Sự kiện

Tìm lời giải cho vùng đất bán ngập lòng hồ thủy điện

Thứ sáu, 14/3/2008 | 10:52 GMT+7

Tỉnh Kon Tum có trên 80 nhà máy thủy điện lớn nhỏ đã và sẽ tiếp tục được xây dựng trong những năm tới. Đây là một trong những thế mạnh đặc biệt của tỉnh này trong mấy năm qua từng bước được phát huy hiệu qủa kinh tế. Trong số những nhà máy thủy điện đã xây dựng đưa vào hoạt động, như thủy điện Yaly và hệ thống nhà máy thủy điện bậc thang có công suất lớn được xây dựng trên sông Sê San, như thủy điện Pleikrông sẽ đưa vào vận hành trong năm nay để hòa vào lưới điện quốc gia.

                 

Bên cạnh những đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế- xã hội của cả nước nói chung, các công trình thủy điện ở tỉnh Kon Tum còn tạo ra một vùng đất màu mỡ rộng hàng nghìn ha. Đó là diện tích vùng đất bán ngập nước của các lòng hồ thủy điện. Năng suất các loại cây trồng trong vùng bán ngập đạt bình quân 5,5 tấn/ha/vụ đối với cây lúa và 6 tấn/ha đối với cây ngô. Đây qủa là năng suất lý tưởng đối với ngành sản xuất nông nghiệp ở tỉnh miền núi như Kon Tum. Tuy nhiên, trên thực tế tiềm năng này chưa được khai thác hiệu quả, bởi việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của nông dân còn rất hạn chế, qũy đất vùng bán ngập hàng năm chưa được khai thác hết. Vì vậy, tỉnh sớm tìm ra giải pháp cho sản xuất trên vùng bán ngập, bố trí cây trồng sản xuất trên vùng bán ngập hàng năm cho hợp lý nhằm tận dụng được diện tích đất đai màu mỡ vùng bán ngập và tạo ra sản phẩm nông nghiệp ổn định, tránh rủi ro trong sản xuất cho người dân sống ở vùng ven hồ. Đây chính là vấn đề bức xúc của nhân dân ở các địa phương vùng ven lòng hồ cần được được sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn.

Hàng năm để dự trữ nguồn nước cung cấp cho các tổ máy của các công trình thủy điện nhằm đảm bảo hoạt động đúng công suất, các hồ chứa nước của các công trình thủy điện thực hiện việc tích nước trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến hết mùa mưa vào khoảng cuối tháng 12 để đạt đến cao trình mực nước dâng bình thường (ở cao trình 515 m). Cùng với việc tích nước là hoạt động xả nước diễn ra từ tháng 3 đến tháng 8 năm sau. Chính trong khoảng thời gian nước rút này, các hồ chứa của các công trình thủy điện, đặc biệt là thủy điện Yaly tạo ra hàng nghìn ha đất phù sa màu mỡ, thuộc địa bàn thị xã Kon Tum và huyện Sa Thầy. Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, khi lòng hồ Yaly tích nước, có đến 2.600 ha đất sản xuất nằm ở cao trình 510 đến 515 m bị ngập. Đất đai được nghỉ ngơi cùng với sự phân hóa của thảm thực vật và phù sa qua các trận mưa lũ, nên vùng đất bán ngập nước này rất màu mỡ. Khi nước rút, có hàng ngàn ha có thể phục vụ cho sản xuất nông nghiệp bắt đầu "lộ thiên" trong 6 tháng, từ cuối mùa khô đến đầu mùa mưa.

Để khai thác tốt quỹ đất này nhằm góp phần giải quyết nguồn lương thực tại chỗ, giải quyết một phần về thiếu đất sản xuất đồng thời giảm được sức ép về tình trạng phá rừng, làm nương rẫy trái phép vốn đang là vấn đề nóng bỏng hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum đã đưa ra các giải pháp cụ thể, như khi tận dụng qũy đất bán ngập để sản xuất phải đảm bảo thu hoạch trước ngày dâng tích nước. Về cơ cấu giống, chọn giống cây càng ngắn ngày càng giảm rủi ro.

Hãy còn qúa sớm để đánh gía về hiệu qủa của các giải pháp mà ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum đề ra, nhưng dẫu sao thì đây cũng là cơ sở bước đầu đáng tin cậy để tiến tới khai thác có hiệu qủa qũy đất màu mỡ rộng hàng nghìn ha, thuộc vùng bán ngập của các lòng hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh để đưa vào sản xuất ./.

Mai Phương