Sự kiện

Tiết kiệm năng lượng

Thứ năm, 3/7/2008 | 11:16 GMT+7

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ngành năng lượng bao gồm điện, than và dầu khí đang phải "gồng mình” để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng năng lượng. Vấn đề tiết kiệm năng lượng được đặt ra cấp thiết hơn lúc nào hết.

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 3 tháng đầu năm 2008, nhu cầu điện sản xuất tăng 18,41%, điện thương phẩm tăng 19,98%. Đây là mức tiêu thụ quá cao, vượt khả năng cung ứng của toàn hệ thống. Nếu trong các tổng sơ đồ quy hoạch và phát triển của ngành điện trước đây, Chính phủ chỉ xây dựng mức tăng trưởng phụ tải từ 11-13%, tối đa là 15% thì đến Tổng sơ đồ phát triển điện lực giai đoạn 2006-2015 có tính đến năm 2025, phương án được phê duyệt thấp nhất đã là 17%, phương án điều hành là 20% và phương án cao lên tới 22%/năm. Với yêu cầu này, tổng công suất các nhà máy điện sẽ phải xây dựng thêm trong giai đoạn 2006-2025 là 75.679 MW, riêng nhập khẩu là 5.131 MW.

Trong khi đó, với đặc thù chủ yếu là khai thác hầm lò, dù ngành than có tăng tốc hết sức thì đến năm 2015 cũng chỉ đạt trên 50 triệu tấn và năm 2025 đạt gần 75 triệu tấn. Dự báo của các chuyên gia Nhật Bản cho thấy, riêng nhu cầu về than cho sản xuất điện của cả nước sẽ là 78,2 triệu tấn vào năm 2015 và hơn 120 triệu tấn vào năm 2025. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cho phát triển điện năng, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 15 triệu tấn than vào năm 2015 và 50 triệu tấn vào năm 2025. Hay như với ngành dầu khí, sản lượng khai thác giai đoạn 2016-2020 phải đạt từ 34-35 triệu TOE/năm để đáp ứng nhu cầu cấp khí cho các nhà máy điện. Vì vậy, cùng với việc mở thêm các mỏ dầu khí ở trong nước, phát triển công nghệ chế biến dầu khí, xây dựng các trung tâm hóa dầu, ngành dầu khí còn phải triển khai khai thác các mỏ ở nước ngoài.

Trong khi năng lực cung ứng năng lượng vẫn còn thấp thì suất tiêu hao năng lượng của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp thường cao hơn từ 2,4-3,6 lần so với các nước trong khu vực. Tương tự như vậy, trong phạm vi các tòa nhà, chỉ số tiêu thụ điện tính trên 1 m2 sàn thường cao hơn từ 30-50% so với công trình cùng loại ở các nước Châu Á có áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, vấn đề hiệu quả của việc khai thác và sử dụng năng lượng cũng còn ở mức khá thấp. Để tạo ra 1 USD tổng sản phẩm quốc nội, Việt Nam đang phải tiêu tốn 1,02 KWh điện so với 0,19-0,512 KWh điện của các nước trong khu vực. Vì vậy, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng và cũng là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

Theo tính toán của các chuyên gia năng lượng, việc áp dụng các chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ giúp giảm định mức tiêu hao năng lượng, giảm gánh nặng về nhập khẩu năng lượng cũng như giảm sức ép vốn đầu tư và tiết kiệm được ngoại tệ. Để giải quyết được tình trạng này, các cơ quan hữu quan cần chỉ đạo sát sao hơn nữa để các chương trình đã được thông qua như: Chương trình kiểm toán năng lượng, tiết kiệm điện chiếu sáng và sinh hoạt, tiết kiệm điện trong sản xuất vào giờ cao điểm... được triển khai quyết liệt. Đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện kiểm toán năng lượng bắt buộc, trước mắt là kiểm toán các cơ sở sản xuất sử dụng năng lượng trọng điểm có công suất sử dụng điện cao.

Nhằm đưa mục tiêu tiết kiệm năng lượng đi vào cuộc sống, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các Bộ, ngành liên quan đang tập trung thực hiện Quy chuẩn xây dựng Việt Nam - “Các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” đối với 100% các tòa nhà xây dựng mới; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng và kiểm soát mức tiêu thụ nhiên liệu của các phương tiện giao thông vận tải; cũng như thúc đẩy việc sử dụng đèn huỳnh quang compact và các thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời.

Bên cạnh đó, có khoảng 30% nguồn tài nguyên than, dầu mỏ, khí đốt bị tổn thất (nằm lại trong lòng đất) trong quá trình thăm dò khảo sát (do chúng ta không đủ điều kiện để khai thác nên đã áp dụng các tiêu chuẩn tính trữ lượng theo hướng chấp nhận tổn thất cao). Trong khâu quy hoạch và thiết kế, ít nhất 50% nguồn tài nguyên năng lượng đã được thăm dò bị tổn thất tiếp do phụ thuộc vào công nghệ khai thác. Vì thế, vấn đề tiết kiệm năng lượng cần được tiếp cận một cách toàn diện, khoa học, trong đó điện chỉ là một thành phần nhỏ. Năng lượng cần được tiết kiệm trong tất cả các khâu: thăm dò, khảo sát, quy hoạch, thiết kế, khai thác, chế biến, vận chuyển và trong sử dụng./.

Theo VEN.vn- 2/7