Sự kiện

Tìm vốn cho ngành điện

Thứ tư, 2/7/2008 | 11:27 GMT+7

Với nhu cầu tăng 16-17%/năm, điện đang là lĩnh vực cung không đáp ứng đủ cầu, do đó thu hút mối quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư.

Các nhà máy phát điện của EVN cung ứng 62% sản lượng điện sản xuất hệ thống nên huy động mọi hình thức đầu tư là rất cần thiết.

Thực trạng…

Nguồn lực Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện có không đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển điện năng cho nền kinh tế. Việc huy động mọi hình thức đầu tư là rất cần thiết và dự kiến đến năm 2010, các nguồn điện ngoài EVN sẽ cung cấp tới 30% sản lượng điện toàn quốc.

Hiện các nhà máy phát điện mà EVN chiếm 100% vốn điều lệ cung ứng được 62% sản lượng điện sản xuất hệ thống (sản lượng năm 2007 là 42.146 triệu KW); các nhà máy phát điện của EVN chiếm cổ phần chi phối cung ứng sản lượng điện sản xuất 11% hệ thống (sản lượng năm 2007 là 7.121 triệu KW); điện mua của các nhà máy phát điện ngoài EVN là 27% hệ thống (sản lượng năm 2007 là 17.996 triệu KW). Theo kế hoạch, EVN thực hiện cổ phần hóa 24 đơn vị thành viên trong năm 2007, và năm 2008, thực hiện cổ phần hoá 5 đơn vị thành viên. Ngoài ra, EVN vẫn đang đốc thúc các nhà thầu thi công, phấn đấu đưa vào vận hành các công trình điện theo kế hoạch đã đề ra như sau: năm 2008, đưa vào vận hành 9 công trình với tổng công suất tăng thêm 2.358 MW; năm 2009, tăng thêm công suất 2.739 MW và năm 2010, công suất điện tăng thêm là 4.747 MW.

Trên thực tế, do đặc thù của ngành điện, các công trình, dự án đòi hỏi lượng vốn rất lớn song trong bối cảnh kiềm chế lạm phát, cắt giảm chi tiêu các dự án đầu tư công… cũng đặt ra nhiều bài toán trong việc giải quyết vốn đầu tư cho ngành điện. Theo EVN nguồn vốn đầu tư cho năm 2008 đang gặp nhiều khó khăn mặc dù đã đình hoãn được khoảng trên 370 hạng mục công trình với giá trị vốn 1.235 tỷ đồng. Giữa tháng 6 vừa qua, EVN đã làm việc với 4 ngân hàng là Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Đầu tư và phát triển và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đảm bảo giải ngân các hợp đồng tín dụng đã ký cho các dự án điện đang thi công. Tuy nhiên, từ phía các ngân hàng đề nghị EVN giãn tiến độ thi công, chỉ ưu tiên vốn cho các công trình trọng điểm vì nguồn vốn đang rất eo hẹp.

… và cơ hội

Tổng nhu cầu vốn đầu tư vào phát triển điện lực giai đoạn 2006-2015, EVN cần đến khoảng 690.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 40 tỷ USD. Theo Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2006-2015, EVN phải chịu trách nhiệm đầu tư 48 nhà máy với công suất 33.245 MW. Riêng giai đoạn 2011-2015 EVN đầu tư 25 công trình với tổng công suất 27.545 MW. Tổng nhu cầu đầu tư của EVN giai đoạn 2008-2015 khoảng gần 780.000 tỷ đồng. Ngoài phần vốn tự có, EVN và các đơn vị thành viên còn cần thêm 480.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án điện lực.

Trong số 5 hình thức huy động vốn đầu tư, bao gồm phát hành trái phiếu DN, vay nợ, ODA, cổ phần hóa DN trực thuộc và triển khai các dự án điện độc lập thì phương án khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển điện và phát triển thị trường điện được chú ý nhất. Cụ thể EVN đang phối hợp với Petro Vietnam xây dựng Tổ hợp Nhà máy điện Cà Mau, Dự án điện Ô môn và Nhơn Trạch. Theo ước tính của EVN, từ 14% tổng sản lượng cung ứng cho lưới điện toàn quốc năm 2006, các nhà cung cấp điện ngoài EVN sẽ tăng lên 33% trong năm 2010. Ngoài ra Luật Điện lực cho phép thành lập các công ty đầu tư theo hình thức cổ phần hoặc liên doanh, theo đó hình thức xây dựng - vận hành và chuyển giao (BOT) phổ biến hơn cả.

Cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành điện theo nhận định của các chuyên gia là rất lớn, không chỉ là phát triển và đầu tư các dự án thủy điện nhỏ độc lập (IPP), mua cổ phần của các công ty trực thuộc EVN mà còn có thể tham gia mua cổ phần của các nhà cung cấp nguyên vật liệu cho các nhà máy của EVN và các dự án IPP. Hiện nay, cổ phiếu ngành điện đã niêm yết gồm: Nhiệt điện Phả Lại (PPC), Thủy điện Cần Đơn (SJD), Thủy điện Thác Bà (TBC), Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH)… /.

Mục tiêu, giải pháp tài chính năm 2008 của ngành điện:

Hoàn thành kế hoạch tài chính dài hạn của công ty mẹ và toàn tập đoàn giai đoạn 2008-2015, đảm bảo huy động đủ vốn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư các công trình điện trong quy hoạch điện VI. Huy động vốn khấu hao chưa có kế hoạch đầu tư của các công ty cổ phần để đầu tư điện; Bán bớt CP Nhà nước của Tập đoàn tại các công ty cổ phần vào thời điểm thích hợp. Tận dụng tối đa nguồn vốn ODA, giải ngân kịp thời nguồn vốn vay nước ngoài. Đẩy mạnh quyết toán các công trình. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính chỉ đạo các ngân hàng thương mại đảm bảo giải ngân cho các dự án điện đang thi công theo các hợp đồng tín dụng đã ký.

Theo VENO