Sự kiện

Kiểm tra tình hình cung ứng điện ở các công ty điện lực: Cắt điện là bất khả kháng

Thứ hai, 11/8/2008 | 10:25 GMT+7
Việc mất điện liên tục trên diện rộng ở nhiều địa phương thời gian qua làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, sinh hoạt của người dân đã làm cho dư luận vô cùng bức xúc

Để hiểu rõ thực trạng, nguyên nhân và tìm biện pháp khắc phục tình hình, vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn công tác do Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) chủ trì đi kiểm tra tình hình cung cấp điện ở các công ty điện lực trên cả nước.

Cắt điện là bất khả kháng

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến việc cắt điện thường xuyên xảy ra trong mùa khô, nhất là tháng 7 vừa qua là do tình hình thiếu nguồn trầm trọng trên cả nước. Các nhà máy gặp sự cố liên tục, làm cho toàn hệ thống điện bị thiếu công suất khả dụng trầm trọng. Toàn bộ công suất khả dụng chỉ đạt 10.500-11.000MW, trong khi nhu cầu công suất cực đại của hệ thống có thể lên tới 13.000-13.500MW. Như vậy, mỗi ngày nguồn cung điện thiếu từ 2.500-3.000MW. Để đảm bảo tối đa nhu cầu điện cũng như an toàn hệ thống điện, EVN buộc phải phân bổ mức công suất tiết giảm về các công ty điện lực.

Kết quả kiểm tra cho thấy, việc cắt giảm điện theo công suất phân bổ được các đơn vị thực hiện khá nghiêm túc. Nhiều nơi đã huy động tối đa các nguồn điện ngoài (Công ty Điện lực 3 (PC3) đã huy động 189 triệu kWh từ các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, gần 3 triệu kWh từ nguồn diesel trên địa bàn) nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào EVN. Các đơn vị đã lập danh sách khách hàng ưu tiên, thông báo công khai việc ngừng và giảm mức cung cấp điện theo đúng qui định. Các xuất tuyến, phân đoạn hay phụ tải khi tiết giảm đều cố gắng đảm bảo tính luân phiên, hoán chuyển mức cài đặt của một số xuất tuyến để đảm bảo thứ tự ưu tiên cung cấp điện. Mặt khác, do các nhà máy công nghiệp phân bố xen kẽ với phụ tải ánh sáng sinh hoạt nên việc thực hiện sa thải rất khó khăn. Phụ tải ở nhiều nơi phân bố rải rác, số TBA và đường dây 110kV ít nên việc lựa chọn các đường dây và TBA 110kV để thực hiện lệnh cắt điện khẩn cấp rất khó đảm bảo tính luân phiên.

Có cả nguyên nhân chủ quan

Tuy nhiên, vấn đề khiến dư luận bức xúc chính là tình trạng cấp điện không công bằng, có nơi bị mất điện kéo dài hàng tuần. Đặc biệt là tình trạng mất điện đột ngột không báo trước làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh và sinh hoạt. Nhiều nhà máy, xí nghiệp bị hỏng sản phẩm hàng loạt do mất điện đột ngột không rõ lý do. Về vấn đề này, có phần nguyên nhân do EVN không đánh giá hết tình hình, dẫn đến phải cắt điện đột xuất, hoặc rơle tự động sa thải phụ tải theo quy trình vận hành để bảo đảm an toàn hệ thống điện.

Đặc biệt, một số công ty điện lực như Ninh Bình, Đồng Nai, Hải Dương, Hải Phòng có tỷ lệ điện cho sản xuất cao (70-80%), dẫn tới công suất có lúc bị thiếu hụt nghiêm trọng (tới 30-40%). Trong trường hợp này thì dù có hết sức ưu tiên cũng vẫn buộc phải cắt cả điện sản xuất. Hơn nữa, vì lý do doanh thu nên một số công ty đã cung cấp điện cho khách hàng cao hơn cả công suất được phân bổ. Lượng “lạm phát” này ở mỗi công ty không nhiều nhưng tổng toàn bộ 11 công ty đã gây ra việc thiếu hụt công suất đáng kể trên toàn hệ thống.

Điều đó khiến các trung tâm điều độ phải can thiệp bằng cách cắt điện các tuyến 110kV làm mất điện cả sản xuất và sinh hoạt trên diện rộng. Trường hợp cắt khẩn cấp và do rơle tự động cắt thì “nhà điện” được phép “tiền trảm hậu tấu” cắt điện trước giải thích sau. Có trường hợp sau khi cắt một số tuyến 110kV, hệ thống vẫn thiếu công suất, tần số hệ thống vẫn giảm, đe dọa an toàn của toàn hệ thống thì các rơle bảo vệ tần số thấp sẽ tự động nhảy dẫn đến tình trạng mất điện đột ngột. Khi đó, bản thân các công ty điện lực cũng “bó tay” không thể báo trước cho khách hàng, cũng không thể giải thích lý do mất điện và thời gian cấp điện lại (vì họ cũng không biết khi nào hệ thống có đủ công suất để được đóng điện lại).

Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng có lúc khách hàng được thông báo mất điện để chủ động bố trí, có lúc lại bị bất ngờ. Tuy nhiên, nhiều công ty điện lực chưa làm tốt việc giải thích để khách hàng hiểu. Dư luận cho rằng điều đó thể hiện tính độc quyền và chưa tôn trọng khách hàng của các công ty điện lực.

Tình hình cấp điện chưa hết khó khăn

Từ cuối tháng 7, các nhà máy bị sự cố đã xử lý xong, Cà Mau 1 đã chạy đầy tải. Cà Mau 2 cũng bắt đầu giai đoạn chạy thí nghiệm chu trình đơn 1 hoặc 2 tổ máy (tùy theo từng ngày). Cục Điều tiết điện lực đã làm việc với EVN và Tập đoàn Dầu khí quốc gia, yêu cầu thí nghiệm tối đa vào ban ngày để hỗ trợ một phần công suất cho hệ thống. Nhơn Trạch 1 cũng đang thí nghiệm vận hành chu trình đơn công suất 150 MW; tổ máy 2 cũng đang trong thời gian chạy thí nghiệm hiệu chỉnh, dự kiến đưa vào vận hành thương mại từ ngày 15/8.

Như vậy, có khả năng trong tháng 8, tình hình cung cấp điện sẽ có phần được cải thiện. Muốn an toàn thì EVN phải tính nguồn dự phòng để khi các nhà máy gặp sự cố là có nguồn bổ sung ngay. Để tránh cắt điện liên tục các xuất tuyến, ngoài việc yêu cầu các trung tâm điều độ hệ thống điện hoán đổi luân phiên giá trị tần số cài đặt các xuất tuyến và tiến hành cắt lẻ các nhánh rẽ và đường dây theo thứ tự ưu tiên, các nhà chuyên môn cho rằng giải pháp tiết kiệm điện và sử dụng điện hợp lý vẫn là biện pháp hàng đầu là nhằm hạn chế tình trạng cắt điện đột ngột.

Theo Công Thương