Sự kiện

Năng lượng bền vững-thách thức chủ yếu trong thế kỷ 21

Thứ sáu, 2/11/2007 | 00:00 GMT+7
Các viện khoa học hàng đầu thế giới cảnh báo rằng năng lượng chính là một trong những mối đe dọa lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21, khi mà các cuộc chiến tranh dầu mỏ từ trước đến nay và tình trạng biến đổi khí hậu đều gắn với thói quen sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch.

Các quốc gia trên thế giới cần cung cấp điện năng cho 1,6 tỷ người hiện đang sống không có điện, nhưng phải là từ những nguồn năng lượng không góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng Trái đất ấm lên và xung đột địa chính trị. Các nhà khoa học cho rằng việc chuyển sang nguồn năng lượng bền vững trong tương lai là một trong những thách thức chủ đạo mà nhân loại phải đối mặt trong thế kỷ này.

Báo cáo nhan đề: “Thắp sáng Con đường: Tiến tới nguồn Năng lượng Bền vững trong Tương lai” do Hội đồng liên Học viện công bố đã khẳng định những bằng chứng khoa học cho thấy xu hướng năng lượng hiện nay có tính chất không bền vững. Các tác giả bản báo cáo đã gióng lên hồi chuông đặc biệt nhấn mạnh đến làn sóng gia tăng các nhà máy điện đốt than thông thường ở Trung Quốc và các nước đang phát triển khác. Việc mở rộng đáng kể công suất sử dụng than trên khắp thế giới có thể trở thành thách thức đơn lẻ lớn nhất thế giới trong tương lai đối với những nỗ lực ổn định lượng khí thải cácbon điôxít (CO2) trong bầu khí quyển.

Theo các nhà nghiên cứu dẫn đầu là giám đốc Dự án Cácbon Toàn cầu Josep G. Canadell thuộc Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp chung của Ôxtrâylia, lượng khí thải CO2 năm 2006 cao hơn 35% so với năm 1990 - một tốc độ tăng nhanh hơn nhiều so với dự đoán. Cơ quan Năng lượng Quốc tế còn dự đoán lượng khí thải CO2 sẽ tăng thêm 50% so với mức năm 2004. Việc gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch cùng với việc giảm hấp thụ khí đốt từ đại dương và đất liền chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng nhanh trên. Ngoài ra, tốc độ tăng dân số và sự thịnh vượng cũng góp phần đáng kể làm tăng lượng CO2 trong bầu khí quyển, trong khi khả năng hấp thụ tự nhiên hóa chất từ không khí chậm lại.

Nghiên cứu mới đây cũng chứng tỏ lượng cácbon do đốt nhiên liệu hóa thạch và sản xuất xi măng đã tăng từ 7 tỷ tấn năm 2000 lên 8,4 tỷ tấn năm 2006. Tốc độ tăng trưởng từ 1,3%/năm trong giai đoạn từ 1990-1999 lên 3,3%/năm trong giai đoạn 2000-2006. Bên cạnh đó, các đại dương trên thế giới có thể mất dần khả năng hấp thụ lượng CO2 từ khí quyển. Theo các nhà nghiên cứu Anh, lượng hấp thụ CO2 của Bắc Đại Tây Dương đã giảm một nửa trong giai đoạn từ giữa thập kỷ 1990 và những năm từ 2002 đến năm 2005.

Tác giả Canadell thuộc Dự án Cácbon Toàn cầu cho biết 50 năm trước, mỗi một tấn CO2 thải ra thì có khoảng 600 kg được hấp thụ tự nhiên. Năm 2006, tỷ lệ này chỉ có 550 kg/tấn và vẫn đang tiếp tục giảm xuống.

Trong khi đó, việc mở rộng công suất sử dụng than và phát triển cơ sở hạ tầng làm gia tăng lượng khí thải CO2. Quản lý lượng CO2 gây hiệu ứng nhà kính chính là nhân tố khuyến khích công nghệ thâu tóm và tích trữ cácbon (CCS), đồng thời cũng là thách thức lớn về mặt kinh tế và công nghệ. CCS có nghĩa là tách khí CO2 trong các nhà máy, sau đó bơm nó vào các văn phòng địa chất sâu dưới lòng đất, chẳng hạn như các mỏ dầu đã khai thác hết, thay vì để nó phát tán vào bầu khí quyển.

Nhiều nhà khoa học đang xem xét công nghệ thí điểm này rất cẩn trọng, chờ đợi thời gian để có thể khẳng định CCS là an toàn và không gây ra hậu quả tiềm tàng đối với hệ thống khí hậu.

Bản báo cáo cũng đề nghị phát động chương trình toàn hành tinh ủng hộ sử dụng năng lượng hiệu quả nhằm giảm lượng khí thải, hướng tới nguồn năng lượng tái sinh, đồng thời tạo cơ hội khổng lồ cho các nước nghèo giàu nguồn năng lượng sức gió và năng lượng mặt trời, nhưng nghèo tiền mặt để có thể mua dầu mỏ và khí đốt. Năng lượng hạt nhân có thể tiếp tục góp phần đáng kể đối với nguồn năng lượng chung của thế giới trong tương lai, nhưng các mối lo ngại lớn liên quan đến vấn đề chi phí vốn, độ an toàn và phổ biến vũ khí cũng cần được quan tâm giải quyết.

Theo các nhà khoa học, việc chuyển sang nguồn năng lượng bền vững chỉ có thể thực hiện được nếu các quốc gia cùng nhau chi trả các khoản tài chính cần thiết và thực hành thành thạo chuyên môn. Việc quy định giá cácbon để phạt các trường hợp gây ô nhiễm, chất thải, đồng thời thưởng các trường hợp sử dụng năng lượng sạch vẫn là phần chủ chốt để đi đến thành công./.

Mai Phương