Sự kiện

Giải pháp nào cho những công trình thuỷ điện chậm tiến độ?

Thứ hai, 7/7/2008 | 10:57 GMT+7

Tại thời điểm này, cả nước vẫn đang phải áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện năng, giảm thiểu tình trạng thiếu điện trong cả nước thì tại hơn 200 dự án thủy điện đang được xây dựng, hầu hết đang bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến kế hoạch phát điện của công trình nhất là khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Để đưa dự án vào hoạt động theo đúng kế hoạch, đưa điện lên lưới, đảm bảo chất lượng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang huy động tổng lực các chủ đầu tư và nhà thầu tìm các biện pháp khắc phục để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah được xây dựng trên hệ thống sông Serepok nằm trên địa phận hai tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông. Công trình này có tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, công suất lắp máy 86MW, điện lượng trung bình hàng năm 360 triệu kWh. Tại thời điểm này dự án đang bị chậm tiến độ khoảng tới một năm. Khối lượng công trình hiện đã đạt hơn 100 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân được.

Ông Đặng Văn Quỳnh – Trưởng phòng kỹ thuật, chất lượng công trình thủy điện Buôn Tua Srah cho biết: "Ngoài nguyên nhân về điều kiện địa chất, thời tiết thì còn có sự biến động về gia nguyên vật liệu, vật tư không đáp ứng kịp thời cộng với việc giải ngân thanh toán khối lượng nhà thầu đang thi công lớn".

Mặc dù vậy, tại thời điểm này, các công trình đã được tăng tốc đồng loạt bằng mọi biện pháp: Tăng giờ làm, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ. Một số dự án hiện nay, ngoài việc tự chế tạo, lắp đặt máy móc, thiết bị... các nhà thầu còn cùng với chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, tìm ra nguyên nhân chậm tiến độ cho dự án để có biện pháp khắc phục.

Ông Trần Văn Nhu - Giám đốc Ban điều hành dự án thủy điện Buôn Kuốp cho biết: "Hiện để bảo đảm tiến độ thì cường độ lao động của chúng tôi phải được đẩy lên, đặc biệt trong thi công chúng tôi phải rút ngắn thời gian bằng cách nghiên cứu thay thế thiết bị công nghệ. Chúng tôi đã xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, hỗ trợ nhau trên công trường tạo điều kiện giải quyết khó khăn ở từng thời điểm, cùng chủ đầu tư và tư vấn tạo ra thế để phấn đấu hoàn thành".

Để các dự án đạt kết quả như mong muốn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang huy động tổng lực các tổng công ty, các tập đoàn xây dựng tập trung về vốn, nguồn nhân lực và trang thiết bị máy móc để có biện pháp khắc phục sự chậm trễ, đẩy nhanh tiến độ công trình, bảo đảm chất lượng.

Ông Đào Văn Hưng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: "Đối với công trình nào gấp rút phát điện thì yêu cầu các nhà thầu tập trung thiết bị, con người thi công. Thứ hai là về vốn, chúng tôi lo đủ đáp ứng yêu cầu và thường xuyên giao ban ở công trường để tháo gỡ khó khăn".

Hơn 200 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất hơn 4.000 MW đang được xây dựng trong cả nước. Nếu các công trình này hoàn thành đúng tiến độ, sẽ thực sự giảm thiểu tình trạng thiếu điện như hiện nay. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo bộ Công thương, bô Xây dựng và các cơ quan liên quan, tăng cường kiểm tra tiến độ, đôn đốc các chủ dự án và yêu cầu triển khai các dự án “treo”, khắc phục tình trạng “giữ phần” dự án để chuyển nhượng, phấn đấu trong năm 2008 đưa 24 nhà máy thuỷ điện với công suất gần 350 MW vào vận hành.

Theo VTV