn thế, trước hết phải đoàn kết một lòng. Trong thời kỳ thuộc Pháp, chúng đã chia nhân viên kỹ thuật ra một hạng, cai sếp một hạng, công nhân một hạng. Chia để trị, làm cho ba hạng không đoàn kết và đều phải làm nô lệ. Bây giờ chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ…”

Để phát huy tinh thần làm chủ, đẩy lùi tư tưởng làm thuê, khắc phục những trì trệ yếu kém, Bác Hồ đã nhấn mạnh với một hàm ý giáo dục sâu sắc về tư tưởng, tổ chức và hành động cách mạng cụ thể. Bác nói: … “Chúng ta đoàn kết để thi đua. Thi đua phải có tổ chức, có kế hoạch. Thi đua không phải là ganh đua, giấu nghề. Thi đua có nghĩa là mọi người phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hay lẫn nhau, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm để cùng nhau tiến bộ. Thi đua nhằm: Tăng năng suất; Tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu. Đồng thời, phải tuyên truyền cho nhân dân và các cơ quan ý thức tiết kiệm điện”… “Người này thi đua với người khác, tổ này thi đua với tổ khác, nhà máy này thi đua với nhà máy khác”… “Các cô, các chú giống như một bộ máy. Nếu một bộ phận, một người nào mắc khuyết điểm mà không sửa chữa thì ảnh hưởng xấu đến cả guồng máy chung. Vì thế, các cô, các chú, lao động trí óc và chân tay, phải đoàn kết chặt chẽ, thi đua làm cho nhà máy phát triển”.

 

Nhân dịp đó, Bác tặng 10 huy hiệu có mang hình ảnh Bác (Huy hiệu Bác Hồ) để làm giải thưởng thi đua. Từ đó, phong trào thi đua của ngành Điện càng có ý nghĩa thiết thực, trở thành phong trào quần chúng rộng rãi và ngày càng được nhân lên gấp bội. Trong những năm đầu phục hồi sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh (chống Pháp); bước đầu phát triển kinh tế - văn hóa với các kế hoạch ngắn hạn (1958 – 1960) và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965) ở miền Bắc, Bác Hồ luôn luôn quan tâm đến những khó khăn trở ngại của ngành Điện. Đặc biệt là những năm có chiến tranh phá hoại, Bác và Trung ương Đảng, Chính phủ đã quan tâm, chăm lo nhiều hơn đến các hoạt động sản xuất – kinh doanh của ngành Điện sao cho Điện lực phải đi trước một bước phục vụ an ninh chính trị, an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 25/4/1958, Bác đến thăm ngành Điện nhân dịp phát động cải tiến quản lý xí nghiệp quốc doanh, đẩy mạnh sản xuất. Bác chỉ thị: Muốn thi đua thắng lợi “phải thực hiện bằng được 4 mục tiêu của sản xuất là: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Bốn mục tiêu đó bổ sung cho nhau. Được mặt này, thiếu mặt khác là không đủ…” Bác lại tặng 5 huy hiệu của Bác cho các chiến sỹ thi đua xuất sắc tiêu biểu nhất. Hai đồng chí Trương Văn Lục và Hồ Chấn vinh dự được Bác trực tiếp trao tặng mỗi người một huy hiệu làm kỷ niệm thi đua. Khi ngành Điện tổng kết cải tiến quản lý xí nghiệp, Bác Hồ lại đến dự và phát biểu: “Quản lý xí nghiệp nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Muốn tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm thì phải quản lý tốt. Muốn quản lý tốt thì cán bộ và công nhân phải thông suốt tư tưởng, phải có thái độ làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp”…

Những lần đến thăm các công trường, xí nghiệp của ngành Điện khi đang thi công, xây dựng hoặc khánh thành (1) hay trong các dịp đón Tết cổ truyền, tới đâu Bác cũng biểu dương những gương tốt điển hình và nhắc nhở công việc thi đua. Ngày 27/1/1960, khi đến thăm gia đình công nhân đường dây Trần Công Tốt, chiến sĩ thi đua liên tục nhiều năm của Nhà máy điện Hà Nội, Bác đã ngợi khen về thành tích xuất sắc nhưng không quên nhắc nhở: “Phải phấn đấu trở thành thợ giỏi và là một công dân tiêu biểu”.

Những năm đầu sau khi giải phóng hoàn toàn miền Bắc (1954 – 1955), ngành Điện nước ta còn yếu kém và khó khăn về mọi mặt. Song CBCNV ngành Điện đã vượt qua ngưỡng cửa của các kế hoạch: Phục hồi sản xuất, khôi phục kinh tế, hoàn thành toàn diện vượt mức kế hoạch 3 năm (1958 – 1960) trước thời hạn và đã xây dựng thêm được 3 nhà máy điện mới. Đó là: Nhà máy điện Vinh (Nghệ An), Nhà máy điện Hàm Rồng (Thanh Hóa), Nhà máy điện Lào Cai; cải tạo và nâng cấp đường dây, các trạm biến áp 30,5 kV lên 35 kV, đưa tổng công suất điện ở miền Bắc lên gấp đôi thời Pháp thuộc.

Bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965), yêu cầu về thi đua lúc này phải có “cao trào”. Chuyên môn và công đoàn ngành Điện đã xây dựng được nhiều tổ, đội lao động XHCN (Đội quản lý cáp ngầm và phân xưởng Tua – bin nhà máy điện Hà Nội là những đơn vị đầu tiên của ngành Điện được phong tặng danh hiệu đơn vị Lao động XHCN và được tặng thưởng huân chương lao động hạng III). Đoàn Thanh niên lúc đó có phong trào “xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch…”; Phụ nữ có phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”… Tất cả đều khởi sắc, nở hoa. Một khẩu hiệu mới được nêu ra: “Đốt cám thay don, đổi lấy máy móc tô son nước nhà” (Nghĩa là phải đốt 100% than cám, dành than don xuất khẩu, đổi ngoại tệ, mua máy móc thiết bị để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống…).

Khẩu hiệu nêu ra lúc đầu có ý nghĩa rất tích cực. Mọi người hăng hái thi đua đẩy mạnh sản xuất. Nhưng trong thực tiễn, khi huy động công suất, nhiệt lượng than ở các buồng lửa không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết bị vận hành trục trặc, bụi than nhiều, môi trường bị ô nhiễm, tần số điện thế không ổn định, vững chắc, chất lượng điện kém… Hội đồng sáng kiến đề nghị xem xét lại chất lượng than vì hiệu suất sinh hơi của các lò rất thấp… Khi ấy, mọi người đã suy nghĩ đến câu nói của Bác Hồ “Thi đua phải đảm bảo 4 mục tiêu: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ”. Mục tiêu thứ ba ở đây chưa đạt! Hội đồng thi đua cho rút kinh nghiệm và cho thí nghiệm lại chế độ đốt cháy xem có phải vì dùng 100% than cám và lại là cám xấu? Cám đó có đạt tiêu chuẩn kỹ thuật không? Có phải vì thế mà ảnh hưởng đến chất lượng điện không?... Từ đó đưa ra chủ trương mới, sát thực hơn: Sẽ pha trộn 80% than cám, 10 – 20% than don và triệt để tận dụng lại than qua lửa (đã qua xàng tuyển lại than chưa cháy hết) sao cho đạt tỷ lệ thích hợp với đặc điểm của các lò ghi xích hiện có. Cách làm đó đã huy động được công suất và sản lượng điện đạt hiệu quả cao, hạn chế những hỏng hóc của thiết bị vận hành, chấm dứt tình trạng sửa chữa đột xuất, giữ được tuổi thọ thiết bị, hạ giá thành sản xuất điện.

Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã hoàn thành toàn diện, vượt mức trước thời hạn. Điện sản xuất ra đạt 659,5 triệu kWh, tăng 5 lần so với năm 1960. Điện phục vụ công nghiệp tăng 4,3 lần; nông nghiệp tăng 8,7 lần; sinh hoạt xã hội tăng 1,6 lần; số các đơn vị sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp dùng điện tăng 2 lần; số trạm bơm nông nghiệp tăng 21,3 lần. Từ năm 1955 đến 1965, sản lượng điện miền Bắc tăng hơn 12 lần. Đội ngũ CNVC từ 1291 người (1955) đến cuối 1965 đã tăng 2,6 lần, trong đó có: 107 người có trình độ đại học; 520 người có trình độ trung học; hầu hết công nhân có trình độ văn hóa cấp II, có tay nghề bình quân bậc 3/7. Ở giai đoạn này ngành Điện đã có những bước phát triển mới: Về nguồn điện, đã ra đời thêm 4 nhà máy điện hệ trung áp (Việt Trì 16 MW, Thái Nguyên 24 MW, Hà Bắc 12 MW, Uông Bí (đợt 1 - 48 MW). Hai nhà máy thủy điện: Bàn Thạch (Thanh Hóa) và Thác Bà được khởi công xây dựng… Ngoài ra còn bổ sung thêm thiết bị lò hơi Ỏ 32 T/h cho các nhà máy nhiệt điện: Hòn Gai, Yên Phụ, Thượng Lý để có điều kiện huy động hết công suất thiết kế. Về lưới điện, cùng với việc mở rộng hàng ngàn km đường dây 35 kV liên thông các tỉnh (phía Bắc), đã xây dựng và đưa vào hoạt động các đường dây và trạm biến áp 110 kV. 9 trong số 12 nhà máy điện đã hòa lưới an toàn, nâng tổng công suất điện (trên lưới) lên 130 MW.

Trong những năm chiến tranh phá hoại (1965 – 1972), hầu khắp các cơ sở điện lực ở miền Bắc bị chiến tranh tàn phá. Khẩu hiệu thi đua lúc này là: Địch đánh, ta sửa. Địch lại đánh, ta lại sửa vì Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu. Cho nên, trong bất kể tình huống nào cũng phải dốc lòng, dốc sức, sửa chữa, khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất để mau chóng có thiết bị đưa vào vận hành, phục vụ sản xuất, chiến đấu. Giai đoạn này ngành Điện đã đóng góp xứng đáng mồ hôi, công sức và máu của mình để phục vụ sản xuất, chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra, còn góp phần bắn rơi máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời miền Bắc. Nhiều tập thể và cá nhân đã được tuyên dương, khen thưởng và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động hoặc Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Khi đất nước thống nhất, nhiều hoạt động thi đua đã tỏa khắp các cơ sở điện lực trong toàn quốc. Hầu hết các ngành nghề đều có những nội dung và mục tiêu thi đua thiết thực, cụ thể và có chiều sâu, tạo nên những vườn hoa thi đua muôn màu sắc. Nhiều nơi đã có những khởi sắc phong trào đi sâu vào ngành nghề và đã biến nó thành phong trào chung trong các cơ sở có các ngành nghề tương tự: Điện Ninh Bình đã có phong trào thi đua “ca vận hành an toàn, kinh tế”, Điện lực Hà Nội có phong trào: Mỗi người có một sáng kiến hoặc xây dựng phong cách người thợ điện Thủ đô văn minh, thanh lịch; Truyền tải điện có phong trào “Trạm vận hành an toàn xanh, sạch, đẹp”; Công ty Điện lực 1 có phong trào chấm điểm thi đua; Thi đua liên kết; Thi đua giữa các chi nhánh điện… Nhiều cơ sở khác từ phía Nam đến phía Bắc đã và đang dấy lên các phong trào thi đua mới sôi nổi, rộng khắp, gặt hái được nhiều chiến công kỳ diệu.

Cho đến nay, ngành Điện đã có những đổi thay và lớn mạnh không ngừng. Từ chỗ chỉ có vài ba cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ bé, nay đã trở thành một tập đoàn kinh tế lớn mạnh, có tầm cỡ quốc gia và khu vực với hàng trăm cơ sở sản xuất – kinh doanh điện năng; lưới điện phát triển mạnh với hàng trăm trạm biến áp công suất lớn, hàng ngàn km đường dây siêu cao áp 500 kV. Tổng công suất và sản lượng điện toàn Ngành đạt hàng chục ngàn MW và vài chục tỷ kWh hằng năm. Sức lớn mạnh đó đã tạo điều kiện thuận lợi để ngành Điện Việt Nam bước vào hội nhập, phát triển sản xuất, kinh doanh. Chẳng bao lâu nữa, Nhà máy Thủy điện Sơn La (2400 MW) cùng với hàng chục nhà máy điện mới khác, trong đó có cả nhà máy điện hạt nhân sẽ vào hoạt động, chắc chắn sẽ tạo nên tiềm lực sung sức cho ngành Điện nước ta ngày càng phục vụ đắc lực cho sự nghiệp CNH – HĐH đất nước. Đó chính là thành tích có ý nghĩa lớn lao nhằm đáp đền tình cảm, công ơn dìu dắt, giáo dục của Bác Hồ kính yêu đối với ngành Điện thuở ban đầu dựng nghiệp. 

Chú thích: (1)Bác Hồ đến thăm các nhà máy điện: Vinh (1957), Lào Cai (1958), Thái Nguyên (1964) và Uông Bí (1965)

Theo Tạp chí Điện lực số 6/2008