Sự kiện

Nguồn năng lượng của tương lai

Thứ năm, 3/7/2008 | 11:23 GMT+7

Tại Việt Nam, theo dự báo của ngành điện đến năm 2020, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng khoảng 20% với khoảng 247 tỷ KWh. Trong khi đó, việc cung ứng điện từ các nguồn của ngành điện mới chỉ đạt khoảng 223 tỷ KWh. Để bù đắp hơn 24 tỷ KWh còn thiếu thì việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân là một giải pháp tối ưu.

Theo dự báo đến năm 2020, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng khoảng 20% với khoảng 247 tỷ KWh

Trên thế giới hiện có hơn 440 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, cung cấp khoảng 16% (2.574 tỷ KWh) sản lượng điện và khoảng 30 lò phản ứng đang được xây dựng. Mặc dù xu hướng chung trên thế giới là tăng sử dụng điện hạt nhân, nhưng ở một số nước điện hạt nhân phát triển như Italia, Đan Mạch, Đức... lại có xu hướng giảm, bởi những người phản đối vẫn kiên quyết cho rằng những hiểm họa liên quan đến uranium được làm giàu và sản phẩm phụ của nó (plutoni) lớn hơn rất nhiều so với các lợi ích kinh tế. Tại Việt Nam, vấn đề có nên xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam hay không cũng đã từng gây tranh cãi nhưng từ năm 2006, “Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến năm 2020, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được đưa vào vận hành và khai thác với công suất 2.000-4.000 MW, chiếm 5-9% tổng công suất phát điện quốc gia. Để xây dựng được nhà máy điện hạt nhân, sự ủng hộ của nhân dân là rất quan trọng.

Tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 vừa qua khi thảo luận về Luật Năng lượng nguyên tử, các đại biểu quốc hội đánh giá điện hạt nhân là giải pháp kinh tế, an toàn và là nguồn năng lượng sạch, mở ra triển vọng cung cấp điện năng bền vững trong khi các nguồn tài nguyên năng lượng truyền thống ngày càng cạn kiệt. Tuy nhiên, để xây dựng nhà máy điện hạt nhân, vấn đề an toàn cần được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, phải xây dựng năng lực kỹ thuật đủ mạnh, tức là phải hoàn thiện các cơ quan quản lý an toàn hạt nhân, xây dựng hệ thống các cơ sở hỗ trợ kỹ thuật về an toàn hạt nhân...

Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, việc xây dựng và vận hành một nhà máy điện hạt nhân sẽ phải mất 13-15 năm. Vì vậy, để nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam có thể bắt đầu hoạt động vào năm 2020, công tác chuẩn bị cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Đến nay, qua khảo sát 16 điểm ở Việt Nam, các nhà khoa học thuộc Viện Năng lượng nguyên tử đã chọn được 6 điểm có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân, trong đó thuận lợi nhất vẫn là 2 điểm ở Phước Dinh và Vĩnh Hải thuộc tỉnh Ninh Thuận. Tại khu vực này chưa từng xảy ra các hiện tượng khí hậu phức tạp, địa chất công trình ổn định; sông ngòi ngắn, nước lũ thoát ra biển nhanh; môi trường động - thực vật nghèo nàn, không có thú quý hiếm; không ảnh hưởng đến các công trình du lịch, văn hóa, lịch sử; không có nhà máy, kho tàng vật liệu, hóa chất nguy hiểm. Nơi này cũng gần tuyến đường biển, có tuyến chở dầu nội địa; các tuyến đường bộ, đường sắt trong khu vực không có khả năng gây nguy hiểm tới công trình. Do ít dân nên kinh phí đền bù để giải phóng mặt bằng thấp.

Theo tính toán, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận có tổng vốn đầu tư khoảng 3,4 tỷ USD. Nhà máy gồm 2 tổ máy với tổng công suất dự kiến 2.000 MW, khi đi vào hoạt động sẽ cho sản lượng điện từ 14-15 tỷ kWh/năm.Ngoài nguồn vốn, nhân lực cũng là vấn đề hết sức quan trọng. Bởi an toàn hạt nhân đòi hỏi trình độ quản lý công nghiệp rất cao và nghiêm ngặt. Theo tính toán của Viện Năng lượng nguyên tử, để chuẩn bị cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước ta đi vào hoạt động, cần có ít nhất trên 500 người gồm các chuyên gia, kỹ thuật viên và công nhân lành nghề. Và ngay từ lúc này, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần được khởi động ngay với sự giúp đỡ của những nước có kinh nghiệm về điện hạt nhân. Một yếu tố quan trọng khác, theo các chuyên gia, là phải xây dựng được đầy đủ khuôn khổ pháp lý và hành chính cần thiết./.

Theo VEN.vn