Sự kiện

Nhà máy Thuỷ điện Hòa Bình: Biểu tượng cao đẹp của tình hữu nghị Việt Xô

Thứ năm, 1/11/2007 | 00:00 GMT+7
Bây giờ, ngày nào ít nhất cũng có vài đoàn khách du lịch đến thăm Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình, và vì vậy, ngày nào ở nơi tưởng niệm những người đã hy sinh trên công trường xây dựng Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình cũng được sưởi ấm bởi tình người...Chúng tôi được chứng kiến một ông già đang châm nắm hương trong cơn mưa đầy trời. Ông ngậm ngùi cắm đủ 168 nén nhang trên 168 bát nhang thờ những người đã ngã xuống khi xây dựng công trình này. Không phải một mình ông, mà tất cả những người đến đây đều bắt đầu thắp nén hương đầu tiên từ những bát nhang của 11 chuyên gia Liên Xô. Có phải vì các bát nhang này được đặt ở vị trí trang trọng nhất hay vì lòng tôn kính, hiếu khách của người dân Việt Nam. Có lẽ là do cả hai

                   

Sông Đà là một nhánh lớn chiếm khoảng 55% lượng nước lũ hàng năm của sông Hồng. Từ trước khi có Nhà máy máy thuỷ điện Hòa Bình, theo thống kê 100, đã xảy ra nhiều trận lũ lớn trên sông Đà, làm vỡ nhiều tuyến đê xung yếu của hệ thống sống Hồng, gây lụt lội trên diện rộng, làm tổn thất lớn về người và tài sản ở nhiều tỉnh đồng bằng Bắc bộ, như các trâhn lũ : năm 1902 với lưu lượng đỉnh lũ là 17.700m3/s, năm 1945 là 21.000m3/s, năm 1971 là 16.000m3/s...

Năm 1991, công trình thuỷ điện Hòa Bình được đưa vào chống lũ theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng. Từ đó đến nay, công trình đã cắt lũ an toàn và hiệu quả 75 trận lũ, với tổng lượng nước là 290 tỷ m3. Trong đó đã cắt thành công 2 trận lũ lịch sử, lớn nhất trong vòng 100 năm  là trận lũ ngày 18/8/1996, với lưu lượng 22.650m3 (cao hơn đỉnh lũ năm 1971 là 6.450m3/s) và trận lũ ngày 7/1/2003, có đỉnh 5.300m3/s.

Từ khi công trình thuỷ điện Hòa Bình tham gia cắt lũ, đã làm giảm đáng kể mực nước sông Hồng vào mùa lũ, góp phần quan trọng đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều; đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế-xã hội.

Khi tổ máy số 1 và 2 của Nhà máy đưa vào vận hành với công suất 480MW, đã nhanh chóng cải thiện nhu cầu sử dụng điện ở Miền Bắc. Năm 1994, toàn bộ 8 tổ máy được đưa vào vận hành với công suất 1920MW đã chiếm 67,5% tổng công suất của các nhà máy điện phía Bắc. Từ chỗ thiếu điện gay gắt, Miền Bắc đã được đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế, với 69% sản lượng thiết kế. Tháng 5/1994, đường dây 500kV Bắc-Nam chính thức đưa vào vận hành, Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình lại có điều kiện phát hết công suất và sản lượng, cung cấp điện cho cả nước.

Sản lượng điện hàng năm của Nhà máy sản xuất luôn ở mức cao và tăng liên tục. Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm Nhà máy sản xuất trên 8 tỷ kWh, đạt và cao hơn sản lượng trung bình theo thiết kế. Từ khi đi vào vận  hành cho đến nay, thuỷ điện Hòa Bình đã cung cấp với tổng sản lượng 123,1 tỷ kWh. Đặc biệt năm 2007, kỷ niệm 90 năm Cách mạng tháng 10, thuỷ điện Hòa Bình đã vận hành công trình đạt hiệu quả cao trong chống lũ và phát điện với những kỷ lục mới như: Quí có sản lượng cao nhất (Quí III đạt 3,8 tỷ kWh; tháng có sản lượng cao nhất (tháng 9 đạt 1,382 tỷ kWh) và ngày có sản lượng cao nhất (ngày 9/9/ có sản lượng 47,749 triệu kWh). Tính đến hết ngày 30/10/2007, sản lượng điện đã đạt 7,98 tỷ kWh, dự kiến hết năm đạt 8,8 tỷ kWh, đây cũng là sản lượng kỷ lục từ khi vận hành nhà máy.

Theo thiết kế, trong các tháng mùa khô từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm, công trình phải xả phát điện xuống hạ du với lưu lượng bình quân 680m3/ngày để phục vụ công tác chống hạn cho nông nghiệp. Song, trong những năm gần đây do tình hình kinh tế xã hội phát triển, các khu công nghiệp được xây dựng ở vùng hạ du, nên nhu cầu về nước sinh hoạt và sản xuất tăng lên rất cao. Thêm nữa, những năm gần đây thời tiết có nhiều biến động phức tạp, diện tích rừng đầu nguồn giảm nhiều. Do vậy, lưu lượng về mùa khô trên tuyế sông Hồng có xu hướng ngày càng giảm thấp, tăng nguy cơ nhiễm mặn ở các cửa sông ven biển, nhiều trạm bơm không hoạt động được. Tuyến sông Đà lưu lượng tự nhiên vào hồ có thời kỳ xuống rất thấp, trung bình là 230m3/s, thấp nhất là 120m3/s. Do vậy, với lượng nước xả xuống hạ lưu theo thiết kế không đảm bảo cung cấp nước phục vụ cho nông nghiệp cũng như các nhu cầu khác. Cty đã chủ động tích nước nên lượng nước xả xuống hạ lưu được tăng lên từ 500-700 triệu m3, đảm bảo tốt cho công tác chống hạn.

 Sông Đà xưa kia nổi tiếng với “trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi gềnh”, từ khi có thuỷ điện Hòa Bình, mức nước và dìng chảy được điều hòa hơn, giảm về mùa lũ và tăng về mùa kiệt. Do đó, đã đảm bảo cho tài thuyền có trọng tải đến 1000 tấn đi lại thuận tiện từ cửa biển vào sông Hồng và lên tới thị xã Hòa Bình.

Tính đến 31/7/2003, Nhà máy đã hoàn vốn 9.213 tỷ đồng, trong đó trích khấu hao cơ bản 5.291 tỷ đồng, nộp các loại thuế 3,8 tỷ đồng, nộp thuế tài nguyên cho tỉnh Hòa Bình và Sơn La 797 tỷ đồng. Đây là nguồn thu cơ bản phục vụ tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của địa phương.

Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình được khởi công xây dựng 6/11/1979 và hoàn thành 20/12/1994, kết thúc sau 15 năm xây dựng. Đây là thành quả của lao động vinh quang, dũng cảm, sáng tạo, là sự quyết tâm, quả cảm của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự giúp đỡ chí tình của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô, vì vậy, công trình thế kỷ này đã trở thành biểu tượng cao đẹp của tình hữu nghị Việt Xô./

Thanh Mai