Sự kiện

Người dân 23 xã vùng lòng hồ Thác Bà: Khoảnh khắc chờ điện

Thứ hai, 7/7/2008 | 14:59 GMT+7

Đầu tư xây cho các thôn bản thuộc 44 xã có dân di cư từ vùng lòng hồ Thác Bà của EVN và lãnh đạo tỉnh Yên Bái là một chủ trương đúng, là nghĩa cử cao đẹp, bù đắp sự thiệt thòi cho những hộ dân đã tự nguyện nhường đất phục vụ xây dựng công trình Thủy điện Thác Bà. Nhưng sự thay đổi cơ chế chính sách, sự khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn của địa phương đã làm cho ý nghĩa tốt đẹp đó đang dần mai một và người dân vẫn “dài cổ” khắc khoải chờ điện…

 

Trạm biến áp để không tại thôn Khe Móc, xã Tân Hương , huyện Yên Bình, Yên

Vẫn biết để có Nhà máy Thủy điện Thác Bà hôm nay thì hàng nghìn hộ dân đã tự nguyện từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, nhường lại mảnh đất tổ tiên để lại phục vụ cho việc xây dựng công trình, vậy mà sau mấy chục năm đi vào vận hành, đóng góp cho đất nước hàng chục tỷ kWh điện, các hộ dân này vẫn chưa được dùng điện, mặc dù họ sinh sống ở những vùng đất mới liền kề nguồn điện Thác Bà. Để bù đắp cho sự thiệt thòi đó, EVN và lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng lưới điện cho các thôn bản thuộc 44 xã có dân di cư từ vùng lòng hồ Thác Bà trong 2 năm 2003-2004, theo cơ chế: Ngành điện đầu tư đường dây trung thế và các trạm biến áp; ngân sách địa phương đầu tư phần lưới hạ thế và công tơ.

Ngay trong năm 2003, ngành Điện đã chỉ đạo Công ty Điện lực 1, Điện lực Yên Bái khẩn trương triển khai dự án. Đến 2005, toàn bộ các hạng mục trong dự án thuộc phần trách nhiệm của ngành Điện đã hoàn thành với khối lượng 105,95 km đường dây trung áp và 66 trạm biến áp phân phối 35(10)/0,4 kV, dung lượng 5.227 kVA, tổng mức đầu tư 23,33 tỷ đồng. Cũng tại thời điểm này, Sở Công nghiệp tỉnh Yên Bái (nay là Sở Công Thương) đã xây dựng kế hoạch đầu tư phần lưới hạ thế và triển khai đồng bộ với kế hoạch xây dựng của ngành Điện. Mặc dù địa phương rất quan tâm tìm kiếm, bố trí các nguồn vốn đầu tư xây dựng lưới điện hạ thế, nhưng do khối lượng đầu tư lớn, chế độ chính sách có sự thay đổi, nhất là kể từ khi Luật Điện lực và Nghị định 105/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực có hiệu lực, việc đầu tư xây dựng lưới điện hạ thế của tỉnh Yên Bãi đã bị chững lại do không được phép sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để tiếp tục đầu tư cho các xã còn lại trong dự án nên tiến độ thực hiện không đạt được kế hoạch như đã thoả thuận với EVN. Đến hết năm 2006, vẫn còn hơn 20 xã chưa được đầu tư lưới điện hạ thế, các hộ dân không được sử dụng điện, gây bức xúc trong nhân dân và lãng phí nguồn vốn đầu tư của ngành Điện. Theo quy định của Luật, việc đầu tư xây dựng lưới hạ thế thuộc trách nhiệm của các tổ chức kinh doanh bán điện trên địa bàn. Nhưng thực tế, cuộc sống của người dân ở đây hết sức khó khăn, điều kiện giao thông không thuận tiện, nên không có bất kỳ một tổ chức nào đứng ra đảm nhiệm phần đầu tư này và người dân vẫn trông ngóng vào sự quan tâm của Nhà nước để được dùng điện lưới quốc gia.

Tại thời điểm tháng 5/2008, được sự hỗ trợ của Sở Công Thương, Chi nhánh Điện Yên Bình, chúng tôi đã có chuyến khảo sát thực tế một số địa phương trong Dự án. Với gần một giờ đi ô tô và khoảng 2 giờ đi bộ, chúng tôi mới “mò” đến điểm được chọn. Đó là thôn Khe Móc, xã Tân Hương, huyện Yên Bình. Ông Đỗ Quang Tiến, Trưởng Chi nhánh Điện Yên Bình nhìn về phía trạm biến áp, buồn bã nói với chúng tôi: Các đồng chí thấy đấy, đường dây và trạm đã hoàn thành đóng điện từ  năm 2004 đến nay vẫn cứ để không như vậy, không chỉ lãng phí vốn đầu tư mà còn gây nhiều khó khăn cho ngành Điện trong công tác bảo vệ, bảo dưỡng thiết bị suốt mấy năm qua. Những thiết bị nào có thể tháo được, Điện lực đã cho công nhân tháo dỡ, nhập kho bảo quản, phần còn lại phải bố trí người thường xuyên kiểm tra, trông coi cẩn thận, chỉ lơ là một chút là mất cắp ngay, không biết tình trạng này còn kéo dài đến bao giờ. Gia đình chị Bàn Thị Tâm chỉ cách trạm biến áp chưa đầy 50 mét nhưng phải chung nhau với nhiều hộ lân cận kéo điện từ thôn khác cách đó đến nghìn mét về dùng với chất lượng điện áp rất thấp. Giữa buổi trưa mà cái ti vi nhà chị hết bật lại tắt, chỉ cần bật thêm một bóng đèn là ti vi không thể lên lại được nữa. Chị Tâm phàn nàn: Nếu ở đây buổi tối thì các anh mới thấy điện “sáng” ra sao. Ngày nào tôi cũng phải thắp đèn dầu để ăn cơm, bọn trẻ học cũng thắp đèn dầu… còn đèn điện chỉ có một vệt đỏ mờ ảo như đom đóm. Ước gì nhà tôi được dùng điện như ngoài phố huyện. Chúng tôi đùa chị: Sắp rồi, mấy tháng nữa điện nhà chị sẽ sáng. Vợ chồng chị cười vui và hứa ngày đó sẽ mổ chó khao mọi người. Trên cả quãng đường vào thôn Khe Móc, chúng tôi được chứng kiến sự sáng tạo rất kỳ tài của những người dân ở đây. Nào dây thép, dây điện thoại, cột tre, cột sắt, xô-chậu làm hộp công tơ… đa dạng không thể kể hết, chỉ cốt nhà mình có điện. Theo ông Nguyễn Hữu Hiền - Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái, đến nay còn 8/44 xã trong tình trạng lưới điện dân tự làm, chắp vá, không đảm bảo kỹ thuật như vậy; cộng với 15 xã đã có trạm biến áp đang chờ lưới điện hạ thế, đưa số xã cần phải đầu tư mới và cải tạo nâng cấp lưới điện trong thời gian tới của tỉnh lên 23 xã.

Lưới điện hạ thế, hòm công tơ xập xệ do người dân tự làm tại xã Tân Hương, Yên Bái

Được biết nguồn vốn của Dự án RE II được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phân bổ cho Yên Bái để đầu tư xây dựng phần lưới điện hạ áp là 5,6 triệu USD, song tỉnh mới chỉ sử dụng khoảng 3,5 triệu USD và phần còn lại là 2,1 triệu USD. Từ thực tế tình hình triển khai thực hiện dự án cấp điện cho 44 xã vùng lòng hồ Thác Bà, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh Yên Bái ra văn bản số 1599/UBND-CN ngày 22/8/2007 đề nghị Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới (WB) cho bổ sung 23 xã vào dự án REII và được sử dụng nguồn vốn vay còn lại 2,1 triệu USD để triển khai xây dựng lưới điện cho 15 xã vùng lòng hồ mà ngành Điện đã đầu tư từ 2-3 năm nay, nhưng chưa có lưới hạ thế; đồng thời cải tạo lưới điện hạ thế chắp vá do dân tự làm không đảm bảo kỹ thuật ở 8 xã. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Hiền cho biết: Đề nghị này của tỉnh đang có triển vọng sẽ trở thành hiện thực, bởi việc triển khai Dự án RE II của tỉnh đã đạt được những kết quả rất khả quan, được Bộ Công Thương, đại diện WB tại Việt Nam đánh giá cao. Đặc biệt trong buổi làm việc gần đây (tháng 3/2008) giữa Bộ Công Thương, đại diện WB với UBND tỉnh Yên Bái, đề xuất bổ sung 23 xã vùng lòng hồ vào Dự án RE II đã nhận được sự ủng hộ rất cao của đại diện các bộ, ngành. Đây là tín hiệu vui không chỉ đối với người dân vùng lòng hồ, mà còn giải toả những lo toan của các cấp chính quyền địa phương, ngành Điện. Cũng theo ông Hiền, tranh thủ sự ủng hộ này, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở đã chỉ đạo Ban quản lý Dự án RE II Yên Bái khẩn trương chuẩn bị các thủ tục pháp lý, lập hồ sơ đầu tư các xã được bổ sung trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước tháng 7/2008, đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các bước tiếp theo ngay sau khi được phân bổ vốn.

Hy vọng với sự ủng hộ của Bộ Công Thương, Ngân hàng Thế giới, sự nỗ lực của các ban, ngành địa phương, nhất là Ban quản lý Dự án RE II Yên Bái, mục tiêu hoàn thành đóng điện phần hạ thế cấp điện cho các hộ dân 23 xã vùng lòng hồ Thác Bà sớm trở thành hiện thực, đáp ứng sự khắc khoải mong mỏi có địên của người dân bao lâu nay, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nơi đây.

Theo TCĐL số 5/2008