Sự kiện

Giải pháp cho ngành điện

Thứ hai, 19/5/2008 | 11:13 GMT+7

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào: Để giải bài toán thiếu điện về lâu dài thì cần xây dựng một cơ chế giá điện minh bạch, đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Muốn thế phải thiết lập được cấu trúc thị trường cạnh tranh để đảm bảo giá không bị chi phối bởi một DN độc quyền có quyền lợi ở khâu bán điện.

Với Tổng sơ đồ điện 6 (TSĐ 6), yêu cầu phải đưa vào lượng công suất điện gấp 4-5 lần công suất đặt hiện nay, nếu không có quyết sách đúng từ bây giờ thì không những không thu hút được đầu tư cho điện mà tình trạng thiếu điện vẫn không có lời giải.

Lộ trình...

Năm 2006, Thủ tướng ban hành 2 quyết định (QĐ) quan trọng có tác dụng định hướng cho hoạt động điện. QĐ 26/QĐ-TTg ngày 26.1.2006 phê duyệt lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại VN. Mục đích là để từng bước phát triển thị trường điện cạnh tranh một cách ổn định, xóa bỏ bao cấp trong ngành điện, tăng quyền lựa chọn nhà cung cấp điện cho khách hàng sử dụng, thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện lực, giảm áp lực tăng giá điện...

Theo hướng này thì từ cuối năm 2005-2008, là thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm trong nội bộ EVN. Sau giai đoạn này là thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh (dự kiến từ năm 2009) cho phép các nhà máy điện độc lập (IPP) không thuộc sở hữu của EVN tham gia chào giá cho Cty mua bán điện sẽ phải tách ra độc lập khỏi EVN. Các đơn vị phát điện sẽ bán điện lên thị trường thông qua các hợp đồng mua bán điện dài hạn và chào giá cạnh tranh trên thị trường giao ngay.

QĐ thứ 2 là QĐ 276/QĐ-TTg ngày 4.12.2006 quy định về lộ trình điều chỉnh giá điện. Để phù hợp với lộ trình thị trường điện, giá điện sẽ chỉ được Nhà nước khống chế trần đến hết năm 2009. Từ năm 2010 trở đi, giá bán lẻ điện được thực hiện trên cơ sở giá thị trường.

Chính vì giá điện hiện nay còn bộc lộ những yếu tố bất cập nên không thu hút nhà đầu tư. Trong cơ cấu giá điện sinh hoạt, 100 số đầu Nhà nước đang bao cấp cho toàn bộ người sử dụng điện, trong khi đó chủ trương của Nhà nước chỉ bao cấp cho những hộ nghèo.

Thêm vào đó, việc bù chéo giữa giá điện sản xuất sang giá điện sinh hoạt vẫn duy trì đang làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá. Việc giá điện không phản ánh đúng chi phí cũng không khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Hiện nay, so tương quan mức tăng GDP với tốc độ tăng nhu cầu sử dụng điện thì tốc độ sử dụng điện luôn gấp đôi GDP, cho thấy việc sử dụng lãng phí, không hiệu quả còn tran lan.

Ông Đỗ Hữu Hào cho biết: "Điều quan trọng là có cầu, ắt có cung theo quy luật thị trường. Song vì sao thời gian qua, nhiều dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) ì ạch đàm phán với EVN không thành công. Bỏ qua yếu tố buộc phải đàm phán qua DN này, thì một yếu tố nữa không thể xem nhẹ là giá bán cao, nhưng giá mua không thể cao được vì bị khống chế đầu ra.

"Thị trường cần có sự cạnh tranh, nhưng cung phải vượt cầu thì giá mới hạ được, đằng này đầu ra bị khống chế. EVN muốn cung ứng đủ điện, thì hoặc chấp nhận lỗ, hoặc giảm lãi", ông Hào nhận xét.

Bài toán quả trứng - con gà

Vấn đề không thể khác là phải mở cửa để nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường điện để có đủ điện. Có đủ điện thì thị trường mới cạnh tranh một cách minh bạch, vừa đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư, mang đến nhiều sự lựa chọn cho khách hàng sử dụng, vừa giảm áp lực tăng giá.

Thời gian qua, do phải đàm phán giá điện qua EVN, trong khi DN này dẫu được Nhà nước trao độc quyền trong kiểm soát nguồn cung và phân phối, vẫn không thể thay thế cơ quan nhà nước để quyết định mua điện với giá không đảm bảo kinh doanh. Bởi chỉ cần lỗ 2 năm liên tiếp thì giám đốc DN cũng mất chức.

Theo lộ trình thị trường điện thì EVN bắt buộc phải cơ cấu lại. Các nhà máy thuộc EVN buộc phải tách thành các đơn vị phát điện độc lập (không có chung lợi ích kinh tế với đơn vị mua duy nhất là Cty mua bán điện được thành lập mới, đơn vị truyền tải và đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện). Để chuẩn bị cho quá trình này, bản thân EVN cũng đang cơ cấu lại các nhà máy điện bằng việc bán bớt cổ phần cho các nhà đầu tư bên ngoài và ra công chúng.

Thị trường điện ra đời sẽ giảm gánh nặng về giá. Song để cạnh tranh, Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào cho rằng bản thân DN này cũng phải tìm mọi biện pháp giảm chi phí, giảm tổn thất điện năng (xuống dưới 10%), cơ cấu lại lao động.

Một khi thị trường chưa vận hành hoàn chỉnh, giá điện chưa thể được chấp nhận theo các thông số đầu vào thì việc tuyên truyền để người dân tiết kiệm điện và cắt giảm điện là cách mà EVN đang thực hiện.

Theo Lao Động số 110