Sự kiện

Thủy điện nhỏ - Hiệu quả lớn

Thứ năm, 14/8/2008 | 09:30 GMT+7
Nước ta có nhiều rừng núi, cao nguyên, sông suối, lại mưa nhiều, tạo nên ưu thế nổi trội cho phát triển thuỷ điện, nhất là thuỷ điện vừa và nhỏ. Tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch xây dựng 57 dự án thuỷ điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn với tổng công suất trên 1.100 MW. Tỉnh Gia Lai sau 2 lần quy hoạch đã định hình 110 công trình thuỷ điện nhỏ có tổng công suất khả dụng trên 500 MW. Tỉnh Đắc Nông đã có chính sách khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng 64 công trình thuỷ điện nhỏ có tổng công suất lắp đặt 185 MW...
Đến thời điểm này, ngoài hàng chục dự án thuỷ điện có công suất lắp đặt từ 300 đến 2.400 MW do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đầu tư, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong cả nước đang triển khai đầu tư gần 300 dự án thuỷ điện nhỏ có tổng công suất lắp đặt từ 2.500 – 3.000 MW, tương ứng với sản lượng hàng năm khoảng hơn 10 tỷ kWh, chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội. Nhiều dự án thuỷ điện có công suất trên dưới 100 MW, nằm trong danh mục nguồn điện theo Quy hoạch điện VI đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhìn chung, các dự án thuỷ điện nhỏ này có nhiều ưu điểm như: Sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng thiên nhiên có khả năng tái tạo, đóng góp một sản lượng điện đáng kể cho mạng lưới điện quốc gia; góp phần tiết kiệm cho đất nước một khối lượng lớn than, dầu khí đang ngày càng khan hiếm; không phải di dân nhiều; điều hoà lượng nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dân sinh, nhất là trong mùa khô, hạn chế lũ lụt về mùa mưa; đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở những vùng khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc ít người sinh sống; bảo vệ an ninh, quốc phòng. Trong đó, riêng giai đoạn 2006-2010, các dự án đi vào hoạt động đã có tổng công suất lắp đặt hơn 1.000 MW, góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu điện cho đất nước.

Cùng với EVN và PV Power, các Tổng công ty Sông Đà (SONGĐA), Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Đầu tư và phát triển hạ tầng (LICOGI), Cơ khí xây dựng (COMA), Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO), Tổng công ty Cổ phần xuất nhập khẩu (VINACONEX), Công ty Cổ phần sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh (BITEXCO)... đã đi đầu trong đầu tư xây dựng các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ. SONGĐA đang từng bước khẳng định là nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực năng lượng điện. Tổng công ty đã hoàn thành và đưa vào vận hành an toàn, hiệu quả các dự án thuỷ điện Sê San3 có công suất lắp đặt 108 MW, Cần Đơn có công suất 77,6 MW, Nậm Mu và Nà Lơi có tổng công suất 21,3 MW. Tổng công ty đang khẩn trương thi công, xây lắp hoàn thiện để sớm đưa vào vận hành nhiều dự án thuỷ điện nhỏ ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; đồng thời chủ trì đầu tư dự án Thuỷ điện Bảo Lâm (Cao Bằng) có công suất 190 MW, không chỉ sản xuất điện mà còn có nhiệm vụ chống lũ trong mùa mưa, cấp nước trong mùa khô cho vùng hạ du.

PV Power và LILAMA cùng với các đối tác đang tiến hành triển khai dự án thuỷ điện Hủa Na tại xã Đồng Văn, huyện Quế  Phong, tỉnh Nghệ An. Dự án này có công suất 180 MW với tổng số vốn đầu tư trên 4.332 tỷ đồng, dự kiến tổ máy số I sẽ phát điện vào tháng 3/2011. BITEXCO đã liên doanh liên kết với một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng Nhà máy thuỷ điện Nho Quế 3 có công suất 99 MW, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2010, hàng năm cung cấp cho hệ thống điện quốc gia hơn 466 triệu kWh. IDICO làm chủ đầu tư xây dựng Nhà máy thuỷ điện Đăk Mi 4 tại xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Nhà máy này có tổng công suất 200 MW với tổng số vốn đầu tư 4.547 tỷ đồng. Dự kiến năm 2010, tổ máy số I hoà lưới điện quốc gia, với sản lượng điện trung bình hàng năm 752,5 triệu kWh. Công ty cổ phần Thuỷ điện 3 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) làm chủ đầu tư Nhà máy thuỷ điện trên sông Ba Hạ có công suất 200 MW, đến nay đã hoàn thành trên 80% tổng khối lượng công việc, đang khẩn trương xây lắp những phần còn lại để đưa nhà máy vào vận hành theo đúng kế hoạch. Công ty Cổ phần thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh và Công ty Cổ phần đầu tư Vĩnh Sơn đã đầu tư 1.660 tỷ đồng xây dựng Nhà máy thuỷ điện Vĩnh Sơn tại khu vực thượng nguồn sông Côn. Nhà máy có tổng công suất 78 MW, dự kiến hoàn thành năm 2010, cung cấp cho lưới điện quốc gia mỗi năm hơn 270 triệu kWh.

 Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép đầu tư xây dựng Nhà máy thuỷ điện Mỹ Lý nằm trên sông Cả, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An với công suất lắp đặt máy 280 MW, sản lượng điện bình quân hàng năm 1,1 tỷ kWh, vốn đầu tư dự kiến 7.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư nhà máy này gồm Tập đoàn Đức Long Gia Lai, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Công ty cổ phần Bản Vẽ và Công ty tư vấn xây dựng điện I. Trong đó, Tập đoàn Đức Long Gia Lai nắm quyền chi phối dự án. Theo kế hoạch dự kiến, Nhà máy Thuỷ điện Mỹ Lý sẽ hoàn thành và hoà điện lên lưới quốc gia vào cuối năm 2010...

Phát triển thuỷ điện tạo ra nguồn năng lượng cho quốc gia và các địa phương, đem lại lợi ích cho nhân dân đã rõ, nhưng nhiều nhà chuyên môn và chuyên gia ngành Điện nước ta cũng đã cảnh báo về sự tác động xấu đến môi trường, sinh thái, từ việc mất đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, mất an toàn hệ sinh thái, chắn dòng chảy làm chậm lưu thoát đỉnh lũ trong mùa mưa... Vì thế, để hạn chế mặt trái tác động của các dự án thuỷ điện nhỏ, tránh tranh chấp nguồn tài nguyên nước giữa các địa phương; để phát triển thuỷ điện nhỏ, nên có quy hoạch và nghiêm chỉnh tuân thủ theo quy hoạch; quy hoạch của địa phương phải trên cơ sở quy hoạch của ngành và quy hoạch tổng thể của cả nước. Các cơ quan chức năng cần rà soát lại các dự án thuỷ điện nhỏ nằm trong vùng bảo tồn thiên nhiên và có giải pháp cụ thể trong việc quản lý môi trường. Có như vậy, việc phát triển nguồn năng lượng sạch có khả năng tái tạo này mới hoàn toàn mang lại hiệu quả kinh tế và giảm thiểu các thiệt hại cho đất nước và nhân dân.

Theo TCĐL số 7/2008