Sự kiện

Về vấn đề nhiễm điện đường dây 220 kV ở Thái Nguyên: Cần có một cái nhìn khách quan

Thứ sáu, 2/11/2007 | 00:00 GMT+7
Thời gian qua, một số hộ dân ở khu vực Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không 220 kV Hà Giang - Tuyên Quang - Thái Nguyên lo sợ bị nhiễm bệnh, mất an toàn khi phải sống dưới đường dây điện, kiến nghị được di dời ra khỏi hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.

                             

Một số hộ dân vẫn đủ điều kiện tồn tại trong hành lang lưới điện

Tuyến đường dây 220 kV Hà Giang - Tuyên Quang - Thái Nguyên được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành tháng 4-2007. Toàn tuyến dây đi qua nhà của 328 hộ dân, trong đó có 27 hộ phải di dời, còn 301 hộ đủ điều kiện tồn tại trong hành lang lưới điện (HLLĐ). Từ sau khi đưa đường dây vào vận hành, 37 hộ dân, nhiều nhất là các hộ dân ở khu vực huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên có đơn thư khiếu kiện với nội dung sức khỏe bị giảm sút, hay đau đầu chóng mặt, lo sợ bị nhiễm bệnh, mất an toàn khi phải sống dưới đường dây, kiến nghị được đền bù để di dời ra khỏi HLLĐ. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) phối hợp UBND tỉnh Thái Nguyên xem xét giải quyết các khiếu kiện của dân (Công văn số 2936/VPCP-CN).

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, từ ngày 28-5 đến 1-6-2007, Cục Kỹ thuật an toàn Bộ Công nghiệp đã phối hợp với các Sở Công nghiệp Thái Nguyên, Tuyên Quang và EVN tổ chức đo kiểm tra khoảng cách pha - đất, khoảng cách từ nhà đến dây dẫn và cường độ điện trường tại nhà 35 hộ dân trong HLLĐ theo danh sách do các sở công nghiệp lựa chọn (tỉnh Thái Nguyên 28 hộ, tỉnh Tuyên Quang 7 hộ). Kết quả như sau:

Về cường độ điện trường: trong nhà dao động từ 0,001kV/m đến 0,226 kV/m, ngoài nhà không quá 1,54 kV/m; khoảng cách từ dây dẫn đến nhà ở, chỗ nhỏ nhất xấp xỉ 7 m. Về khoảng cách pha - đất chỗ thấp nhất xấp xỉ 13 m. Đối chiếu kết quả đo với các điều kiện quy định tại khoản 1, Điều 6, Nghị định 106/2005/NĐ-CP ngày 17-8-2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp (Nghị định 106/2005/NĐ-CP) cho thấy cường độ điện trường và khoảng cách từ dây dẫn đến nhà ở, công trình của các hộ dân đủ điều kiện để tồn tại trong HLLĐ. Ngày 11-6-2007, Cục Kỹ thuật An toàn đã có Công văn số 235/KTAT-AT thông báo kết quả đo cho các sở công nghiệp Thái Nguyên và Tuyên Quang để làm cơ sở báo cáo UBND tỉnh và trả lời nhân dân. Tuy vậy, sau đó vẫn còn 7 hộ dân vẫn không đồng ý và tiếp tục gửi đơn khiếu kiện đi các nơi.

           

             

Cán bộ ngành Điện và nhân dân cùng tham gia bảo vệ an toàn hành lang lưới điện

Ngày 1 và 2-8-2007, EVN tiếp tục tổ chức đo tại một số hộ có đơn khiếu kiện tại xã Hùng Sơn và xã Tiên Hội (Đại Từ, Thái Nguyên). Thành phần đoàn công tác lần này bao gồm: Vụ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công nghiệp; Viện Khoa học Bảo hộ lao động; Sở Công nghiệp và đại điện chính quyền địa phương; các ban của EVN như Thanh tra Bảo vệ, Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Viện Năng lượng. Kết quả đo lần này không khác biệt kết quả đo lần trước và thỏa mãn điều kiện để nhà ở, công trình tồn tại được trong HLLĐ. Ngoài ra, trong lần đo này, đoàn công tác còn sử dụng thiết bị đo Fluke 87 (76010532) để đo điện áp cảm ứng và kết hợp với điện trở chuẩn R = 1kW để đo dòng điện cảm ứng. Như vậy, qua hai lần đo kiểm tra, đối chiếu với các quy định hiện hành thì khoảng cách từ dây dẫn đến nhà, cường độ điện trường trong và ngoài nhà của các hộ dân có đơn khiếu kiện đều đáp ứng được điều kiện được tồn tại trong HLLĐ, không phải di dời.

 Về hiện tượng bút thử điện sáng đỏ khi chạm bút vào người theo phản ánh của người dân và một số bài báo, chúng tôi xin giải thích như sau: Loại bút thử điện mà người dân sử dụng là bút thông mạch, loại bút này không dùng để xác định điện áp, chỉ dùng để xác định mạch điện đang ở trạng thái kín hay hở, chạm vào người thì đèn báo sẽ sáng đỏ báo hiệu có sự thông mạch (khi dùng loại bút này, cứ chạm vào người là đèn báo sẽ sáng đỏ dù chúng ta ở nơi không có đường dây điện, hay nguồn điện. Vấn đề này, EVN đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam khảo sát tại hiện trường, ghi hình và giải thích trong phóng sự phát các ngày 22 và 23-8-2007). Nếu căn cứ vào hiện tượng này để kết luận đang bị nhiễm điện là thiếu cơ sở khoa học. Một số phóng viên khi được người dân phản ánh đã không tìm hiểu kỹ, vội vàng đưa tin, viết bài và đã gây hiểu lầm không đáng có trong một bộ phận nhỏ nhân dân.

Từ kết quả khảo sát thực tế nêu trên, qua công tác tuyên truyền trên Đài Truyền hình Việt Nam và qua hướng dẫn, giải thích của các cán bộ chuyên môn, các số hộ dân tại: thị xã Phú Thọ, xã Phú Hộ, xã Hà Thạch thuộc tỉnh Phú Thọ và một số hộ dân tại huyện Kiến Thụy, quận Hải An, TP Hải Phòng từng phản đối việc xây dựng đường dây 220 kV, hoặc kiến nghị được di dời ra khỏi HLLĐ, đã đồng thuận, bàn giao mặt bằng cho các đơn vị xây lắp tiếp tục thi công sau một thời gian phải tạm ngừng do ảnh hưởng của các thông tin thiếu cơ sở khoa học.

Qua sự việc nêu trên, chúng tôi cho rằng, để giải quyết những bức xúc không chỉ của người dân sống trong hành lang lưới điện 220 kV, mà còn của người dân sống gần sát hành lang tuyến đường dây dẫn điện trên không 500 kV về hiện tượng cảm ứng điện từ, chủ đầu tư và Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) cần phối hợp tốt với Sở Công nghiệp, chính quyền địa phương giải thích đầy đủ các vấn đề về kỹ thuật an toàn điện đối với các hộ dân theo quy định. Các phương tiện thông tin đại chúng khi đưa tin, phản ánh vấn đề này cũng cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia về kỹ thuật an toàn điện để tránh những tác động bất lợi không đáng có.

Theo TC Điện lực số 9 - 2007