Sự kiện

Khắc phục thiếu điện lâu dài: Không thể chỉ trông chờ vào điện hạt nhân

Thứ sáu, 16/5/2008 | 11:29 GMT+7

Tại buổi giao lưu trực tuyến về “Sản xuất và tiêu thụ điện năm 2008: Thực trạng và giải pháp” do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức tuần qua, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là EVN sẽ khắc phục tình trạng thiếu điện trước mắt và lâu dài ra sao? EVN có những giải pháp gì trong việc kêu gọi đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch. Giá điện thời gian tới sẽ như thế nào? Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó TGĐ EVN khẳng định: Bên cạnh những giải pháp trước mắt như kêu gọi tiết kiệm điện, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang xây dựng, vận hành an toàn thiết bị máy móc… Tuy nhiên, tất cả mọi giải pháp sẽ chỉ có hiệu quả khi được thực hiện đồng bộ và cả xã hội cùng chung lưng gánh vác.

 

Không thể chỉ trông chờ vào điện hạt nhân

Tại buổi giao lưu rất nhiều độc giả quan tâm đến việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân với hy vọng đó sẽ là cứu cánh cho tình trạng thiếu điện ở Việt Nam. Ông Hùng cho biết: Chính phủ đang chỉ đạo EVN lập dự án đầu tư xây dựng hai nhà máy điện nguyên tử công suất 4.000MW. Hiện nay đang tiến hành các thủ tục để triển khai các dự án điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận, dự kiến năm 2012-2014 khởi công xây dựng và tổ máy đầu tiên sẽ được đưa vào vận hành vào năm 2020. Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu điện không thể chỉ trông chờ vào điện hạt nhân. Từ nay đến năm 2015, nước ta phải tiếp tục đầu tư và đưa vào vận hành nhiều nhà máy điện mới với tổng công suất 58.459 MW (riêng EVN đầu tư 25 nhà máy với tổng công suất 33.245 MW, chiếm 57% công suất phải đầu tư của cả nước).

Khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo

Trả lời câu hỏi của độc giả về việc EVN đã có những chính sách nào để ưu tiên phát triển, xây dựng và sử dụng năng lượng sạch và dần dần hạn chế các nguồn năng lượng cũ, gây ô nhiễm môi trường, ông Hùng cho biết: Trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đã chủ trương: Ưu tiên phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học gắn với giữ gìn môi trường sinh thái. Khuyến khích các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư các nhà máy điện, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo như thủy điện, phong điện, điện mặt trời… Hiện nay, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này. Riêng việc đầu tư vào thủy điện nhỏ ở vùng sâu, vùng xa, ngoài các ưu đãi về thuế, vốn vay và sử dụng đất, các nhà đầu tư còn được EVN hướng dẫn toàn bộ trình tự, thủ tục đàm phán ký kết hợp đồng mua bán điện một cách rõ ràng, minh bạch trên website của EVN (www.evn.com.vn). Đến nay rất nhiều chủ đầu tư thủy điện nhỏ đã hoàn thành ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN.

Hướng tới một thị trường điện minh bạch

Trước mối quan tâm của bạn đọc về xây dựng thị trường điện để kêu gọi các nhà đầu tư theo hình thức IPP, BOT, BOO nhằm giảm các gánh nặng tài chính cho Nhà nước, ông Hùng cho biết: Hiện EVN đang thực hiện đúng theo lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện lực tại Việt Nam theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Từ tháng 1/2007, EVN đã thiết lập và vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm; tổ chức đào tạo phát triển nguồn nhân lực; xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho nhu cầu vận hành và thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vào năm 2009. Tuy nhiên, việc thúc đẩy đầu tư nguồn gặp khó khăn còn có lý do giá cả, nguyên vật liệu tăng cao, nhiều quy định về đầu tư xây dựng cơ bản vẫn nằm chờ hướng dẫn nên gây vướng mắc khi triển khai từng dự án. Bên cạnh đó, công trình điện có đặc thù về độ an toàn cao (như đập thủy điện), công nghệ cao, đội ngũ thi công ở Việt Nam còn ít, năng lực chế tạo cho các công trình nguồn điện nhiều hạn chế, thường phải thuê các công ty nước ngoài, các thiết bị chính của nhà máy thường nhập ngoại. Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ đã quy định một số cơ chế đặc thù để đầu tư 14 công trình nguồn và lưới điện cấp bách nhằm giảm bớt thời gian chậm tiến độ các dự án. EVN đã, đang và sẽ có các biện pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án do EVN làm chủ đầu tư. Các dự án do các đơn vị ngoài EVN làm chủ đầu tư cần có sự đôn đốc của các cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ khi có đủ nguồn điện sử dụng và điện dự phòng thì chúng ta mới có thể thiết lập được thị trường điện thực sự theo cơ chế thị trường công khai minh bạch.

Giá điện chắc chắn sẽ tăng

Một trong những mối quan tâm của nhiều độc giả là giá điện sẽ tăng đến đâu, ông Hùng khẳng định: Công suất lắp đặt các nhà máy điện trong toàn quốc hiện nay khoảng 13.500 MW, nhu cầu khoảng 11.600 MW. Tuy nhiên năm 2007, lượng điện cung cấp lên lưới điện quốc gia chỉ đạt 66,77 tỷ kWh (kể cả nhập khẩu từ Trung Quốc), bởi vì trong hệ thống điện bao giờ cũng có một số nguồn điện phải sửa chữa, bảo dưỡng. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, chỉ còn cách là tiếp tục xây dựng thêm các nhà máy đienẹ và các đường dây tải điện và trạm biến thế. Vấn đề là các nguồn nhiên liệu để phát ra điện chính là than, dầu, khí đốt đang ngày càng cạn kiệt, giá chi phí đầu tư xây dựng, nhiên liệu và các loại nguyên liệu đầu vào ngày càng tăng. Điều đó dẫn đến giá điện chắc chắn sẽ còn tăng bởi vì ngành điện không thể hoạt động tách khỏi quy luật khinh tế thị trường. Còn việc tăng đến đâu và khi nào tăng sẽ do Chính phủ quyết định. Để giảm bớt phần nào áp lực tăng giá điện, các nhà máy điện phải tiết kiệm chi phí sản xuất, người tiêu dùng phải sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tránh lãng phí. EVN cũng đang phấn đấu năm 2010 giảm tổn thất điện năng xuống 8% (năm 2007 tổn thất 10,56% và phấn đấu năm 2008 giảm xuống 9,6%). Tất nhiên, để làm được điều này, EVN rất cần sự đồng thuận của các cơ quan ban ngành, đặc biệt là sự ủng hộ cua rngười dân trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. 

Theo Báo Công Thương